Dân Việt

Khám vượt tuyến, bảo hiểm không chi trả: Dân than thở

Diệu Thu 08/01/2015 17:09 GMT+7
“Quy định không thanh toán cho bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến khám chữa bệnh là chưa công bằng”, bệnh nhân than thở.

Sau hơn một tuần Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực, nhiều bệnh nhân vẫn than thở vì không được thanh toán chi phí khám vượt tuyến.

img

Nhiều bệnh nhân than phiền về quy định không thanh toán cho bệnh nhân ngoại trú vượt tuyến

Dân vẫn bỡ ngỡ, than phiền

Có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai vào sáng ngày 7/1, nhiều người than thở, quy định không thanh toán cho bệnh nhân ngoại trú khi vượt tuyến khi khám chữa bệnh là chưa công bằng.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Động, Hạ Hòa, Phú Thọ giãi bày: “Tôi đã nhiều lần khám chữa bệnh ở tuyến dưới và lần nào cũng không hài lòng và buộc lên tuyến trên”.

Theo anh Động, trước kia, BHYT thanh toán 30% chi phí nhưng nay bệnh nhân phải chi trả toàn bộ. Đối với gia đình anh, quy định mới này một mối lo lớn. 

Anh Động nói thêm: “Ngành y tế chưa có biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới là đẩy phần khó về phía người bệnh”.

Cũng đang chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Lê Thị Phương Hoa (Mỹ Đình- Hà Nội) chia sẻ: “Mẹ tôi ở Quảng Trị ra Hà Nội trông cháu, giờ nếu mẹ tôi muốn BHYT thanh toán phải về tận Quảng Trị khám bệnh. Như vậy, vừa mất thời gian, công sức mà chi phí đi lại còn vượt quá cả tiền khám bệnh”.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng than phiền rất khó thực hiện mua BHYT bắt buộc.

Chị Lê Thị Thanh Nhàn- Lạc Sơn- Hòa Bình nói: “Nhiều năm nay tôi có thẻ BHYT nhưng chưa khi nào dùng nó để khám chữa bệnh”.

Chị Nhàn lý giải: “Tham gia bảo hiểm y tế nhưng thủ tục hành chính rắc rối, gia đình chị vẫn khám theo hình thức tự nguyện. Do đó, mua BHYT là một sự lãng phí lớn”.

Có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, phóng viên trò chuyện với ông Đặng Văn Phúc (Hà Đông- Hà Nội) có con bị bệnh ung thư máu.

Anh Phúc kể: “Con tôi đang được hưởng chế độ BHYT học sinh và được chi trả 80% theo chế độ BHYT. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn và việc chữa trị căn bệnh của con tốn kém nên tôi muốn xin chuyển sang chế độ BHYT hộ nghèo để được thanh toán 95% viện phí”.

Tuy nhiên, để được cấp sổ BHYT hộ nghèo phải đợi đến tháng 8/2015 các hộ dân trong xóm bình xét, rồi danh sách chuyển lên phường và quận để được cấp.

"Tháng 11 vừa rồi tôi ra phường xin cho cháu được hưởng BHYT hộ nghèo nhưng chính quyền thông báo phải chờ đến đợt xét duyệt. Con tôi đang bị bệnh hiểm nghèo, liệu cháu có chờ được đến đợt xét duyệt hay không" ông Phúc than thở.

Sẽ giảm thủ tục hành chính cho người bệnh

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các bác sĩ, nhân viên y tế; in các tờ hướng dẫn chi tiết về mức thanh toán, về những quy định mới của Luật bảo hiểm y tế.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định sẽ giảm thủ tục khám chữa bệnh đối với người khám bảo hiểm y tế.

“Chúng tôi sẽ giảm từ 367 bộ thủ tục khám chữa bệnh xuống còn 115 bộ thủ tục hành chính”, ông Thảo nói.

img

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, thủ tục khám chữa bệnh của người có thẻ bảo hiểm y tế đã rất đơn giản. Người dân đến cơ sở khám chữa bệnh đăng ký ban đầu cùng thẻ bảo hiểm y tế cộng với giấy tờ tùy thân có ảnh đã có thể khám được.

Ngoài ra, với học sinh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ cùng Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phối hợp làm thẻ bảo hiểm cho học sinh đảm bảo giấy tờ tùy thân có ảnh.

“Như vậy, đối với người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thủ tục duy nhất là thẻ, cộng giấy tờ tùy thân”, ông Thảo nói.

Ông Thảo cho biết thêm, trong trường hợp chuyển viện, bệnh nhân phải có giấy chuyển viện của những nơi khám trước.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã có cải cách thủ tục hành chính đối với người tham gia bảo hiểm  y tế đặc biệt là đối với bệnh nhân ra viện, giảm từ 7 chữ ký xuống còn 3 chữ ký. Cụ thể: Thủ tục ra viện chỉ cần chữ ký của người nhà hoặc bệnh nhân, bác sĩ điều trị và 1 chữ ký của đại diện cơ sở khám chữa bệnh.

“Khi người dân tham gia bảo hiểm y tế theo Luật, Bộ Y tế sẵn sàng giảm các cơ sở đăng kí khám chữa bệnh ban đầu từ 6 chuyên khoa thành 2 chuyên khoa. Bộ Y tế cho phép các địa phương quá tải có thể tham gia”, bà Tống Thị Song Hương nói.