Mê ca trù, yêu nàng Kiều
Tết Ất Mùi 2015, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân đã sang tuổi 91 nhưng trông ông vẫn còn xuân lắm. Sinh ra ở đất Bắc nhưng ông gắn cả đời mình với Sài Gòn ở phương Nam. Văn hóa xứ Kinh Bắc quê hương, nhất là nghệ thuật ca trù, đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nguyễn Quảng Tuân từ thuở còn ấu thơ. Dù sau này ông về Hà Nội học Trường Bưởi, tiếp thu kiến thức Tây học từ nhiều nguồn khác nhau, rồi vào Sài Gòn dạy học, nhưng tình yêu đối với ca trù vẫn không vơi trong ông.
Bậc lão thành Nguyễn Quảng Tuân nói rằng, ca trù là thú chơi tao nhã từ xưa của cổ nhân, không dành cho đám đông mà chỉ thu hẹp trong phạm vi một nhóm nhỏ, có tri thức. Điều quan trọng là người nghe phải tuyệt đối giữ im lặng để cùng thưởng thức từ lời thơ, giọng hát tới nhịp phách, cung đàn. Vì lẽ đó, ông còn sáng tác và cổ động cho ca trù với hy vọng góp phần giữ gìn và phát huy một thể loại dân ca trí thức và kinh điển của tổ tiên đang dần bị mai một.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân với tủ sách cổ quý hiếm thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.
Ngoài ca trù, Nguyễn Quảng Tuân cũng hết sức say mê sách cổ, đặc biệt là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tất nhiên, Truyện Kiều thì nhiều người từ trong đến ngoài nước yêu thích, nhưng say mê kiểu như ông Nguyễn Quảng Tuân quả là khác thường. Chính vì yêu áng thơ bất hủ này mà suốt đời ông bỏ công lặn lội từ Á sang Âu - Mỹ truy tìm những văn bản cổ nhất để mày mò nghiên cứu, phục dựng, phiên âm, hiệu đính, chú giải, viết lại chữ Nôm bằng tay cả tác phẩm.
Cũng vì mê Kiều mà ông liên tục bỏ tiền túi làm sách, xuất bản nhiều công trình với mong muốn mang tới cho bạn đọc bản Truyện Kiều hoàn chỉnh, xác thực nhất như: Chữ nghĩa Truyện Kiều, Tập Kiều vịnh Kiều, Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều, Truyện Kiều - bản Nôm cổ nhất 1866, Truyện Kiều - bản Kinh đời Tự Đức, Truyện Kiều - bản Nôm cổ nhất - Liễu Văn Đường 1871,… Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu dĩ nhiên là không thể tránh được sai sót hoặc những nhận định chủ quan, tuy nhiên niềm say mê vốn cổ của cha ông và công phu truy tìm của Nguyễn Quảng Tuân là đáng trân trọng.
Đánh giá cao công lao của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân đối với việc bảo tồn Truyện Kiều, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm của Mỹ đã quyết định trao Giải thưởng Balaban Award 2010 cho ông.
Cái duyên tìm sách và tình bạn văn chương
Nguyễn Quảng Tuân xuất thân là nhà giáo. Ông có một cuộc sống thanh đạm và nghiêm cẩn. Vì mê sách cổ, thích nghiên cứu chữ nghĩa mà ông từng gặp hệ lụy. Nhưng ông không nản chí, vì đối với ông bể học thật vô cùng và chuyện đúng sai là lẽ thường tình. Trò chuyện với chúng tôi, bậc lão thành tâm sự: “Đời tôi sống vui vì sách. Nhờ trời đến tuổi này tôi vẫn mạnh khỏe, minh mẫn để tiếp tục đọc, học và nghiên cứu sách”. Rồi ông đưa chúng tôi đến từng tủ sách, mở cửa, giới thiệu say sưa những cuốn sách cổ mà ông tâm đắc nhất. Ông còn lật từng trang sách, giải thích về sự quý giá của sách lẫn công phu của người làm sách, nhất là những bản khắc in Truyện Kiều bằng chữ Nôm được ông mang về từ Pháp, từ Mỹ. Nhìn ông, chúng tôi cảm thấy sách cổ như đang được “gọi hồn” về trong tình yêu của ông.
Mời chúng tôi uống trà giữa tiết lạnh đầu xuân, học giả Nguyễn Quảng Tuân cho biết ông hay đi lễ chùa cho tâm hồn thư thái, giao lưu trò chuyện với các nhà sư. Một lần xuống viếng chùa Kim Cang ở Long An, ông thấy có tủ sách xin được xem, tình cờ phát hiện tác phẩm Lục Vân Tiên bản Nôm của thi hào Nguyễn Đình Chiểu rất quý hiếm. Đây chính là cuốn Lục Vân Tiên mà các nhà nghiên cứu ở miền Nam từng đánh giá là bản Nôm cổ nhất nhưng tìm mãi không ra. Quá đỗi vui mừng, ông xin thầy trụ trì cho mượn về nghiên cứu. Sư thầy bảo: “Bác cần thì cứ lấy”. Ông mang sách về phiên âm, chú giải, xuất bản năm 2008.
Rồi một lần khác ông xuống Tân Bình chơi ở nhà Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên, một trí thức nổi tiếng từng tham gia đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn trước đây. Nhìn lên, ông chợt thấy có một giá sách cổ treo trên bàn thờ. Ông tò mò muốn xem, nhưng chủ nhà không cho, bảo sách cổ chỉ để thờ chứ không ai được đụng vào. Một thời gian sau, ông Phan Lạc Tuyên đến thăm nhà Nguyễn Quảng Tuân, thấy bộ ấm trà đẹp do chủ nhà mang từ Nhật về, thích quá cầm ngắm nghía mãi.
Như nhớ ra điều gì, ông Tuyên đề nghị ông Tuân đổi bộ ấm trà Nhật cho mấy quyển sách cổ. Mừng quá, ông Tuân đồng ý ngay. Nhờ đó, ông Tuân mới thoát nỗi ám ảnh về giá sách cổ trên bàn thờ nhà ông Tuyên và được sở hữu mấy cuốn sách rất quý trên cả trăm năm. Tình bạn giữa hai nhà trí thức càng khắng khít cho tới khi ông Tuân ngậm ngùi vĩnh biệt ông Tuyên cách đây hơn 2 năm.
Say mê sách cổ, Nguyễn Quảng Tuân cũng rất yêu quý, trân trọng tình bạn. Nhân dịp mừng xuân Canh Thìn năm 2000, Giáo sư Trần Thanh Đạm có viết tặng ông hai câu thơ:
“Dẫu qua thời thế cơn mưa gió
Vẫn giữ tâm hồn mảnh tuyết sương”
Cuộc đời Nguyễn Quảng Tuân không ít thăng trầm nhưng ông vẫn luôn “giữ tâm hồn mảnh tuyết sương”. Khi ông được vinh danh với Giải thưởng Balaban Award, chính John Balaban - nhà thơ, nhà ngôn ngữ học, giáo sư Anh văn Đại học North Carolina Stale, đồng thời là người sáng lập và từng giữ chức chủ tịch Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm, đã làm tặng Nguyễn Quảng Tuân một bài thơ, do Lê Phạm Lê chuyển ngữ, trong đó có đoạn sâu sắc và cảm động:
“Mê mải một mình trên bước đi
Miệt mài nghiên bút mãi tư duy
Trên đường nếu gặp người tri kỷ,
Chào hỏi nhau như bạn cố tri”.