Dân Việt

Dân quân tự vệ có được quyền truy đuổi người vi phạm?

09/01/2015 16:57 GMT+7
Ngày 8.1, Công an huyện Định Quán (Đồng Nai) tạm giữ hai dân quân Phạm Chí Hiến và Lê Nguyễn Xuân Thắng (thuộc Ban chỉ huy quân sự xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) để điều tra làm rõ vụ tai nạn giao thông khiến 2 người thương vong.
Theo thông tin ban đầu, vào 0h ngày 7.1, anh Phạm Duy Linh (34 tuổi, ngụ xã Gia Tân 3) chở anh Trần Minh Nhất (17 tuổi, ngụ xã Quang Trung) trên quốc lộ 20 theo hướng từ TP.Đà Lạt về Đồng Nai. Đến xã Quang Trung, tổ tuần tra kiểm soát an ninh trật tự đêm khuya của xã phát hiện anh Linh vi phạm giao thông nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Lúc này anh Linh liền quay xe bỏ chạy. Lập tức hai dân quân Hiến và Thắng cầm gậy đuổi theo. Cuộc rượt đuổi kéo dài khoảng 12km, khi đến xã Phú Túc (huyện Định Quán) do chạy với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái nên Linh ngã xuống bên đường, tử vong tại chỗ... Riêng Nhất bị gãy tay được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 7B (TP.Biên Hòa).

img

Nhất được điều trị tại BV Quân y 7B. Ảnh: V.Ngọc

Trao đổi với PV, lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự huyện Thống Nhất cho biết Hiến và Thắng đang làm nhiệm vụ cùng tổ tuần tra trên địa bàn sau 23h đêm. “Việc dân quân có chức năng truy đuổi người vi phạm giao thông hay không thì giờ chúng tôi chưa thể trả lời được, phải chờ công an điều tra làm rõ” - đại diện Ban chỉ huy quân sự nói thêm.

Được biết sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo xã Quang Trung đã cử đại diện đến gia đình người chết và bị thương động viên và hỗ trợ mỗi gia đình 15 triệu đồng.

Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: Thông tư 65/2012 của Bộ Công an cho phép các lực lượng cảnh sát khác và công an xã (bao gồm cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát bảo vệ và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) được tham gia phối hợp với cảnh sát giao thông (CSGT) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông khi được huy động. Các lực lượng này chịu sự kiểm tra, giám sát của CSGT, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong trường hợp có mặt CSGT thì CSGT xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Về quyền hạn của lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố, theo khoản 2, 3 Điều 6 Nghị định 38/2006 thì lực lượng dân phòng cùng với lực lượng bảo vệ dân phố có quyền: “Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông...”.

Như vậy dân quân tự vệ, dân phòng, bảo vệ dân phố chỉ giữ vai trò phối hợp, hỗ trợ, giúp việc lực lượng CSGT... làm nhiệm vụ hướng dẫn, điều tiết giao thông hoặc kiểm tra hành chính khi có yêu cầu, không được phép dừng xe hay truy đuổi người vi phạm. Trong trường hợp dân quân, dân phòng, bảo vệ dân phố tự ý dừng xe, truy đuổi người vi phạm thì tùy mức độ sai phạm có thể bị kiểm điểm, bị đuổi khỏi lực lượng hoặc truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích, tử vong cho người bị truy đuổi. Người có trách nhiệm quản lý, huy động lực lượng dân quân, dân phòng, bảo vệ dân phố đi hỗ trợ nhưng lại quản lý kém hoặc cho phép lực lượng này dừng xe, truy đuổi người vi phạm thì tùy mức độ hậu quả gây ra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm từ xử lý hành chính tới hình sự và phải bồi thường thiệt hại vật chất nếu có.