Để có thêm góc nhìn về vụ việc này, NTNN xin trích đăng bài viết của tác giả Vũ Quốc Bình.
Là người Nam Định, tôi vô cùng đau lòng và xót xa trước sự việc một nhóm cầu thủ người Nam Định tham gia cá độ, dàn xếp tỷ số trong trận đấu với Kelantan (Malaysia). Những cầu thủ này đã làm xấu hình ảnh bóng đá Nam Định nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Bầu Trường khi bị “phản bội” đau lòng một thì người Nam Định chúng tôi đau 10.
Bầu Trường (trái) và HLV Nguyễn Văn Sỹ của V.Ninh Bình.
Những ngày qua, sau khi vụ việc bị vỡ lở, một số người đã ca ngợi bầu Trường là một người có tình yêu bóng đá, mong làm thứ bóng đá tử tế và giương cao ngọn cờ chống tiêu cự... Nhưng thử hỏi, ai đã và đang làm hư hỏng một thế hệ cầu thủ, ai đã kéo lùi sự phát triển của một nền bóng đá mang danh chuyên nghiệp kia? Xin thưa ấy chính là những ông bầu kinh doanh bóng đá, mà đã là kinh doanh thì lợi nhuận đặt lên hàng đầu, lãi thì làm, lỗ thì bỏ. Bất chấp sự xáo trộn của cả một giải đấu hàng đầu quốc gia, bất chấp cuộc sống của hàng chục và hàng trăm con người mà mình đang nắm giữ.
Báo Lao Động ngày 11.4.2014, tác giả Thành An trong bài viết: “Hệ quả tất yếu của một nền bóng đá chộp giật” đã chỉ rõ, các cầu thủ kiếm tiền chộp giật là do các ông bầu làm bóng đá kiểu chộp giật...”.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng ta hãy nhìn nhận một cách thật khách quan, là hơn 10 năm qua một số ông bầu đã làm được gì cho bóng đá Việt Nam? Bức tranh xám xịt của bóng đá Việt Nam hôm nay và sự quay lưng của khán giả là câu trả lời xác thực nhất. Ai đã đẩy giá trị ảo của cầu thủ lên cao ngất mà không có điểm dừng, ai đã lũng đoạn thị trường chuyển nhượng cầu thủ? Tỷ lớn, tỷ bé đã làm cho cầu thủ ngộ nhận mình là sao lớn, sao bé, tiền tỷ đã biến họ từ những con người – cầu thủ hiền lành chất phác thành những kẻ sống ích kỷ và hưởng thụ.
Trần Mạnh Dũng, Hoàng Danh Ngọc khi về Ninh Bình chỉ là những thanh niên mới 20 tuổi, vậy mà đã được bầu Trường trả Dũng 5 tỷ đồng, Ngọc 3,6 tỷ đồng (!). Chính bầu Trường đã vung tiền để đi đêm, để rút ruột, lôi kéo gần 20 con người từ huấn luyện viên đến những cầu thủ xuất sắc của bóng đá Nam Định, để cho đến bây giờ bóng đá Thành Nam phải sống lay lắt, thoi thóp và đang ngụp lặn ở giải hạng Nhì đã 3 năm nay, mà đến bây giờ vẫn không nhìn thấy tương lai.
Người Nam Định chúng tôi rất giận và cũng rất thương các cháu, tuổi còn trẻ chỉ một phút bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã đánh mất tất cả - tương lai – sự nghiệp – gia đình.
Chính đồng tiền đã làm cho những cầu thủ này loá mắt, mới ngoài 20 tuổi, trình độ văn hoá thấp, hiểu biết cuộc sống hạn chế và sống trong một môi trường bóng đá phức tạp như ở Ninh Bình thì những cầu thủ này không sa ngã mới là chuyện lạ.
|
Tôi xin khẳng định rằng nếu nhóm cầu thủ này, không tháo chạy khỏi Nam Định, không phải tha phương cầu thực kiếm sống nơi đất khách quê người. Mà sống trong môi trường bóng đá tuy nghèo nhưng sạch ở Nam Định, được đá trên sân Thiên Trường, trước mặt là gia đình, sau lưng là quê hương, nhìn lên khán đài là hàng vạn người hâm mộ Thành Nam sục sôi cổ vũ thì tôi tin chắc rằng không một cầu thủ nào dám cả gan bán mình cho quỷ dữ.
Qua câu chuyện buồn trên, tôi xin phép được nhắn nhủ với các ông bầu đã, đang và sẽ kinh doanh bóng đá rằng: Đội bóng là một đại diện cho địa phương, một ngành với số phận của hàng chục, thậm chí hàng trăm con người, không thể mua bán như một mớ rau được, thích thì làm, không thích thì bỏ.
Cũng xin nhắn nhủ với bầu Trường: Nếu muốn làm bóng đá tử tế thì hãy làm tốt công tác đào tạo trẻ, xây nhà từ móng. Nghĩa là tất cả các lứa U chỉ tuyển cầu thủ sinh ra từ Ninh Bình, đội bóng toàn người Ninh Bình, mang bản sắc Ninh Bình, thi đấu vì màu cờ sắc áo Ninh Bình. Thì tôi tin chắc rằng, cái sự “si tình” của ông đối với bóng đá, sẽ không bao giờ bị phản bội.