Tiếng chuông cửa căn hộ của NSƯT Đường Tuấn Ba kêu rất to khi chúng tôi nhấn vào. Ra mở cửa là một ông lão đầu tóc bạc phơ. Phải nói chuyện như hét lên thì ông mới hiểu. Hóa ra, người nghệ sĩ 87 tuổi ấy đã bị lãng tai nặng.
Bộ phim định mệnh
Dựa lưng vào tường trên chiếc giường nhỏ kê gần cửa sổ, NSƯT Đường Tuấn Ba hồi tưởng về quãng thời gian gắn bó với nghề, trong đó bộ phim để đời Cánh đồng hoang (kịch bản: Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn: Hồng Sến) luôn in đậm. Ông bảo chính bộ phim Cánh đồng hoang đã làm nên cuộc đời mình.
Nhắc đến đoạn quay cảnh đứa con của vợ chồng Ba Đô - Sáu Xoa (phim Cánh đồng hoang) bị bỏ vào bao ni-lông rồi nhấn xuống nước để trốn máy bay địch ruồng bố là lòng ông thắt lại. Rồi đoạn quay thằng bé ngồi chơi bên mép sàn nhà, nó cứ bò vô tư. Một bên là người mẹ đang lui cui nấu ăn, một bên là đứa con tự chơi một mình. Máy quay canh đường bò của bé, ngay lúc cu cậu vừa rớt xuống nước thì anh Ba Đô đang lợp nhà trên cao nhảy xuống cứu, làm động tác tìm kiếm rồi mới vớt. Mọi hoạt động đều diễn ra nhịp nhàng, ăn khớp từ đạo diễn, quay phim đến diễn viên để không phí đi khoảnh khắc “vàng”.
Cảnh này khiến NSƯT Đường Tuấn Ba day dứt. “Thấy thằng nhỏ rớt tuột xuống nước mà lòng tôi buồn rười rượi, nước mắt ứa ra không dám để chảy, sợ hư ống kính. Tôi lo thằng nhỏ sẽ bị khủng hoảng tinh thần” - nhà quay phim bật khóc khi nhớ lại. Ông bảo đừng nghĩ người cầm máy lúc nào cũng cứng cỏi. Đứng trước cuộc sống khốn khổ của người khác, không ai cầm lòng nổi.
Cánh đồng hoang đoạt nhiều giải thưởng trong nước (Giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ V năm 1980) và quốc tế (Giải Vàng tại Liên hoan Phim quốc tế Moscow năm 1981). NSƯT Đường Tuấn Ba cũng được vinh danh Quay phim xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ V năm 1980.
Một nghệ sĩ chân tình
Nhắc đến NSƯT Đường Tuấn Ba, nhiều đạo diễn từng cộng tác với ông đều tấm tắc khen. Không những họ tin tưởng vào tay máy có nghề mà chính tính cách chân tình của ông khiến ai cũng quý mến.
NSƯT Hồ Ngọc Xum - làm việc chung với NSƯT Đường Tuấn Ba qua các phim Nước mắt học trò, Lệnh truy nã - cho biết ông có một sức chịu đựng bền bỉ trong công việc, chưa từng than phiền, kể khổ khi phải quay trong điều kiện khó khăn, chưa từng đòi hỏi chuyện tiền bạc với nhà sản xuất. Với những diễn viên trẻ, diễn xuất chưa đạt, phải quay lại nhiều lần, ông cũng chẳng hề phiền lòng, chỉ nhẹ nhàng an ủi họ tập trung diễn lại. “Bây giờ tìm được một người quay phim có những tố chất như ông ấy rất khó” - NSƯT Hồ Ngọc Xum khẳng định.
Khi đạo diễn phim nhựa đầu tay Người tìm vàng (1989), NSND Đào Bá Sơn cùng làm việc với NSƯT Đường Tuấn Ba. Vậy mà mấy chục năm sau, khi nhắc tới ông, đạo diễn Đào Bá Sơn luôn bày tỏ sự quý trọng.
NSND Đào Bá Sơn cho biết khi quay những cảnh trên núi cao, trong rừng rậm, cảnh bùn nước hết sức vất vả, khó khăn nhưng nhà quay phim không nề hà. Qua ống kính của ông, thiên nhiên trong phim thêm hùng vĩ, trữ tình, lung linh nhiều cảm xúc. “Phim Người tìm vàng được trao giải đặc biệt tại Liên hoan Phim Việt Nam lần 9 (1989) có công lớn của ông ấy” - NSND Đào Bá Sơn nhận xét.
Ông Trần Thanh Hùng, nguyên Giám đốc Hãng phim Giải phóng, tâm sự: “Từ khi Đường Tuấn Ba nghỉ hưu ở hãng phim, hầu như không ai có thể bì được ông trong làm việc, kể cả cuộc sống đời thường”.
Lặng lẽ, trầm tư
Gắn bó với nghề được 16 năm, quay hàng chục phim, về hưu năm 1991 nhưng NSƯT Đường Tuấn Ba vẫn xông xáo, vác máy đi cộng tác với các hãng phim, thực hiện thêm hơn 50 bộ phim truyện nhựa và video.
NSƯT Đường Tuấn Ba tiếp tục cầm máy một phần vì yêu nghề và phần vì phải bươn chải mưu sinh. Ông không thuộc diện được hưởng lương hưu, số tiền hãng phim hỗ trợ chỉ 1,4 triệu đồng. Hồi ấy, khi ông đi quay thuê bên ngoài, một bộ phim được trả 4 triệu đồng. Tích cóp dành dụm, ông cũng mua được căn hộ ước chừng 33 m2 ở cư xá Thanh Đa (TP HCM) cho gia đình 6 người ở. Đến khi buông máy, người nghệ sĩ chỉ còn lại 2 bàn tay trắng.
Cái buồn trắng tay cũng không bằng nỗi cô đơn lẻ bạn khi vợ ông - bà Nguyễn Thị Minh - vừa qua đời cách nay mấy tháng. “Lúc con cháu đi làm, đi học hết, chỉ mình ông ở nhà đi ra đi vào. Thỉnh thoảng, ông ra hành lang chung cư, lặng lẽ ngồi trên băng ghế đá, gương mặt trầm tư, không nói chuyện với ai. Ông yếu lắm rồi và hay bệnh nữa” - một hàng xóm lo ngại.
Nếp nhăn chảy dài trên khuôn mặt và đôi mắt buồn thiu, NSƯT Đường Tuấn Ba bảo nhìn lại quãng đời cống hiến cho nghệ thuật mà ngậm ngùi. Lương hưu không có, nhờ tấm huy chương mà ông mới được cấp sổ bảo hiểm y tế, hằng tháng đi khám bệnh tim rồi nhận vài viên thuốc miễn phí. “Đôi lúc, tôi thèm ăn gì đó hay muốn mua thêm thuốc thang nhưng ngại phải xin con cái hoài. Chúng nó đi làm cũng vất vả lắm” - ông nói nhẹ nhàng mà khiến người nghe se thắt lòng.
NSƯT Đường Tuấn Ba từng tham gia kháng chiến chống Pháp 9 năm ở Kon Tum. Năm 1968, ông tốt nghiệp Trường Điện ảnh - Truyền hình thuộc Trung tâm Điện ảnh quốc gia Sài Gòn, ngành quay phim. Sau ngày 30-4-1975, ông được nhận vào làm quay phim tại Xưởng phim Tổng hợp TP HCM (nay là Hãng phim Giải phóng). Trong sự nghiệp cầm máy của mình, ông được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp điện ảnh Việt Nam (1993) và Huân chương Lao động hạng nhì (2000).