Dân Việt

Lời nói cuối cùng của Năm Cam với Hải "bánh"

08/01/2015 16:37 GMT+7
Những việc làm phi pháp của “ông trùm” không thể qua mắt được pháp luật và Năm Cam đã phải đền tội bằng bản án tử hình. Trong đêm ra pháp trường, trên chiếc xe bít bùng, Năm Cam nắm lấy tay và nói lời sau cùng với Hải “bánh”...
Cuộc gặp cuối cùng tại pháp trường

Tại phiên tòa sơ thẩm, Năm Cam không nhận tội và cho rằng mình bị Hải “bánh”, Trường “xoăn” và Hưng “phi nhon” đổ tội. Đồng thời, bị cáo bác bỏ những lời khai ở cơ quan điều tra với lý do bị ép cung nên mới nhận tội.

Để minh chứng cho việc này, Năm Cam tố Hải là người chủ mưu bắn Dung “Hà”. Sau đó, Năm Cam không ngừng kể về mối quan hệ tốt đẹp với “bà trùm”. Đồng thời, bị cáo tố cáo thêm việc trước đây Hải từng dùng súng để bắn người trong quán bar Hoàng Hôn.

img

Năm Cam từng nói rằng, mình bị Hải “bánh” và một số người khác đổ tội.

Năm Cam nói: “Hải “bánh” là người rất manh động, chuyên sử dụng súng. Trước khi bắn Dung “Hà” thì Hải đã bắn Dũng “liều” tại quán bar Hoàng Hôn”.

Tòa án gọi Hải ra hỏi: “Năm Cam nói vậy có đúng không?”. Hải “bánh” nói: “Đúng rồi. Thế nhưng, lúc tôi bắn xong thì bị anh Năm la. Anh ấy nói rằng Sài Gòn là đất của anh ấy. Nếu muốn bắn ai thì phải hỏi qua ý kiến anh ấy đã. Vì vậy, đến khi bắn Dung “Hà”, tôi phải chờ lệnh của anh Năm rồi mới dám bắn”.

Nhớ lại những chuyện này, Hải nói: “Tại phiên tòa, anh Năm tìm mọi cách tố cáo và đổ tội cho tôi. Nhưng qua phần đối chất giữa tôi và anh Năm cùng những bằng chứng không thể chối cãi, anh Năm phải thừa nhận tội lỗi của mình. Đến phiên tòa phúc thẩm, do tôi không kháng cáo, nên chỉ phải ra tòa với vai trò nhân chứng. Sau đó, tôi và anh Năm không gặp nhau nữa. Tôi nghĩ như vậy giữa anh Năm và tôi sẽ chấm dứt mọi chuyện, ân đoạn nghĩa tuyệt”.

Nhấp một ngụm nước, Hải đăm chiêu kể tiếp: “Nhưng thật không ngờ, cuộc gặp cuối cùng của tôi với anh Năm lại là ngày anh Năm phải đền tội trước pháp luật. Hôm đó, tôi được đi theo để chứng kiến. Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành nói với tôi: “Lần đầu tiên trong lịch sử tội phạm, tôi cho cậu đi theo chứng kiến sự ra đi của đồng bọn để biết hối lỗi mà cúi đầu cải tạo”.

“Hôm đó là 12h ngày 3.6.2004, chúng tôi xuất phát từ trại giam Tiền Giang để đến trại Chí Hòa. Ở trên xe có tôi, anh Năm và Châu Phát Lai Em (đàn em thân tín của Năm Cam). Biết mình bị đưa ra trường bắn, nhưng anh Năm vẫn khá bình tĩnh. Đi được một đoạn, anh Năm nắm lấy tay tôi và nói: “Anh sai rồi, chú cho anh xin lỗi!”. Rồi anh Năm ôm lấy tôi, không nói thêm gì nữa.

Nghe anh Năm nói vậy, bao sự giận hờn, trách móc trong lòng tôi bỗng tan biến hết. Tôi cũng không biết phải nói câu gì nên hai anh em im lặng. Anh Năm nắm chặt lấy tay tôi. Hai anh em nắm tay nhau cho đến khi xe ô tô dừng bánh. Đó cũng là lời nói cuối cùng anh Năm nói với tôi”.

Đền tội trước pháp luật

Từ trại giam Tiền Giang, Năm Cam và Châu Phát Lai Em được đưa đến trại giam Chí Hòa. Sau đó, cùng với Hưng “phi nhon”, Nguyễn Hữu Thịnh, Phạm Văn Minh bị dẫn giải ra trường bắn Long Bình.

Chia sẻ về giây phút chứng kiến đồng bọn phải đền tội trước, Hải nói: “Khi chứng kiến anh Năm và những người khác bị xử bắn, trong lòng tôi không thấy sợ mà thấy trống rỗng vô cùng. Cảm giác này giống hệt với cảm giác khi nghe tin chị Dung “Hà” đã chết. Trong đầu tôi luôn suy nghĩ, ở ngoài đời dùng mọi thủ đoạn và các hoạt động phi pháp để kiếm tiền, kể cả thanh toán nhau đẫm máu nhưng rồi kết quả chẳng nhận được gì. Cái giá phải trả là cái chết. Mà chết rồi thì chẳng mang đi được thứ gì theo”.

img

Hải "bánh" kể lại câu chuyện.


Đến khi quay về trại giam, Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành nói với Hải “bánh”: “Nhờ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước mà cậu được sống. Hôm nay, coi như ngày sinh ra cậu một lần nữa. Nhìn thấy đồng bọn phải đền tội trước pháp luật, cậu nên quay đầu mà hoàn lương, cải tạo cho tốt. Giang hồ cộm cán chỉ còn có mình cậu. Phải biết lấy ảnh hưởng của mình để làm những việc tốt, việc có ích cho xã hội”.

Nhớ lại điều này, Hải “bánh” bộc bạch: “Nghe xong câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành, tôi nghiệm ra nhiều điều. Lúc đó, tôi thấy tiếc vô cùng. Tôi không tiếc những gì trước đây mình đã có mà tôi tiếc cho những năm tháng tuổi xuân của mình. Nếu như mình không chọn con đường này, đi theo con đường làm ăn lương thiện thì kết cục đã khác. Gia đình tôi đã không tan nát. Bố mẹ con cái không phải buồn vì mình và những năm tháng sau này tuổi xuân của tôi không phải chôn vùi trong trại giam. Khi tôi nhận ra thì mọi chuyện đã quá muộn”.

“Những ai bị dính án tử hình hoặc chung thân mới cảm nhận rõ rệt cuộc đời của mình rất ngắn. Phạm tội ở cái tuổi 20-22, khi dính án tử hình vậy là hết. Còn bị án chung thân, cải tạo tốt lắm thì cũng phải ở trong trại 20 năm mới được ra ngoài. Lúc đó, cũng đã 40 tuổi rồi chẳng còn làm gì được nữa. Như tôi ngoài 30 tuổi bị dính án chung thân, nếu cải tạo tốt may mắn được thả tự do thì cũng phải hơn 50 tuổi.

20 năm ở trong trại giam, đó là cả một quãng thời gian dài, sống tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Đến khi về nhà thì cũng chỉ có 2 bàn tay trắng. Đáng lẽ ở cái tuổi 30, mình phải là người kiếm tiền để trả hiếu bố mẹ. Khi phạm tội, bị bắt, bố mẹ lại phải chắt chiu từng đồng để có tiền vào thăm nuôi con”, Hải “bánh” nghẹn ngào nói.

Sau khi Năm Cam cùng đồng bọn phải đền tội, Hải “bánh” cũng được đưa về cải tạo tại trại giam Xuân Lộc (Z30A, Bộ Công an). Tại đây, Hải “bánh” nhận ra rằng, con đường nhanh nhất để được về cùng gia đình chính là cải tạo thật tốt. Tuy nhiên, trong thời gian cải tạo, có nhiều biến cố gia đình khiến Hải “bánh” không ít lần bị suy sụp.

Nhiều lần từng nghĩ tới cái chết

Tâm sự với chúng tôi, Hải nói: “Trước đây, khi mới vào trại cải tạo, tôi thấy cuộc sống của mình vô vị quá. Tôi luôn bị day dứt và dằn vặt với những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Do đó, nhiều lúc tôi nghĩ chết còn sướng hơn. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, mặc dù tôi ở trong tù, không chăm sóc được con. Thế nhưng, cháu còn được gặp, nói chuyện và gọi hai tiếng “bố ơi”. Chứ nếu tôi chết đi rồi thì con gái tôi sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn bố. Và tôi không thể để cho con tôi mồ côi như vậy được”.