Dân Việt

Không biết con bị hen suyễn nặng, 3 trẻ gặp nguy hiểm

Infonet 08/01/2015 09:23 GMT+7
Chỉ trong 2 tuần, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận 3 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái.
Trước khi nhập viện, các bệnh nhi đều sốt nhẹ, ho sổ mũi, khò khè 1-2 ngày, sau đó khò khè nhiều hơn, thở mệt, nhập viện trong tình trạng tím tái, biểu hiện khó thở, co kéo lồng ngực.

img

Chỉ trong 2 tuần, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận 3 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái.

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện đường thở của 3 bệnh nhi T.M.Tr 3 tuổi, Ng.V.T.Đ 9 tháng tuổi và Tr.D.M.Ng 16 tháng tuổi bị co thắt nặng, phổi nhiều ran rít, phế âm giảm. 

Đặc biệt bệnh nhi Tr.D.M.Ng có biểu hiện rối loạn tri giác, lơ mơ do thiếu ô xy máu nặng. Bé Ng. được chẩn đoán suyễn cơn nặng nguy kịch, phải đặt nội khí quản thở máy.  

Kết quả sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của 2 trẻ Tr. và Đ. cải thiện, bớt khó thở, ăn uống được và được tiếp tục theo dõi tại khoa Hô hấp. Riêng trẻ Ng. phải thở máy 5 ngày mới cai máy được và tình trạng trẻ cải thiện ổn định sau đó.  

BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức và Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, khai thác tiền sử cho thấy, các trẻ đều bị khò khè nhiều lần trước đó nhưng không được chẩn đoán suyễn và quản lý suyễn tại địa phương. 

Phụ huynh các trẻ này cần được hướng dẫn tư vấn về cách chăm sóc xử trí trẻ bị hen suyễn tại nhà và nhận biết các dấu  hiệu cảnh báo nặng để đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. 

Đồng thời, BS Tiến cũng lưu ý các gia đình có con bị suyễn cần tránh tuyết đối các yếu tố gây khởi phát cơn suyễn như: Khói thuốc lá, bụi nhà, thuốc xịt phòng, dầu thơm, thuốc xịt diệt côn trùng, mùi sơn nhà mới, lông chó, mèo, lông thú nhồi bông; Drap giường, chăn mền lông...

Đặc biệt, thời tiết lạnh vào mùa tết dễ làm trẻ có tiền căn suyễn khởi phát cơn suyễn nên các bậc phụ huynh cần giữ ấm trẻ nhất là về nửa đêm gần sáng.