Giờ đây, khi chúng ta không còn cảm thấy gì lạ lẫm với câu nói của Don DeLilo “Mở những con mắt, đó là vai trò của nhà văn” thì cũng là lúc người đọc ý thức được rõ hơn vị trí của sách, của người viết sách trong đời sống tinh thần. Nói đúng hơn là vai trò là thước đo cho những giá trị chuẩn mực. Sách có thể viết về khu ổ chuột, về người khiếm khuyết, về một cô điếm, một tên cướp… nhưng điều sách muốn nói đến hẳn phải là ánh sáng của lương thiện.
Ấy vậy mà, mặc cho sự tin tưởng và hi vọng đó của người đọc, không ít cuốn sách đang bị làm mất đi cái giá trị ấy trong mỗi độc giả. Hay nói cách khác là một bộ phận sách đang tự biến mình thành giấy vụn.
Trong một suy cảm của bản thân người viết, sách là một nguồn dinh dưỡng tinh thần rất quan trọng. Chỉ có một số ít người đọc sách là nhà văn, nhà phê bình, nhà khoa học… nhưng phần đông còn lại là những người cần sách khai tâm để hoàn thiện nhân cách, hướng thiện và hòa giải với thực tại ở mức độ nào đó. Họ có thể là thương nhân, viên chức thậm chí là nông dân, thợ thuyền… Với họ, nhà văn không phải là bạn tâm giao café mỗi sáng, cùng nhau trà dư tửu hậu, tham dự các buổi giới thiệu sách. Thậm chí họ coi những người viết xa lạ như đã tạ thế từ rất lâu những vẫn một lòng nể trọng.
Sách có giá như vậy thì tại sao sách lại bị mất giá cũng chính từ những người đọc ấy. Trước hết phải thấy rằng xưa nay luôn đồng nghĩa với sự chuẩn chi, mực thước và chân lí (ít nhất ở sự chung thực và chính xác). Bởi thế những gì liên quan đến sách đều được trân trọng. Đọc sách là hoạt động được đề cao trong xã hội mà tư tưởng Nho giáo nắm ưu thế “duy hữu độc thư cao”; người đọc sách được cộng đồng nể trọng dù không có đời sống vật chất sung túc hay nắm quyền bính trong xã hội. Thậm chí sách đã thành một căn cứ vững chắc trong cách lập luận của tự sự dân gian: “Nói có sách, mách có chứng”. Trọng sách đã thành một thỏa ước ngầm giữa người viết và người đọc, là bức thông điệp về cuộc sống gửi đến tương lai và sự hồi tưởng về quá khứ…
Thế nhưng, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của văn hóa thị giác thì sách cũng đang bị sai lệch. Thay bằng những trang bìa được các họa sĩ khổ công đọc tác phẩm, đồng sáng tạo bằng những minh họa để đời là đôi ba hình cắt ghép từ kho hình ảnh trên mạng hay vài ba thuật đồ họa rẻ tiền. Thế nên, không loại trừ cả truyện người ta “bông đùa” bằng hình ảnh gợi cảm của diễn viên, lấy hình của nhân vật phim lịch sử nước ngoài làm dung nhan của danh tướng nước Việt. Hình thức là thế, còn về nội dung thì việc đạo văn, xào sáo, pha trộn ý tưởng đã thành một thói quen thời công nghệ. Với sách, báo, báo điện tử, ti vi… càng nhiều hệ thống cung cấp thông tin thì người ta càng dễ đánh lừa bạn đọc bởi sự mất kiểm soát ấy. Chất lượng những cuốn từ điển mới xuất bản vẫn giữ nguyên (thậm chí tam sao thất bản) so với bản cách đây mấy chục năm đã đành, ngay cả chất lượng các tuyển thơ, truyện ngắn cũng chỉ tầm tầm ở mức độ bắt người đọc phải “ăn độn”.
Nhưng điều nguy hại hơn còn đến từ những sáng tạo chết người của những người làm sách. Từ truyện cắt ghép cả bài thơ bằng bản trích hụt hơi trong sách giáo khoa đến truyện cắt bỏ cả một phần (như trường hợp tác phẩm Chị Dậu của nhà văn Ngô Tất Tố gần đây). Điều ấy đã làm người đọc dần đánh mất lòng tin ở sách. Phải chăng người làm sách đã quá dễ dãi, cẩu thả trong công việc hay đã tự cho mình cái quyền can thiệp kiểu dao kéo vào tác phẩm. Làm thay đổi cấu trúc tác phẩm của họ cùng với nạn xuất bản sách văn học kém chất lượng ngày nay đã thực sự làm cho bạn đọc mất niềm tin theo năm tháng. Sách đã không còn là sự chuẩn chỉ, đã trở thành đối tượng để dư luận dò xét thì hứng thú với sách, ý nghĩa của văn hóa đọc sẽ còn được là bao trong bối cảnh ấy.
Nhưng, sự mất giá của sách còn xuất phát từ tâm lí đọc của người đọc. Thay vì đánh giá đúng việc đọc sách như chinh phục từng mỏm núi, đỉnh đèo (bởi mỗi tác phẩm đỉnh cao là một thử thách với bạn đọc) thì người đọc đang có xu hướng chạy theo số lượng. Văn hóa đọc, kiến văn và sự nắm bắt thông tin về sách với họ luôn đồng nghĩa với số lượng sách. Nhiều bạn đọc đã thao thao bất tuyệt với bạn bè ở các quán café, trong các buổi thảo luận về tên những cuốn sách mà mình đọc thay vì nhắc đến tinh thần của sách. Sự lạm phát sách trong đời sống tinh thần chúng ta ngày nay đang làm mất giá sách đi rất nhiều. Các tư tưởng được tiếp thu từ cuốn sách này bị vùi lấp bởi cuốn sách mới hơn, cho dù nó không hay hơn. Có đôi khi sách chỉ là thứ thông tin mà người ta đọc cho biết như một tin thời sự chứ không hề tiếp thu được ở đó ý nghĩa gì.
Giá trị của sách không nằm ở giá thành in ấn, phát hành mà nằm ở giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Nhưng để sách không mất giá còn cần đến sự nỗ lực và nghiêm túc ở cả người làm sách và người đọc. Thiết nghĩ giá sách cũng cần được nâng cao hơn nữa.