Dân Việt

Người quê lên phố, ốm không dám vào viện

17/05/2011 13:01 GMT+7
(Dân Việt) - Thực tế, cuộc sống của nhiều người ngoại tỉnh ở các thành phố lớn rất khó khăn. Không được rà soát, bình xét hộ nghèo nên họ không thể tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội.

Ốm cũng không dám vào viện

img

Chuẩn bị hàng đêm cho một ngày mới.

Đã nhiều ngày nay ông Tống Duy Bàng (tạm trú ở phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) bị ốm mà không dám đi khám bệnh. “Giờ đi khám tốn kém lắm, lần nào ốm tôi cũng chỉ bảo vợ ra hàng mua thuốc uống nhưng lần này uống cả tuần rồi mà chưa thấy khỏi” - ông Bàng nói.

Ông Bàng từng là bộ đội chiến đấu ở miền Nam, phục viên hưởng chế độ một lần, hiện tại gia đình ông chỉ có hơn 1 sào ruộng ở quê (Ý Yên, Nam Định) nên đành phải ra Hà Nội kiếm việc làm. “Từ khi đi khỏi quê, dù ốm đau, con cái nheo nhóc, gia đình tôi vẫn không được xét chế độ hộ nghèo, không được hưởng chế độ gì ở quê nữa. Lên đây gần 10 năm cũng chưa được hưởng chế độ gì”- ông Bàng nói.

Khi được hỏi về tình trạng nhập cư, ông Bàng khẳng định ông và vợ có đăng ký tạm trú dài hạn: “Cứ 6 tháng tôi lại ra phường đăng ký tạm trú 1 lần”- ông Bàng nói.

Cùng hoàn cảnh với ông Bàng, chị Nguyễn Thị Bình ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết: “Tôi lên Hà Nội cũng gần 10 năm rồi, tuy khẩu còn ở quê nhưng ở đây tôi cũng có đăng ký tạm trú. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn như người “ở nhờ”, mọi thứ đều phải làm dịch vụ, đều là “trái tuyến”. Chỉ riêng việc xin học cho con vào lớp 1 cũng phải xếp hàng và phải đóng tiền trái tuyến”- chị Bình nói.

Chị Bình cũng bày tỏ, có vài đợt khám sức khoẻ sinh sản, khám bệnh miễn phí trên địa bàn “nhưng những người nhập cư không được tham gia”.

Theo ông Nguyễn Tất Quân – cán bộ tổ chức Action Aid tại Việt Nam, nguyên nhân chính khiến những người nhập cư trong diện nghèo và cận nghèo không được hưởng phúc lợi xã hội vì họ bị “bỏ quên” trong những đợt bình xét. Thực tế, có nhiều hộ dù đăng ký hộ khẩu ở quê nhưng đã mang cả gia đình lên thành phố kiếm sống và có đăng ký tạm trú nhưng cũng không mấy khi được chính quyền hỏi han.

“Nghèo gấp đôi người nghèo thành phố”

Theo đề xuất của Oxfam và Action Aid, để hướng tới giảm nghèo đô thị bền vững cần thiết kế công cụ đo lường nghèo đa chiều; xác định người nhập cư là một bộ phận cấu thành của bất cứ chương trình, chính sách giảm nghèo đô thị nào; thiết kế một đề án đào tạo nghề cho lao động đô thị; chú trọng tăng cường vốn xã hội của người bản xứ và người nhập cư trong các nỗ lực giảm nghèo đô thị.

Đó là lời nói đùa tếu táo mà ngậm ngùi của ông Bàng. Chính phủ đã ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015. Một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hiện áp mức chuẩn nghèo riêng gấp đôi quy định này.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu chỉ tính nghèo theo thu nhập, dù là mức 1 triệu đồng/hộ/tháng ở thành thị trong cơn “bão giá” như hiện nay vẫn không đánh giá đúng bản chất của nghèo.

“Như chúng tôi đây, bước chân ra đường là cần đến tiền, trong khi thu nhập hết sức bấp bênh, nếu có gom chúng tôi vào hộ nghèo, tính theo chuẩn nghèo của Chính phủ thì chắc chắn là chúng tôi đã chết đói rồi”- ông Bàng nói.

Theo bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng đại diện Action Aid: “Chi phí cho cuộc sống cao; việc làm bấp bênh; rủi ro thường trực; hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ công; môi trường sống ô nhiễm… cộng thêm giá cả tăng là các yếu tố dẫn tới nguy cơ người nhập cư rơi vào nghèo đô thị rất lớn”. Thế nhưng, chính đối tượng bị tổn thương nhiều nhất này hầu như không được hưởng bất cứ chính sách an sinh nào nơi phồn hoa mà họ đang sinh sống.