Ngày 8/1, một quan chức tìm kiếm cứu nạn Indonesia cho biết phần đuôi máy bay QZ8501 mà họ tìm thấy ở dưới đáy biển Java đang ở trong tình trạng bị lật ngược và bị chôn vùi một phần dưới đáy biển, khiến họ tin rằng hộp đen của máy bay đang bị bùn đất vùi lấp.
Ông Suryadi Supriyadi, lãnh đạo cấp cao tại Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (Basarnas) cho hay họ đang chuẩn bị các thiết bị chuyên dụng như cần cẩu hoặc bóng nổi khổng lồ để nhấc phần đuôi máy bay ra khỏi bùn và đưa lên mặt nước.
Việc tìm thấy hộp đen máy bay là rất quan trọng, vì thiết bị nằm ở phần đuôi này chứa đựng tới 90% những thông tin quan trọng nhất có thể giúp các điều tra viên làm sáng tỏ điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay xấu số trong những giờ phút cuối cùng.
Phần đuôi máy bay được các thợ lặn của Basarnas phát hiện vào ngày hôm qua, và cơ quan này cũng đã công bố những bức ảnh đầu tiên chụp dưới đáy biển cho thấy một vật thể lớn với hai ký tự “A” và “X” bên cạnh logo của hãng hàng không AirAsia, chứng tỏ đây đúng là phần đuôi của máy bay.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày hôm qua, ông Bambang Soelistyo, Cục trưởng Basarnas tuyên bố: “Kết luận của tôi là ngày hôm nay, chúng tôi đã thành công trong việc phát hiện một phần chiếc máy bay vốn là mục tiêu tìm kiếm chính trong nhiều ngày qua”.
Phần đuôi máy bay được phát hiện ở vị trí cách khu vực tìm kiếm chính khoảng 30 km, nhà chức trách Indonesai cho biết. Ông Sunu Widyatmoko, CEO của AirAsia Indonesia, đã gọi đây là một “bước ngoặt” trong chiến dịch tìm kiếm QZ8501.
Các quan chức Indonesia cũng nói rằng ngay sau khi các đội tìm kiếm đưa được hộp đen và xác máy bay QZ8501 lên mặt nước, họ sẽ nhờ các chuyên gia Mỹ tham gia cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Hiện phía Indonesia vẫn chưa đưa ra lời đề nghị chính thức với Mỹ, và quyết định cuối cùng chỉ được đưa ra sau khi tìm thấy hộp đen máy bay. Tuy nhiên hiện hai bên vẫn đang tăng cường liên lạc, và nhiều khả năng các điều tra viên của Mỹ sẽ được phía Indonesia đặt niềm tin.
Theo thông lệ, trong bất cứ vụ tai nạn máy bay nào, đại diện của hãng sản xuất động cơ thường được đề nghị tham gia cuộc điều tra, cùng với cơ quan quản lý để giám sát việc thử nghiệm và phân tích an toàn những động cơ trên chiếc máy bay gặp nạn.
Tuy nhiên, cho đến nay trong các thành phần tham gia điều tra vụ tai nạn QZ8501 vẫn không có đại diện của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ - NTSB (cơ quan chứng nhận động cơ máy bay hay General Electric, hãng sản xuất động cơ của chiếc máy bay.
Động thái này của Indonesia đã khiến nhiều chuyên gia hàng không cảm thấy khó hiểu. Ông Mark Rosenker, cựu Chủ tịch NTSB nói: “Điều này khiến tôi ngạc nhiên. Tôi đã nghĩ rằng chúng tôi phải là một phần trong cuộc điều tra”.
General Electric cũng bày tỏ mong muốn được tham gia cuộc điều tra sau khi xác máy bay được đưa lên khỏi mặt nước nhằm giúp Indonesia làm rõ nguyên nhân khiến 162 người trên chiếc máy bay thiệt mạng.