Thật thú vị, Câu lạc bộ này do một bạn trẻ thuộc thế hệ 9x đứng ra khởi xướng, sáng lập. Đó là bạn Nguyễn Thanh Phong, sinh viên của một trường đại học tại HN. Nói về ý tưởng thành lập Câu lạc bộ, Phong cho biết, trong những cuộc giao lưu văn hóa nghệ thuật của trường, “mình đã hát những bài về dân ca Ví, giặm. Thấy các bạn trẻ rất chăm chú, nhiệt tình cổ vũ nên sau đó đã cùng với một số bạn thành lập Câu lạc bộ với mong muốn cùng nhau hát những câu hò, điệu ví cho vơi nỗi nhớ nhà”.
Giờ đây, số lượng thành viên của CLB đã có gần sáu mươi bạn đến từ nhiều miền quê tham gia, trong đó có rất nhiều bạn không phải là người xứ Nghệ. Trong các buổi sinh hoạt, Câu lạc bộ thường mời các nghệ sĩ từ cái nôi Ví, giặm ra Hà Nội để uốn nắn thêm trong điệu ví, câu hò. Có lẽ điểm chung duy nhất gắn kết các thành viên với nhau chính là tình yêu với Ví, giặm, cùng với mong muốn có thể gìn giữ, lan tỏa những câu hát này đến với đông đảo người dân Thủ đô hơn nữa.
Hơn một năm trở lại đây, cứ đều đặn vào thứ Năm hằng tuần, các bạn ngồi lại với nhau để cùng luyện những bài dân ca từ cổ tới tân, hào hứng học những ca từ Ví, giặm mới sưu tầm được.
Rồi còn bao nhiêu ví phường Vải, ví phường Nón, ví đò đưa, giặm kể, giặm ru, giặm khuyên… được ngân lên giữa lòng Thủ đô vào những buổi chiều như thế. Hồ Tây gợn sóng, đủ nét phong tình để gợi lại không gian sông Lam núi Hồng, truyền tải được cả tâm tình xứ Nghệ trong đó. Để rồi ai đi qua cũng phải dừng xe để nghe cho xong câu hát, thán phục những ứng biến trong lời ca và lời ăn tiếng nói hằng ngày được các bạn vận dụng vào câu hát Ví.
Có những du khách nước ngoài chưa hiểu rõ tiếng Việt nhưng vì yêu những âm điệu da diết quá mà đứng lại thưởng thức, hỏi han. Cùng tham gia buổi sinh hoạt của các bạn, người viết mới nhận ra rằng : Các bạn có thể không hát được đúng thổ âm của xứ Nghệ, giọng hát vẫn còn sai tông lạc điệu, cánh tay đưa còn ngượng nghịu vụng về nhưng đó không phải là lí do để các bạn bớt yêu Ví, giặm hơn. Những khó khăn đó được xóa nhòa bởi niềm say mê, tình yêu với câu hò điệu Ví. Những lời tình nghĩa, những câu răn dạy của bao đời đang đi vào hồn các bạn trẻ thông qua những “nỏ”, những “mô”, những “chi” trong câu Ví, giặm.
Các thành viên CLB UNESCO Dân ca xứ Nghệ tập luyện tại phường Xuân La, quận Tây Hồ.
“Đặc sản riêng” của hát Ví, giặm mà chỉ người dân Nghệ - Tĩnh mới có được, đó chính là thổ âm nặng và mặn mà của con người nơi đây. Đó cũng chính là một trong những khó khăn của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ gặp phải trong quá trình tiếp xúc với loại hình dân ca này.
Bạn Thùy Dung (Bắc Ninh) chia sẻ: “Em đến từ vùng quê Quan họ, đã quen với những nhịp điệu luyến láy, nhẹ nhàng. Nay hát Ví, giặm thích nhất là việc có thể vận dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày vào trong câu hát nhưng về âm điệu trầm bổng và cách phát âm thì em chưa thạo lắm, hát lên vẫn thấy hơi ngường ngượng làm sao ấy”. Cùng chung tâm sự đó, bạn Lường Chính (Điện Biên) bày tỏ: “Em đến từ Điện Biên, lớn lên giữa những bài tình ca Tây Bắc, không được nghe nhiều dân ca Nghệ Tĩnh vậy mà bây giờ lại mê luôn. Các bạn, các anh, các chị trong Câu lạc bộ cũng dạy chúng em thêm cách nói của người Nghệ Tĩnh để câu hát mượt mà hơn”.
Sức hút mãnh liệt của dân ca Ví, giặm thật khó để lí giải rõ ràng. Có thể bởi những lời hát ấy chân tình mộc mạc quá, chẳng cầu kì nhạc đệm, đờn ca mà câu dân ca vẫn vang lên giữa những ruộng lúa bờ ngô, giữa những vòng tơ quay chưa kịp mỏi, giữa nhịp đều đều của bàn tay nghệ nhân vuốt giang phường Nón... Hay bởi câu ca ấy có mồ hôi của người lao động cần lao, có những trở trăn về đạo lí và lẽ sống ở đời, có nước mắt ân tình thủy chung của người con gái Nghệ Tĩnh chờ chồng, chờ người thương bên bờ sông Lam, sông La…
Nghe giọng hát là đoán được ý người, chất người. Thế nên dòng sông Lam nước chảy hiền hòa thì âm điệu cũng vì thế mà nhẹ nhàng, từ tốn. Còn sông La hiểm trở thác ghềnh thì có đôi phần mạnh bạo và quyết liệt hơn trong âm từ thể hiện… nhưng dù có nhẹ nhàng, đằm thắm hay mạnh bạo, quyết liệt thì cái khí phách của con người nơi đây vẫn thể hiện rõ: Đã yêu là yêu hết thảy, đã sống là sống hết mình, và luôn canh cánh niềm thương đến cháy lòng mảnh đất gió Lào cát trắng nhiều cơ cực, lắm truân chuyên này.
Được nghe các bạn hát, được chứng kiến tình yêu tha thiết với làn điệu này, người viết đã phần nào hiểu được những cảm xúc của họ đối với loại hình di sản mới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau buổi tập còn thấm ướt mồ hôi, bạn Thanh Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tâm sự: “Chúng em đến với dân ca Ví, giặm bằng tình yêu, sự tự nguyện. Các thành viên trong Câu lạc bộ thường hay nói với nhau rằng, mong sao đến một ngày nào đó có hàng trăm, hàng nghìn bạn trẻ tham gia để lửa dân ca Ví, giặm luôn cháy mãi”.
Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Huy Cận để nói về sức hút của mảnh đất Nghệ- Tĩnh và điệu dân ca Ví, giặm nơi này, và mong sao Câu lạc bộ trẻ này cũng sẽ làm được điều đó: “Nghe câu hò Ví, giặm, Càng lắng lại càng sâu, Như sông Lam chảy chậm, Đọng bao thuở vui sầu”…