Cuộc đời chị là một bi kịch. 21 tuổi chị ra Hà Nội làm nghề rửa bát ở chợ Long Biên. 30 tuổi chị có cô con gái đầu lòng với một người đàn ông đã có gia đình. Ngày chị có mang gần sinh thì hắn lừa mất số tiền chị dành dụm được để sinh con bỏ đi biệt tăm. Chị trở về quê với đứa con rơi trong sự ghẻ lạnh, dè bỉu của gia đình và làng xóm. Cực chẳng đã, chị đành để lại đứa con gái mới 18 tháng tuổi cho ông bà ngoại để ra ngoài kiếm sống.
Hai năm sau, số phận run rủi cho chị gặp được một người đàn ông khác. Thế nhưng cuộc đời chị vẫn không may mắn. Chị kể, khi chị mang thai đứa con thứ hai sáu tháng, người đàn ông ấy đã không tiếc tay đánh đập chị. Chị đành sinh con và nuôi con một mình. Người đàn bà không chồng mà một nách 2 đứa con nên không ai trong gia đình chấp nhận chị nữa. Chị đành phải mang đứa con gái mới được 2 tháng rưỡi tuổi ra đường kiếm sống.
Nơi ở cố định của mẹ con chị là thềm một cửa hàng bỏ hoang trên phố Nguyễn Thái Học. Thềm rộng và có mái che nên tránh được mưa, nắng. Đặc biệt, xung quanh đây nhiều cửa hàng có bảo vệ trông cả ngày lẫn đêm sẽ an toàn hơn cho chị và con gái. Khoảng 10 giờ đêm chị mang theo con gái đi lượm ve chai tới 2, 3 giờ sáng thì về đây ngủ. Đứa bé mới 14 tháng tuổi cũng phải thức đêm theo mẹ.
Một ngày của mẹ con chị bắt đầu từ 9h sáng. Con gái thứ hai của chị được mẹ gọi với cái tên đặc biệt là Tây "đen". Bé đen đúa, còi cọc vì phải ra đường mưu sinh cùng mẹ từ khi còn quá nhỏ.
Tài sản duy nhất của mẹ con chị là chiếc xe đạp. Tây "đen" được mẹ cho vào một chiếc thùng xốp, chằng chặt trên yên xe đạp.Chiếc thùng được thiết kế đặc biệt vừa là chỗ ở di động của Tây "đen" vừa là nơi để đồ. Miệng thùng được cắm que để tận dụng làm móc phơi quần áo ướt. Chiếc thùng cao quá nửa người nên Tây "đen" không thể trèo ra được. Hằng ngày em cùng mẹ rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội để lượm ve chai. Đứng trong chiếc thùng xốp của mẹ, Tây "đen" ngắm nhìn phố phường nhộn nhịp hấp dẫn qua con mắt ngây thơ, lạ lẫm.
Thế nhưng trong cuộc sống xô bồ nơi đô thị vẫn còn đó những tấm lòng hảo tâm cảm thương trước số phận bất hạnh của mẹ con chị. Thỉnh thoảng, chị nhận được thức ăn, quần áo từ những người dân ở xung quanh. Họ biết đến và cảm thông với cuộc sống của hai mẹ con. Sự quan tâm đó tuy thất thường và nhỏ bé nhưng nó như ngọn gió mát lành thổi vào cuộc sống tù túng, áp lực không lối thoát của mẹ con chị.
Bữa trưa hôm nay của Tây "đen" được cải thiện với một ít cơm trắng, rau muống xào và mấy khúc cá sốt do một người đàn ông tốt bụng cho. Ánh mắt con bé sáng lên khi nhìn thấy bát thức ăn ngon lành hơn ngày thường. Niềm vui của một đứa trẻ vô gia cư mới hơn 1 tuổi đơn giản chỉ có thế.
Trong ngày chỉ có lúc giữa trưa nắng nhất, Tây "đen" mới được mẹ đưa ra khỏi cái thùng chật chội để chơi đùa ở chỗ mát mẻ. Có lẽ, đây là khoảng thời gian vui vẻ nhất trong ngày của hai mẹ con.
Vì phải đi chân đất suốt ngày và không có đủ nước để rửa ráy sạch sẽ nên lòng bàn chân của Tây "đen" bị mọc mụn. Dù đau nhưng con bé không hề khóc. Dường như, chịu đựng đã trở thành bản năng của đứa trẻ kém may mắn này.
Dù là người vô gia cư nhưng mẹ con chị có khá nhiều người bạn. Họ là những người đồng cảnh ngộ với mẹ con chị. Cùng cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng họ luôn sẵn sàng chia sẻ thức ăn, nước uống, thậm chí là tiền bạc để giúp nhau vượt qua những hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống.
Giấc ngủ của hai mẹ con cũng luôn bị những nguy hiểm rình rập. Chẳng đêm nào chị ngủ ngon vì lo có kẻ xấu bắt mất con gái hoặc lấy trộm đồ. Đã rất nhiều lần chị bị lưu manh hạnh họe xin tiền. Nhưng điều đáng sợ nhất đối với chị là bé Tây "đen" có thể bị người ta bắt đi.
*(Tên nhân vật đã được thay đổi).