Dân Việt

Lần đầu tiên Bộ Chính trị lấy phiếu tín nhiệm: Sự kiện lịch sử trong lịch sử Đảng

Hải Phong (thực hiện) 09/01/2015 10:34 GMT+7
Liên quan đến thông tin tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI sẽ lần đầu tiên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, PV NTNN đã có cuộc trao đổi GS-TSKH Phan Xuân Sơn (ảnh) – Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thưa ông, đây là lần đầu tiên Hội nghị Ban chấp hành T.Ư tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị. Ông có suy nghĩ gì về việc này?

- Nói đến lần đầu tiên, lại là một sự kiện quan trọng như vậy, các uỷ viên BCH T.Ư bày tỏ sự tín nhiệm của mình bằng phiếu kín đối với các uỷ viên Bộ Chính trị, vì thế có thể nói rằng đây là một sự kiện lịch sử trong lịch sử Đảng ta và trong lịch sử các đảng cộng sản nói chung. Thậm chí ngay cả trong lịch sử các đảng chính trị nữa, theo tôi biết, dù rằng cách tổ chức các đảng đó có thể không có các "Bộ Chính trị". Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng - lãnh đạo cao nhất của đất nước là một mốc lớn của việc thực hiện dân chủ trong Đảng nói riêng, dân chủ trong toàn xã hội nói chung.

img
 GS-TSKH Phan Xuân Sơn

 

Từ trước tới giờ, Đảng ta đã từng có hình thức nào tương tự việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Đảng bầu như thế này chưa, thưa GS?

- Trong Đảng đã từng có nhiều hình thức để đánh giá phẩm chất, năng lục của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhưng lấy phiếu tín nhiệm như lần này thì chưa có, kể cả ở các cấp thấp hơn. Việc này mới bắt đầu thực hiện từ năm 2014 đối với các tổ chức đảng các cấp và tại Hội nghị Trung ương 10 lần này là đối với các uỷ viên Bộ Chính trị.

 

Việc lấy phiếu tín nhiệm trước đó đã được Quốc hội và HĐND các tỉnh thực hiện 2 lần. Đến giờ Đảng ta mới tiến hành triển khai lấy phiếu tín nhiệm, liệu có là chậm khi chúng ta vẫn nói “Đảng luôn đi tiên phong trong mọi việc khó khăn”?

- Nói rằng "chậm" cũng không đúng. Đảng ta là đảng cầm quyền, việc lấy phiếu tín nhiệm ở các cơ quan nhà nước như Quốc hội, HĐND về thực chất cũng là tín nhiệm đối với đảng viên. Tuy nhiên trong nội bộ Đảng có nhiều cách đánh giá tín nhiệm khác và thường xuyên. Đây là thời điểm và cách triển khai, chứ không phải do nhận thức hay vì cản trở gì mà làm chậm hơn.

img
Bỏ phiếu tín nhiệm đã được thực hiện với các chức danh chủ chốt ở Quốc hội.  Ảnh: Hồng Vĩnh

Theo ông, cách thức lấy phiếu tín nhiệm trong hệ thống Đảng nên có những thay đổi gì so với lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn?

- Vấn đề này tôi đã từng có ý kiến. Trong Đảng có thể lấy tín nhiệm theo 3 mức, nhưng đối với các chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu (hoặc phê chuẩn) chỉ cần hai mức: Tín nhiệm và không tín nhiệm. Nếu ai rơi vào tình trạng không tín nhiệm thì phải thôi giữ chức vụ.

Sau khi lấy phiếu có nên công khai kết quả một cách rộng rãi cho nhân dân biết không thưa ông hay vẫn chỉ trong hệ thống của Đảng?

- Theo tôi, trong Đảng có nguyên tắc tổ chức và hoạt động riêng. Cho nên không nhất thiết công khai. Việc đánh giá tín nhiệm là một mặt của công tác tổ chức-cán bộ. Qua phiếu tín nhiệm Đảng chúng ta có cơ sở tốt hơn để làm công tác cán bộ. Tuy nhiên, công khai được thì rất tốt. Cán bộ của Đảng không chỉ Đảng biết mà dân cũng được biết, dân có thể tham gia công tác xây dựng Đảng, dân có điều kiện giám sát cán bộ, đảng viên.

Xin cảm ơn GS!