Dân Việt

Giảm dị ứng cho trẻ bằng… sữa mẹ

Người lao động 08/01/2015 08:07 GMT+7
Một trong những nguyên tắc giảm dị ứng cho trẻ là chậm tiếp xúc với dị nguyên (kháng nguyên lạ) qua dung nạp đường miệng trong vài tháng đầu đời, theo khuyến cáo của TS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Bộ môn Nhi Trường ĐH Y Dược TP HCM.

Tại một hội nghị về chu sinh - sơ sinh được tổ chức ở TP HCM mới đây, BS Tuấn cũng chỉ ra dị nguyên trong giai đoạn đầu đời mà trẻ gặp phải chủ yếu đến từ các công thức dinh dưỡng sữa bò. Trẻ bú sữa công thức sẽ nhận nhiều kháng nguyên lạ gấp 106 lần trẻ bú mẹ hoàn toàn. Quá trình sinh dị ứng từ các kháng nguyên lạ này cũng phụ thuộc vào gien di truyền, đặc điểm và liều lượng kháng nguyên đưa vào, thời điểm lần đầu tiếp xúc kháng nguyên và một số yếu tố môi trường khác.

img

Ảnh minh họa

BS Tuấn cũng đưa ra những so sánh cho thấy bệnh dị ứng ở trẻ em ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu của tác giả Lê Thị Minh Hương và Lê Thị Thu Hương tại Hà Nội vào năm 2012 cho thấy tỉ lệ chàm ở trẻ em Việt Nam là 26,6% và hầu hết khởi phát trước 6 tuổi. Nghiên cứu khác của tác giả Chu Thị Thu Hà và cộng sự trên 1.002 trẻ từ 36 tháng tuổi trở xuống ở Hà Nội cho thấy có 2,1% mắc chứng dị ứng đạm sữa bò (biểu hiện qua da, đường hô hấp và tiêu hóa). Tiến trình dị ứng liên quan đến các yếu tố di truyền và không di truyền, trong các yếu tố không di truyền thì dị nguyên trong môi trường là yếu tố được đề cập hàng đầu.

Chế độ ăn uống cho trẻ từ khi sinh ra cho đến tuổi ăn giặm cũng được các bác sĩ khuyến cáo rõ ràng. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất từ 4 tháng cho đến 6 tháng đầu, có thể giảm tần suất viêm da dị ứng ở trẻ dưới 2 tuổi; giảm khởi phát sớm những cơn khò khè ở trẻ dưới 4 tuổi; giảm tần suất dị ứng protein sữa bò trong 2 năm đầu đời… Đến tuổi ăn giặm, cần cẩn thận khi cho trẻ tiếp xúc với các món mới. Mỗi loại thức ăn mới nên cho cách nhau 3-5 ngày nếu không xuất hiện phản ứng gì. Nếu cha mẹ đã từng bị phản ứng thức ăn hoặc viêm da dị ứng từ mức trung bình trở lên hay dị ứng với một loại thức ăn đặc biệt nào đó thì nên nhờ chuyên gia về dị ứng hỗ trợ trong quá trình tập ăn giặm cho bé.

Khuyến cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ cũng cho rằng trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu. Trong trường hợp trẻ không được bú mẹ vì lý do nào đó nên chọn những loại sữa phòng ngừa dị ứng, như sữa thủy phân tích cực hoặc một phần, không được dùng sữa đậu nành trong giai đoạn đầu đời. Điều này đặc biệt quan trọng với những trẻ nằm trong nhóm nguy cơ cao, như có cha hay mẹ hoặc cả hai có tiền căn dị ứng.