Dân Việt

Ra tòa vì dùng xích chó trói người

07/01/2015 08:52 GMT+7
Trong khi mảnh đất tranh chấp chưa được giải quyết, thì hàng chục người của dòng họ Phùng Kim ở xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn kéo đến xây cất nhà thờ. Bị ngăn cản, Phùng Kim Hòa lập tức hô hào, kích động con cháu trong dòng tộc bắt, trói người như tội phạm.
Cho rằng bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức ngày 22.7.2014 xử các bị cáo quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên anh Nguyễn Duy Hùng (SN 1981, trú ở xã Dương Liễu) đã làm đơn kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với những người bắt trói mình.

Quá trình xét xử phúc thẩm vào hôm qua (6.1), TAND TP.Hà Nội nhận thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của bị hại, vì thế đã bác kháng cáo, đồng thời giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm. Theo đó, Phùng Kim Hòa (tức Phú, SN 1953), Phùng Kim Khoa (SN 1976), Phùng Kim Khánh (SN 1942), Phùng Kim Tươi (SN 1976, đều trú ở xóm Chàng Chợ, xã Dương Liễu) lần lượt phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ từ 6 tháng đến 12 tháng, về tội Bắt giữ người trái pháp luật.

img
Phùng Kim Hòa (thứ hai, bên phải) cùng các bị cáo liên quan tại phiên tòa phúc thẩm.

Vụ án xảy ra vào giữa tháng 8.2010. Thời điểm đó, gia đình bà Tải Thị Nụ (trú cùng thôn với các bị cáo) đang sử dụng mảnh đất hơn 200m2 tại xóm Chàng Chợ. Bà Nụ là con dâu của dòng họ Phùng Kim ở Dương Liễu và có 4 người con gái. Do cô con gái út Phùng Thị Chung chưa lấy chồng nên 2 mẹ con bà Nụ vẫn sinh sống tại mảnh đất này. Trong khi đó, trên mảnh đất gia đình bà Nụ ở vốn đã có một gian nhà nhỏ, là nơi con cháu họ Phùng Kim thường về thờ cúng tổ tiên.

Năm 2003, do gian nhà thờ xuống cấp nên con cháu trong dòng họ Phùng Kim bàn nhau xây dựng lại. Khi ấy, gia đình bà Nụ đã nhất trí với việc con gái thứ hai của bà Nụ là Phùng Thị Sửu thay mặt gia đình ký vào biên bản cuộc họp dòng tộc. Vậy nhưng năm 2007, bà Nụ có đơn đề nghị chính quyền địa phương sang tên “sổ đỏ” mảnh đất đang ở cho cô con gái út.

Biết chuyện, nhiều người trong dòng họ Phùng Kim đã phản đối kịch liệt. Vì thế mà hai bên buộc phải đưa nhau ra các cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết tranh chấp đất.

Mặc dù tòa án chưa ra phán quyết mảnh đất cùng gian nhà thờ họ Phùng Kim thuộc quyền sử dụng, sở hữu của bên nào, nhưng sáng 12.8.2010, hàng chục người trong dòng họ của Phùng Kim Hòa vẫn tụ tập về đây để tiến hành tháo dỡ nhà cũ, xây dựng nhà thờ mới. Lúc này, gia đình bà Nụ vẫn tiếp tục phản đối, song đành bất lực trước số đông.

Dỡ xong gian nhà cũ, sáng 13.8.2010, Phùng Kim Hòa đến nền gian nhà thờ cũ làm lễ động thổ thì bị bà Sửu ra ngăn cản. Có mặt tại đây, anh Nguyễn Duy Hùng (con trai bà Sửu) dùng điện thoại quay, chụp lại cảnh tượng. Bực tức, Hòa lao vào giằng co với con trai bà Sửu.

Chứng kiến Hòa và anh Hùng xô xát nhau, một cụ bà hô to: “Mẹ con bà Nụ đánh ông Phú rồi”. Nghe tiếng hô, Phùng Kim Khoa, Phùng Kim Khánh và Phùng Kim Tươi cùng nhiều người lập tức ào tới.

Thấy anh em, con cháu đã “đổ bộ” sang, Hòa càng thêm hăng máu và kích động: “Cho nó ra ngoài, trói nó lại”. Lập tức, số người trên ôm, giữ đẩy anh Hùng ra khỏi mảnh đất đang tranh chấp. Chưa dừng lại, Hòa dùng dây thừng trói tay đứa cháu họ, còn Khoa chạy đi lấy xích chó tới trói ngang người anh Hùng. Sau đó, Hòa cùng đồng phạm kéo anh Hùng ra trói chặt ở cột điện cách nhà bà Nụ vài chục mét. Chỉ đến khi lực lượng công an xã xuất hiện, nạn nhân mới được giải thoát.

Sau này, khi tòa án đã ra phán quyết công nhận mảnh đất cùng gian nhà thờ gắn liền trên đất tranh chấp là thuộc quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp của gia đình bà Nụ, nhiều người trong dòng họ Phùng Kim ở xã Dương Liễu vẫn không từ bỏ ý định biến nơi đây thành nơi thờ tự của dòng tộc.

Nghiêm trọng hơn, ngày 4.5.2011, nhiều người thuộc dòng họ Phùng Kim tiếp tục bắt trói một người con rể của bà Nụ. Tuy nhiên, do chưa xác định được những người tham gia vụ bắt giữ người trái pháp luật lần thứ hai này nên CQĐT quyết định tách rút hồ sơ xử lý sau.

Liên quan đến vụ án, đại diện dòng họ Phùng Kim ở xã Dương Liễu cũng tố cáo con rể bà Nụ phá hoại tài sản ở nhà thờ của họ, nhưng do không có căn cứ nên các cơ quan bảo vệ pháp luật không đề cập xử lý.