Dân Việt

Xuất khẩu lao động: Lên rừng trốn nợ

13/11/2010 06:18 GMT+7
(Dân Việt) - Những tưởng đi XKLĐ sẽ đổi đời nên trước khi đi nhiều người đã vay thêm những khoản tiền để phòng thân... Nay đột ngột trở về với 2 bàn tay trắng, nhiều người phải bỏ lên rừng... trốn nợ.

Biệt tích trên non

Lần theo danh sách nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên, chúng tôi tìm đến nhà anh Quàng Văn Minh ở bản Hồng Khoang, xã Thanh An (xã đi đầu trong việc XKLĐ của huyện Điện Biên). Căn nhà sàn nhỏ bé trống huếch trống hoác, cửa khép hờ bởi tấm phên ọp ẹp.

img
Chị Quàng Thị Ón ở bản Hồng Khoang, Thanh An, Điện Biên luôn ngóng tin con đang bơ vơ ở Malaysia sau lần XKLĐ năm 2008

Thấy chúng tôi đợi lâu, bà hàng xóm nói với qua bờ rào: “Tìm nó phải lên núi mới gặp được. Từ hôm nó đi Tây về nhiều người đến đòi nợ quá, vợ chồng nó bỏ con lại cho bố mẹ, lên trên rừng ở rồi”.

Theo lời chỉ dẫn của bà, chúng tôi tìm đến nhà ông Binh bố của Minh. Nói đến việc XKLĐ của con trai mình, ông Binh nổi khùng: “Nó bị người ta lừa đi đấy, XKLĐ cái quái gì, đúng là chó cắn áo rách! Lâu nay chúng nó trốn lên rừng ở vì sợ người ta đến đòi nợ đấy. 2 đứa con của nó đang gửi tôi trông đây này”.

Trước ngày Minh đi, vợ anh là Lường Thị Minh đứng tên vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 22 triệu đồng. Lần đầu tiên ký vào bản hợp đồng vay tiền, chị Minh còn run run. Ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì thì mình lấy gì mà trả. Ở nhà chị ngày đêm mong chồng gửi tiền về để trả nợ ngân hàng mà không thấy. Thỉnh thoảng anh có gọi điện về báo là ở bên đó không có việc nên “ngồi chơi, xơi nước” suốt. Anh phải bỏ công ty ra ngoài mới kiếm được ít tiền sinh sống.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Điện Biên, từ năm 2007 đến 31-7-2010, toàn tỉnh có 369 người xuất cảnh. Trong đó nhiều nhất là thị trường Malaysia với 252 người, Hàn Quốc 110 người, còn lại là Nhật Bản và UAE.
Phần lớn các lao động sang Malaysia là do Văn phòng đại diện Công ty LATUCO tại Phú Thọ đưa đi. Thống kê sơ bộ bước đầu người lao động sang thị trường này làm ăn không hiệu quả, nợ nần chồng chất.

Những thông tin ấy làm chị Minh như ngồi trên đống lửa, hàng ngày chị vẫn thầm mong trời phù hộ cho chồng mình có việc làm và an toàn về sức khoẻ. Được hơn 1 năm thì chồng chị mò về. Trước ngày anh đi thân hình cường tráng, hôm về trông anh tiều tụy, tiền khô cháy túi...

Nhà chị vốn nghèo, nay trong tay không có nghề nghiệp, vốn liếng gì nên vợ chồng không biết làm gì để kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Từ hôm anh về, vợ chồng cãi nhau như cơm bữa, đã suýt bỏ nhau vì liên tục phải tiếp khách đòi nợ. Giải pháp cuối cùng được cả vợ chồng Minh thống nhất: “Bỏ nhà lên rừng, nợ nần để đấy…”.

Nghèo cũng có cái hay của nó! Đồ đạc chẳng có gì ngoài mấy bộ quần áo rách và dao, cuốc, xẻng chất gọn trên lưng con bò cái, vợ chồng Minh thực hiện ý tưởng “XKLĐ lần 2” này rất nhanh gọn, ít người trong bản biết đến.

“Đêm trước chúng nhớ con, mò về nhà. Tôi bảo chúng mày không trốn mãi được đâu, phải lấy củi về bán mà trả nợ thôi. Mỗi gánh củi 20-30 nghìn đồng, cứ lấy củi vài ba năm thì cũng hết nợ. Thế là chúng nó ôm nhau khóc… Thương con thật nhưng biết làm thế nào?” - ông Binh kể.

Vay thêm nợ để... sống mà trả nợ

Dựa chiếc xe máy Trung Quốc cũ nát vào gốc cây bên đường, anh Bùi Đình Hòa (Thanh Chăn, Điện Biên) ngậm ngùi kể về hậu XKLĐ của mình: Cuối năm 2006, Hoà được sang Malaysia làm công nhân. Thay vì được làm việc trong ngành điện tử như cam kết trong bản hợp đồng XKLĐ, Hòa phải làm mộc. Công việc rất vất vả, bụi bặm, song Hoà cũng bằng lòng.

Thời gian đầu, Hòa còn có việc làm thêm. Càng về sau, việc ít, lương thấp. Trung bình lương của Hòa khoảng 2,5 – 2,7 triệu đồng/tháng, chưa kể phải đóng thuế 600.000 đồng/tháng; chi phí sinh hoạt hàng ngày đắt đỏ nên số tiền dành dụm được chẳng là bao.

Giữa năm 2008, công ty phá sản, họ cắt hợp đồng và cho Hòa về nước trước thời hạn. Đến sân bay Nội Bài, Hòa đến trụ sở Công ty HANTEX - đơn vị tuyển dụng đi XKLĐ để nhận lại 3 triệu đồng tiền đặt cọc theo hợp đồng. Trụ sở còn đó, nhưng là của công ty khác. Hỏi ra mới biết, sau khi Hòa xuất cảnh được vài tháng, đơn vị này giải thể.

“May mà khi mới sang bên đó, đúng lúc có nhiều việc, em tranh thủ làm thêm được gần chục triệu gửi về nhà nên khi về nước chỉ còn nợ ngân hàng 14 triệu đồng. Nhưng 1 triệu bây giờ cũng khó, nói gì đến chục triệu. Ngân hàng đòi mãi, em cùn: “Mang đầu tôi ra mà chặt, cơm còn chả có ăn, nói gì trả nợ. Tôi cũng bị lừa thôi. Nếu muốn tôi trả nợ thì cho vay thêm ít tiền mua cái xe máy, chạy xe ôm...”.

Chắc thấy nhà em thật sự chả còn thứ gì đáng giá; gia đình, xã, bản cũng giải trình giúp, vậy là ngân hàng gia hạn nợ vay, cho vay mới thêm mấy triệu nữa để lấy vốn làm ăn. Lúc đầu cứ nghĩ oai là mình to mồm nên họ sợ. Nay nghĩ lại mới thấy họ khôn, cho mình vay thêm tiền là để sống mà làm trả nợ. Nhưng thôi, phận em nó thế! Nay cứ túc tắc, mỗi ngày cũng kiếm được dăm chục ngàn, trừ ăn uống đi cũng trả ngân hàng được 6-7 trăm ngàn/ tháng anh ạ.

Nghĩ đi thì cay cú thật nhưng nghĩ lại thì khối thằng còn nhục hơn bọn em. Đăng ký đi XKLĐ đã lâu, tiền vay nộp cho công ty rồi mà đến sân bay còn bị đuổi về hoặc vẫn đang ngồi nhà đợi giấy gọi đi trong khi lãi ngân hàng phải trả…