Theo cụ Lò Văn Biến (82 tuổi, nhà sưu tầm văn hóa Thái, người Thái từ Vân Nam, Trung Quốc) di cư sang Mường Lò (tức Nghĩa Lộ ngày nay) từ thế kỷ XI, sau đó mới di cư sang các tỉnh khác như: Sơn La, Lai Châu… Như vậy, Mường Lò là cội nguồn của người Thái và cũng là cái nôi sản sinh ra các điệu xòe. “Khi đã ổn định cuộc sống, ăn uống khá no đủ, người Thái đã nghĩ ra cái gì đó để vui thú, nhằm khích lệ tinh thần hăng say làm việc. Thế là người Thái nghĩ ra những câu hát, điệu múa” - cụ Biến cho hay.
Năm 1995, thị xã Nghĩa Lộ được thành lập. Để chào mừng sự kiện này, cụ Biến được đề nghị dạy xòe cho các đội xòe của 4 phường. Từ đây, xòe của người Thái đã được sống lại sau nhiều năm bị mai một. Sự sống lại của điệu xòe được thể hiện rõ nhất vào năm 2013 và 2014. Tỉnh Nghĩa Lộ đã mở và truyền dạy được 48 lớp xòe cho khoảng 400 học viên gồm nhiều thế hệ từ cao niên, thanh niên và cả các cháu thiếu niên, nhi đồng. “Điều làm tôi vui sướng nhất là tại các lớp truyền dạy xòe, ngay cả các cháu đi còn chưa vững, nói còn chưa sõi đã bập bẹ hát và múa xòe. Đây là điều tôi chưa bao giờ thấy trong cuộc đời mình. Nói như thế để thấy rằng sự truyền dạy, sưu tầm các điệu xòe cổ của người Thái của tôi đã được các thế hệ trẻ lưu giữ, yêu thích” - cụ Biến chia sẻ.
Để phát huy các điệu xòe cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, trên cơ sở 6 điệu xòe cổ, người dân đã sáng tạo thành 36 điệu xòe khác nhau như: Xòe chai, xòe nón, xòe quạt…
Bà Hoàng Thị Vân - Trưởng phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Hàng năm, Nghĩa Lộ đón hàng ngàn lượt khách du lịch, chủ yếu là người nước ngoài đến thăm quan, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực của người Thái. Có khách đến thăm quan cũng đồng nghĩa với việc bà con có thêm thu nhập và nghiên cứu, sưu tầm, tự phục dựng lại nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Thái, nhằm thu hút khách du lịch đến với bản sắc văn hóa dân tộc mình”.