Dân Việt

Chóng mặt vì chuyện ly hôn trong giới trẻ đất Cảng

17/05/2011 10:56 GMT+7
(Dân Việt) - 80% số cặp ly hôn đang trong độ tuổi 18-30, nhiều vụ vợ chồng ly hôn ngay sau đám cưới vài tháng tới 1 năm... Những con số này ở Hải Phòng phản ánh sự vội vã và "thoáng" tới mức chóng mặt của giới trẻ với hôn nhân.

Kết hôn nhanh, ly hôn cũng nhanh

img

Cha mẹ chia ly, con cái phó mặc ông bà (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Một buổi chiều đầu tháng 5.2011, người vợ trẻ măng Trần Thị T (SN 1990), ở phường Minh Đức, quận Đồ Sơn đã cất lời cầu cứu ngay khi bước vào phòng ông Lưu Văn Năm - Thẩm phán TAND quận Đồ Sơn: "Mong chú giúp cháu, cuộc sống vợ chồng cháu đã quá căng thẳng hơn 1 năm nay. Chồng và gia đình nhà chồng đuổi cháu ra khỏi nhà. Cháu không thể sống với nhà chồng thêm một ngày nào nữa, cháu muốn ly hôn càng sớm càng tốt...". Dù thẩm phán Năm có phân tích mọi lý lẽ để hoà giải thế nào thì người vợ trẻ ấy cũng nhất mực xin được ly hôn.

Cách đây gần 3 năm, T quen Trần Văn H (SN 1987), ở phường Đồng Tiến, quận Đồ Sơn. Từ khi yêu nhau đến khi cưới chỉ vẻn vẹn có 5 tháng. Kết quả của tình yêu chóng vánh ấy là một bé gái ra đời. Nhưng tính khí cả 2 còn trẻ con, chẳng mấy khi có sự nhường nhịn nhau nên giữa T và H thường xuyên xảy ra mâu thuẫn dẫn tới đánh chửi nhau.

Trong một lần "nóng giận mất khôn", H đã nghe lời mẹ đẻ và đuổi vợ ra khỏi nhà. T xách túi quần áo về ngay nhà mẹ đẻ. Được vài ngày, vì nhớ và thương đứa con gái còn quá nhỏ, T đã gạt nước mắt nhẫn nhục tìm về thăm con, nhưng một lần nữa lại bị chồng và mẹ chồng đuổi ra khỏi nhà. Không thể chịu đựng hơn nữa, T đành xin ly hôn khi mới ở tuổi đầu 20.

Chuyện gia đình của Hoàng Thị L (SN 1987), ở phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An cũng đầy nước mắt. L yêu N và bị cả gia đình ngăn cản vì N có tiếng là anh chàng ăn chơi đua đòi. Tình yêu đầu đời mãnh liệt nên L bất chấp tất cả, trốn đi “bụi” cùng người yêu và trở về nhà với cái thai to tướng 5 tháng, buộc gia đình phải chấp nhận cho cưới.

Tiền mừng ngày cưới, L dự tính làm vốn làm ăn nhưng chẳng mấy chốc số tiền đó đã bị anh chồng trẻ đốt sạch vào những cuộc vui chơi "tới bến" cùng bạn bè. Khi L sinh con trai được 5 tháng tuổi thì cô phát hiện ra chồng nghiện ma tuý.

Đau khổ và không biết dựa vào đâu khi công ăn việc làm không có, L đành lủi thủi bế con về nhà mẹ đẻ. Còn chồng L sau khi cai nghiện lại nhanh chóng tái nghiện. Kết cục mối tình "nồng cháy" của họ là lá đơn ly hôn khi L bước sang tuổi 25.

Toà “chóng mặt” xử án ly hôn

Theo thống kê của TAND TP. Hải Phòng, án ly hôn đang chiếm trên 50% các án về dân sự nói chung tại các toà án. Riêng năm 2009, toà án các cấp của thành phố đã thụ lý 2.212 vụ ly hôn, tăng từ 50 đến 200% so với những năm trước đó.

Cầm trong tay số liệu về các vụ ly hôn trên địa bàn, Chánh án TAND thành phố Lê Khắc Hạnh ngậm ngùi: Trong 7 năm (2004- 2011), toà đã thụ lý 12.492 vụ ly hôn. Đáng chú ý là độ tuổi của các cặp vợ chồng trong vụ án ly hôn từ 18 đến dưới 30 tuổi chiếm gần 80% tổng số vụ án ly hôn đã giải quyết, còn chưa thành niên chiếm tới 75% số con của các đôi vợ chồng xin ly hôn.

"Có những tháng, toà án quận như quận Lê Chân phải giải quyết đến 50- 60 vụ ly hôn. Thẩm phán ngồi xử ly hôn cũng thấy “chóng cả mặt”. Trong đó, có trên 60% vụ ly hôn khi cặp vợ chồng mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con" - ông Hạnh cho biết thêm.

Tỷ lệ vợ chồng trẻ ly hôn không chỉ gia tăng ở thành thị như các quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng... mà đang có dấu hiệu tăng nhanh ở các vùng nông thôn. Trong 2 năm trở lại đây, chỉ tính riêng các toà án huyện và quận An Lão, Vĩnh Bảo, An Dương, Tiên Lãng, Kiến Thụy và Kiến An đã giải quyết gần 1.500 vụ việc về hôn nhân gia đình. Một lãnh đạo TAND huyện Kiến Thụy cho hay, năm 2010, tại huyện Kiến Thụy đã gần 100 vụ ly hôn và có đến 70% cặp vợ chồng ly hôn sau khi kết hôn chưa lâu.

Những con số trên cho thấy quan niệm độ "kết dính" của vợ chồng trong giới trẻ hiện đại rất thoáng. Thích thì yêu, thích thì cưới và thích thì chia tay... Quan niệm đó làm cho những thế hệ trước phải choáng váng. Thực tế này làm người ta phải giật mình suy nghĩ phải chăng đây là hiện tượng xã hội đáng lo ngại, là vấn nạn của gia đình Việt Nam thời hội nhập?