Đó là câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Văn Thu, người thầy của nhiều thế hệ học trò ở đất Tam Kỳ suốt hơn 30 năm qua. Từ căn nhà nhỏ của thầy, nhiều học sinh đã trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội. Với thầy, hành trang bên cạnh suốt một phần ba thế kỷ là sách, là vở, là tâm huyết, là tình thương của gia đình bè bạn ; của học trò và bà con hàng xóm.
Uớc mơ dang dở thời niên thiếu
Thầy không nhận mình là “người thầy”:“Tôi không tốt nghiệp sư phạm, chỉ có kiến thức thu thập được trong mấy năm đi học để chỉ dạy các em. Tôi là người chỉ dẫn chứ không phải là thầy.”. Nhưng với tất cả sự quý trọng của cá nhân người viết cũng như sự cảm phục của mọi người, thầy Thu là một người thầy đúng nghĩa.
Sinh năm 1961, là con thứ trong một gia đình có 5 người con, tuổi thơ của thầy Thu cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhưng rồi căn bệnh viêm đa khớp quái ác đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân lành lặn khi thầy chỉ vừa bước qua tuổi 12. Gia đình đưa thầy đi điều trị khắp nơi nhưng không có kết quả, đôi chân cứ teo dần, teo dần rồi liệt lúc nào không hay…
Thế nhưng bệnh tật thể xác không thắng nổi ý chí của người thanh niên giàu nghị lực, thầy Thu vẫn miệt mài đèn sách suốt 6 năm sau đó. Bạn bè thay phiên nhau cõng thầy đến trường bất kể nắng mưa. Ước mơ thi đỗ vào Đại học Y dược mở ra trước mắt. Mái trường Trần Cao Vân khi ấy đã hun đúc nên ước mơ của một đời người.
Nhưng rồi ước mơ cao đẹp đó trở nên dở dang. Tai nạn từ một vụ ngã xe năm 1979, ngay khi thầy vừa tốt nghiệp cấp 3 đã cướp đi cơ hội bước vào Đại học. Ước mơ trở thành bác sĩ sụp đổ, thầy lầm lũi trở về căn nhà nhỏ với biết bao trăn trở của tuổi hai mươi.
Lớp học tình thương và khát vọng sống có ích cho đời
Những ngày tháng sống trong bóng tối, người thanh niên khuyết tật bầu bạn với cây guitar và những quyển sách hay mà thầy mượn được. Những triết lý trong nhạc Trịnh và những cuốn sách đã khiến thầy suy ngẫm rất nhiều. “Sống là cho đi những gì có thể” – thầy nhận ra mình cần phải làm điều gì đó có ích cho đời.
Thấy bọn trẻ con trong xóm học yếu, thầy đứng ra chỉ dẫn từng bài toán, từng con số cho các em. Nhiều bậc phụ huynh lúc đầu không muốn cho con em đi học, một phần vì ngại thầy tật nguyền, một phần vì ở xóm chợ toàn là hộ nghèo, ai cũng lo chuyện tiền bạc. Biết chuyện, thầy chia sẻ thật lòng: “Bà con còn nghèo, mình dạy hoàn toàn miễn phí cho các em, xem như làm việc có ích.”.
Từ một học sinh ban đầu, lớp học miễn phí của thầy đông dần lên. Cứ thế, hết thế hệ này sang thế hệ khác, nhiều lứa học trò đã lớn lên từ lớp học giàu tình thương này. Nhiều khi số lượng học trò đông, thầy lại phải chia ca sáng chiều. Nhiều phụ huynh khá giả ngỏ ý muốn trả tiền công, thầy chỉ nhận đủ số tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, chủ yếu để lo cho người cha già và có tiền mua sách chỉ dạy cho các em. Tiếng lành đồn xa, nhiều học trò ở các vùng ven sông Bàn Thạch, ngã ba Kỳ Phú, xóm Cá, xóm Củi bắt đầu đến lớp học.
Trong câu chuyện của mình, thầy kể cho chúng tôi nghe về một người học trò đặc biệt :“Đó là một cậu bé khiếm thị. Giờ toán đại số thì không sao nhưng tới giờ toán hình học thì em học rất khó khăn, tôi nảy ra sáng kiến dùng vót tre uốn thành hình để em hiểu bài.”. Cậu bé ấy tên là Đặng Ngọc Duy, người sau này tốt nghiệp khoa Ngữ văn ở Đại học Quảng Nam, trở thành người sáng lập Mái ấm Hướng Dương cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cũng theo bước thầy, anh cũng mở ra một lớp học tình thương để dìu dắt các em.
Chính vì thấu hiểu tâm lý và tận tụy với các em mà thầy Thu được học trò hết mực yêu quý. Mỗi dịp lễ Nhà giáo hay năm hết Tết đến, lại có những thế hệ học trò về thăm thầy, nhiều người đã thành đạt, đã lập gia đình lại đưa con em đến để thầy chỉ bảo. Từ ngày mở lớp đầu tiên ấy, thấm thoắt đã hơn 30 năm trôi qua.
Trong lớp học ở ngôi nhà số 125 Phan Đình Phùng, điều mà các em học được từ thầy Thu không chỉ là những bài toán, những kiến thức toán học phổ thông mà còn là những quan niệm sống ý nghĩa về cuộc đời và con người mà thầy rút ra được sau nhiều năm nghiền ngẫm. Thầy luôn tâm niệm: “Với tôi, điều quan trọng là phải hình thành nhân cách cho các em trước khi đưa ra kiến thức, trước khi học trong sách vở, các em cần phải học làm người.”. Kiến thức thầy truyền tải tới các em được đúc kết từ những cuốn sách toán học mà bạn bè cho mượn hoặc thầy tìm được ở đâu đó. Mỗi buổi dạy học, thầy lại di chuyển bằng cách “chuyển ghế” ra ngoài, có khi nhờ người bế hộ. Có lúc mệt mỏi, thầy phải nửa nằm ngửa ngồi trên giường để giảng bài, chỉ dẫn các em từng phép tính. Việc đi lại khó khăn nhưng không vì thế mà thầy xao nhãng với tâm huyết của mình.