1 tỷ đồng có phí không?
Tối 4.1, lễ trao giải thưởng Bài hát yêu thích năm 2014 đã diễn ra tại TP.HCM, và không có bất ngờ nào xảy ra khi bài hát “Quê em mùa nước lũ” của nhạc sĩ Tiến Luân, với phần thể hiện của ca sĩ nhí Phương Mỹ Chi, đã giành giải thưởng cao nhất năm với trị giá 1 tỷ 300 triệu đồng. Nói là không bất ngờ bởi vì trước đó, ca khúc với phần trình bày của giọng ca xuất thân từ mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí đã chiếm tới 5 giải thưởng vào các tháng 3, 4, 5, 7 và 12. Với số lần đoạt giải tháng nhiều như vậy, đây là một ca khúc không có đối thủ.
Trên một tờ báo điện tử, dưới bài viết về chiến thắng của “Quê em mùa nước lũ” chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ đã có tới 63 bình luận của bạn đọc kêu than về chuyện giải thưởng 1 tỷ đồng cho ca sĩ và 300 triệu đồng cho người sáng tác là quá cao và chênh lệch, phí phạm nếu so với các lĩnh vực khác như thi học sinh giỏi hay giải cho các phát minh khoa học kỹ thuật. Có người còn đặt thẳng phép so sánh: “Học sinh đoạt giải Olympia cuộc thi tuần chỉ được 4 triệu đồng, vậy mà Phương Mỹ Chi chỉ qua một bài hát đã được tới 1 tỷ đồng, thế này bảo sao bọn trẻ lớn lên chỉ thích đua chen để tham gia vào thế giới showbiz”.
Có lẽ chuyện giải thưởng 1 tỷ đồng cho một bài hát là cao hay không cao, phí hay không phí không phải là vấn đề cần bàn ở đây, bởi 1 tỷ đồng đó đã được đặt lên bàn cân tính toán của nhà tổ chức. Vấn đề cần được nói đến là thông qua 3 lần trao giải của Bài hát yêu thích, có thể đọc ra được điều gì về gu thưởng thức âm nhạc của số đông khán giả, những người đã bỏ phiếu bầu chọn cho giải thưởng.
Thị hiếu có đáng lo?
Năm 2012, giải thưởng được trao cho “Chiếc khăn Piêu” của ca sĩ Tùng Dương, dù ca khúc của nhạc sĩ Doãn Nho không mới, nhưng đóng góp của ca sĩ thể hiện là không thể không ghi nhận. Với một bản phối mới mẻ, hiện đại mà vẫn giữ được chất dân gian, Tùng Dương đã thực sự làm nên một hiện tượng của sân khấu ca nhạc khi ca khúc của anh ngay lập tức trở thành “hit”.
Năm 2013, “Chiếc vòng cầu hôn” của nhạc sĩ Trần Tiến qua phần trình bày của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bắt đầu cho thấy sự khó hiểu trong “thực đơn” nghe nhạc của khán giả. Chiến thắng của ca sĩ luôn được một cơ số các bài báo xưng tụng là “ông hoàng” này cho thấy một thực tế- “đông fan luôn có lợi”.
Còn năm nay, với “Quê em mùa nước lũ”, chỉ có thể thấy một điều- thị hiếu nghe nhạc của số đông khán giả, những người bỏ phiếu bình chọn cho ca khúc này dường như đang quyết liệt từ chối cái mới. Có cảm giác họ đang thu mình lại, quanh quẩn, co cụm với một dòng nhạc khá cũ kỹ, ảo não và sầu muộn. “Quê em mùa nước lũ” được viết bằng nhịp điệu đều đều, thiên về kể lể với những ca từ quá đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc. Nếu nhìn sang những chương trình thi thố ca khúc trên truyền hình khác, có thể thấy sự thiệt thòi cho những sân chơi cổ vũ các sáng tác mới. “Bài hát Việt”- một chương trình đình đám cũng của VTV bắt đầu xuất hiện trên truyền hình từ năm 2005 đã cống hiến cho đời sống âm nhạc bao nhiêu ca khúc mới có chất lượng như “À í a”, “Chuông gió”, “Con cò”, “Chênh vênh”… Thế nhưng tiếc thay, lửa nhiệt huyết của nhà tài trợ không được duy trì thế nên chương trình dần trở thành lép vế, không được xuất hiện trên kênh hot nhất về giải trí là VTV3 mà phải chuyển sang VTV6 và giải thưởng thì chỉ thuộc diện “vui vẻ gọi là”.
Với trị giá giải thưởng thuộc hàng “khủng”, đè bẹp tất cả các giải thưởng khác, thế nhưng tiêu chí của Bài hát yêu thích thì khá là mơ hồ, chỉ căn cứ vào số phiếu bầu của khán giả để quyết định giải thưởng thì có thể thấy một điều- tính định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho khán giả của chương trình này hầu như bằng không.