Trung Quốc không hề là “ông chủ” trên biển Đông và cũng không có luật pháp quốc tế nào công nhận điều đó.
Từ bao đời nay, ngư dân VN vẫn đi đánh cá ở những vùng biển quen thuộc của mình thuộc lãnh hải VN, theo đúng Luật Biển quốc tế. Với những vùng biển đang có tranh chấp trên biển Đông, thì không chỉ có ngư dân Trung Quốc hay VN đánh cá ở đó, mà còn có ngư dân của nhiều quốc gia khác trong khu vực. Ngay ở đó, một “lệnh” đơn phương của một quốc gia nào cấm đánh bắt cá cũng là không thích hợp và trái luật quốc tế.
VN có vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của mình, trong đó có vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân VN từ bao đời nay đã quen thuộc với những vùng biển này, ngư trường này và phương tiện đánh bắt cá của họ vẫn thuộc truyền thống, chưa có gì là quá hiện đại. Họ chỉ đánh được lượng cá vừa đủ sống, một cuộc sống đạm bạc của ngư dân. Nay, nếu Trung Quốc dùng vũ lực cấm họ đánh bắt cá trên chính những vùng biển của VN thì ngư dân ta biết sống như thế nào?
Vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống của gia đình mình, ngư dân VN vẫn sẽ tiếp tục ra khơi đánh cá trên những vùng biển quen thuộc. Bây giờ đang là vụ cá nam, vụ cá lớn nhất trong năm đối với ngư dân ta với sản lượng thường bằng 50%-60% sản lượng cá đánh bắt được cả năm. Vì thế, không có lý do gì ngư dân phải nằm bờ trong khi mùa cá nam đang vẫy gọi họ.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương đưa ra “lệnh” cấm vô lý này. Và cũng không phải lần đầu tiên VN chính thức bác bỏ nó.
Nhà nước sẽ làm việc với nhà nước, còn ngư dân VN thì chỉ biết ra khơi đánh cá. Họ làm công việc quen thuộc từ bao đời của mình và khiêm nhường xin lộc biển là những thuyền đầy cá tươi và các hải sản khác cho cuộc sống của gia đình họ. Họ là những sứ giả của lao động trên biển, của hoà bình và hữu nghị giữa những người đánh cá trên biển Đông không phân biệt quốc tịch. Không ai có thể tàn nhẫn cắt đi nguồn sống từ lao động của họ.
Thanh Thảo