Sáng sớm ngày 15.5, Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã tấp nập những chiếc tàu chuẩn bị nạp nhiên liệu để ra khơi đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa dài ngày.
Ngư dân đang thu xếp lưới ở âu thuyền Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) để chuẩn bị ra khơi. |
Tất bật chuẩn bị ra khơi
"Dù ngày mai (16.5) lệnh cấm có hiệu lực, nhưng chúng tôi vẫn ra khơi. Lệnh cấm thì năm nào cũng cấm, họ cấm đánh bắt ở tọa độ 12 độ vĩ Bắc tới 113 độ kinh Đông kéo dài gần đảo Hải Nam đến tận Nha Trang. Trong khi đó, mùa này cá thường tìm về khu vực có các rạn san hô như ở đảo Hải Nam, Hoàng Sa, nếu không được đánh bắt thì đời ngư dân còn ý nghĩa gì"- ông Trần Hùng (trú huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), Thuyền trưởng tàu QNg 48759 TS, bộc bạch.
Gần 50 tuổi, ông Hùng có đến 30 năm theo nghề biển xa bờ, chủ yếu gắn bó với ngư trường Hoàng Sa. Đời ngư phủ đầy cơ cực nhưng ông Hùng cho hay, khó khăn do thời tiết, bão tố... ông đều vượt qua được, thì làm sao ông lại có thể "chùn bước" trước lệnh cấm đánh bắt hết sức vô lý của Trung Quốc được.
Ngư dân Lê Phụng (chủ tàu ĐN 45867)
Ông Lê Phụng (chủ tàu ĐN 45867) cùng bạn tàu cũng đang hối hả xếp hàng hóa, lương thực để ra khơi. Biết tin Trung Quốc cấm biển, cả đội tàu của ông không ai e ngại.
"Đời ngư dân chúng tôi quen với lệnh cấm này rồi. Họ cấm biển một cách vô lý nhưng làm sao họ cấm được lòng quyết tâm của bà con ngư dân. Ngư dân không ra Hoàng Sa thì lấy gì ăn khi mà biển gần bờ chỉ cho những mẻ cá nhỏ...”.
Dù chưa hết nỗi ám ảnh vì bị tàu chiến Trung Quốc trấn áp vô lý tại vùng biển Hoàng Sa chủ quyền VN cách đây vừa tròn 2 năm, nhưng anh Phạm Lệ (Đức Phổ, Quảng Ngãi) - Thuyền trưởng tàu QNg 94734TS cùng các bạn tàu vẫn xác định Hoàng Sa là ngư trường đến.
“Lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông lần này cũng chỉ là cách nhằm gây khó cho ngư dân thôi. Dù khó khăn thế nào, chúng tôi vẫn quyết ra khơi, vì đây là vùng biển truyền thống không thể tranh cãi của VN" - anh Lệ quả quyết.
Mùa đánh bắt đầy hứa hẹn
Tương tự như ở Âu thuyền Thọ Quang, sáng qua, tại cảng biển Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), ngư dân cũng hối hả tiếp dầu, chuyển đá lạnh, thức ăn… xuống tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Khi PV đề cập đến lệnh cấm của Trung Quốc, ngư dân Võ Thanh Bình (34 tuổi), bình thản: “Hoàng Sa là của VN, thì việc ngư dân Quảng Ngãi ra đánh bắt có liên quan gì đến lệnh cấm là của Trung Quốc”.
Lão ngư Huỳnh Tấn Quang (62 tuổi), phấn khởi: Từ đầu tháng 5 đến nay, hàng chục tàu thuyền của ngư dân địa phương và huyện đảo Lý Sơn đánh bắt từ Hoàng Sa trở về đều đầy ắp cá. Trừ chi phí, chiếc ít thì cũng lời vài ba chục, nhiều chiếc còn lãi hơn 200 triệu đồng...
Với hơn 15 năm gắn bó vùng biển Hoàng Sa này, ngư dân Bùi Xuân Thịnh (37 tuổi), ở Bình Châu, khẳng định: Đây đang là thời điểm "rộ" của mùa cá ở khu vực Hoàng Sa. Vì vậy mà tàu nào đã ra đây mà không "vô mánh" mới là chuyện lạ. Chuyến rồi chuyến tàu của bọn mình đi đánh được hơn 10 tấn cá các loại, bán được gần 400 triệu đồng.
Ngư dân 2 huyện Bình Sơn và Lý Sơn từ hàng trăm năm nay đã xem vùng biển Hoàng Sa là "ngôi nhà thứ 2" của mình. Vì vậy, anh Lê Thành (45 tuổi), chủ tàu ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, cho biết: Lệnh cấm là chuyện của phía Trung Quốc, còn tụi tui là ngư dân VN và khu vực Hoàng Sa, Trường Sa là vùng biển đảo của VN thì chúng tôi cứ ra đánh bắt...
Hơn 10 năm vẫy vùng ở Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Bình (xã An Hải, huyện Lý Sơn), tâm sự: Thời gian qua cũng đã có nhiều tàu, thuyền trong huyện bị phía Trung Quốc bắt giữ và tịch thu phương tiện trái phép, không ít chủ phương tiện gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng điều đó không ngăn cản chúng tôi ra Hoàng Sa.
Nâng cao kiến thức về lãnh hải cho ngư dân
Ngư dân Nguyễn Bình cho biết, để tránh rủi ro khi ra Hoàng Sa thời gian tới, ngư dân đã dặn dò nhau cảnh giác và liên kết với nhau bằng cách đi gần, thường xuyên liên lạc qua máy Icom thông báo tình hình, kịp thời hỗ trợ nhau khi phát hiện tàu lạ...
Về phía chính quyền địa phương, ông Võ Xuân Huyện - Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, khẳng định: Cùng với chỉ đạo cho các xã tiếp tục khuyến khích ngư dân ra hoạt động tại Hoàng Sa, huyện sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng của địa phương và tỉnh có những biện pháp, giải pháp để hướng dẫn, cảnh báo cho người dân cảnh giác, xử lý khi gặp tình huống bất lợi.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Đỗ Tám - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng khẳng định: "Cho tới thời điểm này, sai trái của lệnh cấm đã được đại diện Bộ Ngoại giao VN phát ngôn và chúng tôi cũng cho rằng Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN…
Theo ông Tám, năm nào cũng vậy, vào thời điểm này Trung Quốc lại ra lệnh cấm. Tuy nhiên, chính quyền Đà Nẵng vẫn khuyến khích người dân ra khơi, bám biển. Hơn nữa, đây là thời điểm bắt đầu vào "vụ cá nam", sản lượng cá thường bằng 50-60% sản lượng cả năm nên không có cớ gì ngư dân lại không ra khơi.
Vẫn như mọi năm, Sở Nông nghiệp, Chi cục Thủy sản sẽ mở thêm các lớp học nhằm trang bị cho ngư dân kiến thức về vùng, ranh giới lãnh hải thuộc chủ quyền của VN để tránh vi phạm hay những va chạm đáng tiếc khi không hiểu luật; tiến hành trang bị thêm máy Icom để ngư dân có thể liên lạc dễ dàng khi gặp sự cố, khuyến khích ngư dân tiếp tục thành lập các tổ liên kết, tổ tương hỗ…. để giúp đỡ nhau bám biển, vươn khơi xa….
Vũ Vân Anh - Công Xuân