Dân Việt

Vượt biên trốn chạy thần chết: Ba lần sang Hongkong cai nghiện

16/05/2011 14:14 GMT+7
(Dân Việt) - Xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) mấy năm gần đây nổi tiếng có nhiều phụ nữ xuất ngoại lấy chồng. Và không ít đàn ông, thanh niên trai tráng của Đại Hợp cũng tìm đường xuất ngoại, nhưng họ đi bởi một mục đích rất đỗi khổ đau là trốn chạy ma tuý, AIDS...

Chúng tôi năn nỉ mãi, ông Nguyễn Văn Tân - Trưởng thôn Quần Mục 4 mới chỉ cho nhà của Ngô Văn Sang. Ông Tân bảo, vượt biên để cai nghiện là một "trào lưu" buồn tủi của nhiều thanh niên quê ông, nên ông cũng ngại không muốn báo chí phản ánh...

img
Ở nhà, Sang cũng chịu khó giúp việc gia đình.

Ra đi tìm đường cai nghiện

May mắn cho chúng tôi là hôm ấy Sang ở nhà chứ không đi biển như mọi ngày. Gặp chúng tôi, Sang cười vui vẻ. Trông vóc dáng, sắc thái ấy, không ai có thể nghĩ cậu trai sinh năm 1980 lại đang mang trong mình căn bệnh chết người. Sang xởi lởi, chẳng hề giấu giếm những tháng ngày đen tối trước đây.

Sang kể, cậu nghiện ma túy từ năm 1997 và tai họa chỉ thực sự ập xuống gia đình cậu vào năm 2001. Khi ấy, vợ Sang thấy mình có hạch ở cổ. Đi khám, cô mới biết mình nhiễm AIDS và bệnh ấy từ chồng mà ra.

Đầu năm 2004, thấy sức khỏe yếu đi nhiều, lại thêm mấy năm phá phách nên gia cảnh túng bấn, vơ vét chẳng có gì đáng tiền để chích choách, đói thuốc nặng, Sang tính tìm đường ly hương. Sang bảo, Sang không muốn người thân thấy mình vật vã, đau đớn trong cơn đói thuốc nên ra đi. Đi đâu, ai chứa kẻ thân tàn ma dại, không biết sống chết ngày nào?

Câu hỏi ấy khiến Sang day dứt. Và rồi, một buổi, tần ngần nhìn ra biển, Sang nhớ lại những tháng ngày lang thang bên đất Hongkong. Phải rồi, quay trở lại đất ấy, sống chết thế nào thì kệ số phận đẩy đưa.

Đêm đó, khi bố mẹ và người dân quê biển chìm trong giấc ngủ vùi thì Sang lặng lẽ ra đi. Sau hơn chục ngày lênh đênh trên biển, vượt bao sóng gió, bão bùng, đói khát, chiếc thuyền chở đầy hy vọng đã đến được nơi cần đến.

Muốn sống thì... vào tù

Trên đất khách, sau một thời gian dò hỏi, Sang biết, nếu thực sự muốn đoạn tuyệt với ma túy, muốn được chăm sóc sức khỏe thì chỉ còn cách vào... nhà tù. Cách ấy, nhiều "tiền nhân" vẫn làm. Ở tù đồng nghĩa với việc có thuốc thang để điều trị AIDS, có các chuyên gia giúp đỡ cai nghiện.

Đường phố Hongkong thường vắng bóng cảnh sát. Thế nhưng, nhất cử nhất động của bất cứ đối tượng tình nghi nào cũng đều không thoát khỏi các camera quan sát... Sáng ấy, theo đúng kế hoạch, Sang giấu trong người chiếc tuốc- nơ- vít rồi ra phố. Đến trước cửa một trung tâm thương mại, Sang móc "vũ khí" đó ra, lăm lăm trên tay. Đúng kế hoạch của Sang, như từ trên trời rơi xuống, 4 cảnh sát ập vào, ghì Sang xuống đất.

Địa ngục hóa “thiên đường”

Sang bị kết án 17 tháng tù. Vào trại, Sang được đi khám bệnh đều đặn mỗi tuần. Không những thế, những khi thấy trong người mệt mỏi, yêu cầu gặp bác sĩ của Sang đều được trại đáp ứng. Sau 3 tháng cải tạo, Sang được đưa ra bệnh viện ở ngoài trại khám bệnh, chăm sóc sức khỏe. Nhờ các biện pháp điều trị tiên tiến, tận tình, Sang đã cắt được cơn nghiện, sức khoẻ cải thiện rõ rệt. Những ngày ấy, Sang không mảy may tơ vương đến heroin...

Bởi cải tạo tốt, Sang được ra tù trước thời hạn. Chính quyền Hongkong trao trả cậu bằng đường không. Sang về quê oách như Việt kiều về nước. Cậu mua hoa tặng mẹ, tặng vợ. Mọi người đón Sang ở đầu làng, ôm chặt lấy cậu khóc cười khôn xiết. Nhưng rồi, niềm vui ấy chẳng tày gang...

Về quê được ít lâu, Sang lại không giữ được mình. Lần vượt biên thứ hai diễn ra vào cuối năm 2005. Lần này cậu chọn đi đường bộ. Sang bắt xe khách ra Móng Cái, theo đường tiểu ngạch, cậu đến Đông Hưng (Vân Nam, Trung Quốc).

Từ đây, trước sự kiểm tra gắt gao, cậu chọn cách di chuyển kinh hoàng: Nằm gầm xe container. Suốt chặng đường dài mấy trăm cây số, Sang ôm dính chiếc bánh xe dự phòng, mặc bụi, mặc gió táp rát mặt và chỉ cần sơ sểnh là mất mạng.

Nhưng Sang đâu có ngờ là ở các trạm kiểm soát đều có camera soi gầm xe. Vài lần nằm gầm container như vậy, Sang đều bị nhà chức trách lôi ra. Lần sau cùng, được một người mách nước, Sang mặc quần áo đen, đồng thời khi gần đến trạm thì tuyệt đối không mở mắt. Vậy là Sang đi lọt...

Đến Hongkong lần này, Sang không phải tìm cách "gây án" nữa mà đến trụ sở cảnh sát trình diện và được “tặng” luôn 20 tháng tù. Lại cải tạo giống hệt lần trước. Tuy nhiên, vì muốn được ở tù lâu hơn, khi gần hết thời gian cải tạo, Sang cố tình vi phạm nội quy. Vậy là được cộng thêm 2 tháng ở tù...

Về nước, chỉ vài tháng sau, như quỷ khiến ma xui, Sang nghiện lại. Năm 2007, Sang lại khăn gói ra đi. Lần này, sau 30 tháng cải tạo, đến đầu năm 2010 Sang hồi hương. Sang kể, ra đến sân bay, cậu đã linh cảm thấy việc mình đi cai như vậy là vô ích. Thế nhưng, để tồn tại, khi ấy, Sang nghĩ mình vẫn phải trông chờ vào hành trình khổ ải này...

----------------

Bài 2: Sống mòn