Dân Việt

Dân không hiểu thì luật khó đi vào cuộc sống

Lương Kết (thực hiện) 07/01/2015 11:36 GMT+7
“Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, trước hết là dịp tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về pháp luật dân sự, thứ hai là bổ sung vào những vấn đề lớn, mới còn đang có những ý kiến khác nhau" - Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo (ảnh) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội nói với phóng viên NTNN.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng, nhưng phải làm thế nào để việc lấy ý kiến thiết thực, nội dung dự luật đến với người dân một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận?

img
Những quy định về mua bán nhà đất, làm “sổ đỏ” được nhiều người dân quan tâm và nắm rõ (ảnh minh họa).     I.T
- Đây là một bộ luật rất là đồ sộ, có rất nhiều chương, nhiều điều cho nên đưa nguyên toàn bộ dự thảo luật để lấy ý kiến người dân là rất khó. Trong nhân dân có nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp khác nhau nên mức độ lấy ý kiến khác nhau. Với các chuyên gia, các nhà khoa học thì nên lấy ý kiến toàn bộ dự thảo luật, còn với người dân bình thường nên tập trung vào một số vấn đề mới so với trước đây. Ví dụ như trước đây dùng từ giao dịch dân sự nay lại dùng vật quyền, trái quyền... Trước hết một số vấn đề đưa ra để xem người dân có hiểu không, nếu người dân chẳng hiểu gì cả cũng là một ý để Ban soạn thảo biết quy định như thế sau này khó đi vào cuộc sống.

 

Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật đã thống nhất với nhau đưa ra 10 nhóm vấn đề lớn của dự thảo bộ luật để xin ý kiến. Tôi thấy có những vấn đề rất cụ thể, có thể hỏi người dân ai cũng biết. Ví dụ như thời điểm phát sinh quyền sở hữu trong mua bán tài sản là bất động sản là lúc nào, lúc “tiền trao cháo múc” hay phải làm đăng ký để nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền nhà, đất mới có giá trị pháp lý? Cái đó rõ ràng người dân sẽ biết và góp ý được.

Quan điểm
img
Ông Đinh Xuân Thảo


  Đối với những người lợi dụng việc lấy ý kiến có những hành động phá ngang, không có tính xây dựng phải có hình thức xử lý, it nhất là có sự lên án của cộng đồng, xã hội”. 
Nhìn tổng thể trong 10 nhóm vấn đề xin ý kiến mà Ban soạn thảo đưa ra như việc Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì chưa có luật, hay quyền nhân thân, hình thức sở hữu... thì ngôn ngữ, cách thức thể hiện đã dễ hiểu cho những người dân bình thường, thưa ông?

 

- Theo tôi việc Ban soạn thảo đưa ra 10 nhóm vấn đề lấy ý kiến, trong đó có những vấn đề đối với những người có trình độ pháp lý sẽ hiểu ngay, nhưng với người dân bình thường thì còn khó hiểu. Như việc quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết với lý do chưa có luật. Như thế có thể hiểu có thể chưa có luật chuyên ngành nhưng với luật chung như Bộ luật Dân sự thì phải có quy định đầy đủ. Nghĩa là bộ luật phải bao hàm, chứa đựng, thể hiện được mọi quan hệ dân sự, mọi quan hệ trong đời sống xã hội từ quan hệ tài sản, nhân thân, cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức... dù bất cứ lĩnh vực nào cũng được xác định theo nguyên tắc của bộ luật này để làm căn cứ khi Tòa phân xử khi có tranh chấp giữa đôi bên, hoặc giữa các bên.

Có ý kiến là trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, các cơ quan chức năng cũng cần có những hình thức khen thưởng, động viên với những ý kiến tâm huyết, đồng thời xử lý nghiêm những luận xuyên tạc, chống phá?

- Đây là vấn đề cần thiết, Chính phủ là cơ quan được giao đầu mối cho việc tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân cho dự thảo bộ luật để báo cáo Quốc hội. Đầu tiên việc tổng hợp phải làm nghiêm túc, vấn đề gì tiếp thu thì tiếp thu, cái gì không tiếp thu cũng phải giải trình, nói rõ lý do và phải công khai. Cần phải có hình thức khuyến khích cho những tổ chức, cá nhân đóng góp những ý kiến hay, tâm huyết như biểu dương họ một cách công khai hoặc có phần thưởng phù hợp.

Quá trình lấy ý kiến giống như một cuộc thi tìm hiểu pháp luật, góp phần xây dựng pháp luật, tuyên truyền pháp luật cho người dân nên cũng cần phải có sự động viên, khuyến khích.

Xin cảm ơn ông!

TS, luật sư Ngô Ngọc Thủy (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): 

Việc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân cho dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là chủ trương rất tốt. Vấn đề không chỉ là phát huy quyền làm chủ của nhân dân mà còn tranh thủ được trí tuệ của nhân dân. 

Vấn đề tổ chức lấy ý kiến nhân dân thế nào để thiết thực là việc không hề đơn giản. Bộ Tư pháp đã có hai phương án để người dân góp ý, thứ nhất là có thể góp ý vào toàn thể dự thảo luật, thứ hai là góp ý theo 10 vấn đề đã được tổng hợp. Cái khó với Ban soạn thảo là làm sao diễn đạt được những quy định vừa đảm bảo tính chuyên môn, nhưng từ ngữ phải rõ ràng, dễ hiểu người dân mới dễ tiếp cận để từ đó tham gia ý kiến.

Luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): 


Việc dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân tôi thấy có hai ý nghĩa lớn. Thứ nhất thể hiện tính dân chủ, không áp đặt; lắng nghe ý kiến người dân. Thứ hai nhân việc lấy ý kiến này cũng là cơ hội để giáo dục pháp luật một cách rộng rãi cho nhân dân. Còn việc góp ý kiến, luật thì phải đảm bảo tính chuẩn mực, những ngôn từ trong đó không phải là gần gũi với đời sống hằng ngày, đó cũng là vấn đề khó. Nhưng trong các tầng lớp nhân dân, chắc chắn sẽ có những ý kiến hữu hiệu để Ban soạn thảo xem xét, tiếp thu để dự thảo Bộ luật được hoàn chỉnh hơn. 

Ngọc Lương (ghi)