Mẹ tôi luôn nói, chú và ba giống nhau như đúc ở cái miệng, nhưng lúc nhỏ, tôi nhìn hoài mà không thấy rõ. Bất chợt chiều nay, nhìn chú chuyện trò, vui cười, tôi mới thấy hoàn toàn chính xác. Gặp chú, tôi tưởng chừng gặp lại người cha đã qua đời cách đây gần hai mươi năm. Đâu chỉ là cái miệng, mà vầng trán cao, dáng người mảnh khảnh cũng rất giống nhau. Chú gọi mẹ tôi là “chị Bốn”.
Dù là chị dâu em chồng, nhưng hai người thân hơn cả chị em ruột thịt. Chú bảo, vì bà nội mất sớm, các cô là chị của chú đã lấy chồng; mẹ tôi về làm dâu, vừa là người chị, vừa như làm mẹ. Mẹ tôi thế hệ “3x”, lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Chú và mẹ tôi dù bằng tuổi nhau, nhưng mẹ chững chạc, biết quán xuyến mọi việc nhà chồng, trong khi chú vẫn còn là cậu học trò thư sinh.
Ảnh minh họa
Về làm dâu nhà nội, mẹ bắt đầu làm quen với ruộng nương, rồi lần lượt sinh cả đàn con, còn phải chăm sóc ba chồng và các em chồng còn đang tuổi ăn tuổi học. Mẹ già hơn so với tuổi, cáng đáng mọi việc lớn nhỏ trong nhà, nên chú rất quý mẹ. Chú đi học xa nhà, mẹ thường làm bột ngũ cốc, lương khô để “tiếp tế”. Bây giờ, mỗi lần gặp nhau, chú và mẹ hay ôn lại quá khứ, những kỷ niệm vui buồn. Chú kể, ông nội vốn khó tính, mỗi khi mẹ làm điều gì trái ý ông, liền bị la mắng.
Chú liền nói “đỡ” cho mẹ, rằng chị Bốn đã quá vất vả vì gia đình nhà mình, nên ông nội đã chuyển câu chuyện sang hướng khác. Chú kể, nhà ông nội hay có khách, lần nào mẹ cũng phải lo cơm nước. Chợ quê thì xa, tiền bạc túng thiếu nên mẹ và chú nghĩ ra thực đơn “cây nhà lá vườn” để đãi. Chỉ là mấy quả trứng còn nóng hổi trong ổ gà, đám rau các loại ngoài vườn, qua bàn tay “biến tấu” của mẹ và nhờ chú phụ họa, mâm cơm dù đạm bạc nhưng mẹ được khách khen dâu quê khéo léo.
Mỗi khi lũ lụt chuẩn bị kéo tới, vì chưa kịp xay gạo, hai chị em phải thi nhau giã gạo, mới có để nấu cơm. Chú “công tử bột”, giã một hồi đã thấm mệt, nên mẹ thường dành làm để chú giữ cháu. Vợ chú rất quý trọng và yêu thương mẹ tôi, là vì thím nghe chú kể nhiều về mẹ, một người chị dâu tảo tần, hết lòng vì gia đình nhà chồng.
Chú cũng “mít ướt” thật. Già rồi, hễ nhắc kỷ niệm là nước mắt ngắn dài. Những chuyện ngày xưa, mẹ tôi và chú biết, thì thím cũng biết. Thấy mẹ vất vả vì bệnh tật, chú xót xa, cứ nhất định động viên mẹ ra thành phố chữa trị. Nhà chú gần bệnh viện. Mỗi buổi trong này, chú thím thường xuyên mang thức ăn cho mẹ. Chú bảo, các cháu xa nhà, không có chỗ nấu nướng, để mẹ ăn ngoài không tốt, thím nấu thức ăn vừa mềm, vừa bổ dưỡng cho mẹ. Chú bây giờ trông lọm khọm, người già đi nuôi người già thật tội nghiệp, nhưng chú nhất định phải chăm “chị Bốn” là để trả ơn người chị đã vì chú và gia đình bên nội mà vất vả trăm bề. Mẹ cũng bảo chú là người biết trước biết sau, có thủy có chung, đâu mấy ai sống được như chú.
Chiều nay chú mang cho mẹ hộp cháo gà hầm hạt sen. Mẹ bưng chén cháo mà lòng rưng rưng. Hai chị em lại ôn kỷ niệm. Kỷ niệm của những con người thế hệ 3x, tôi nghe như… vịt nghe sấm, nhưng mẹ và chú luôn say sưa khi nhắc lại.