Dân Việt

Bi kịch những người xin đi tù càng lâu... càng tốt

17/05/2011 13:44 GMT+7
(Dân Việt) - Vượt biên để ở tù là "phương thức tồn tại" của những người nghiện ma túy, hay mang trong mình căn bệnh thế kỷ ở vùng quê có nhiều người xuất ngoại này. Họ cứ lay lắt sống như vậy cho tới khi thần chết điểm danh…

Nhà bà Phạm Thị Thủy (thôn Quần Mục 1, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) quay mặt ra biển. Bà Thủy mới ngoại ngũ tuần nhưng trông tiều tụy, khắc khổ chẳng khác gì bà lão 70.

img
Chị Núi thắp nhang cho người chồng bỏ đi của mình.

Điệp khúc buồn

Tiếp chuyện chúng tôi, bà Thủy mở đầu bằng nước mắt. Bà bảo, trên đời này chẳng ai khổ như bà. Quê nghèo, bà tần tảo nuôi hai cậu con trai khôn lớn, thế nhưng khi chúng chập chững vào đời thì cũng là lúc bà… mất con. Cả hai anh em lần lượt kéo nhau vào cõi mê ma túy. Hôm chúng tôi tới thăm, bà đang sống những tháng ngày đau đớn nhất của đời người. Con cả bà vừa mất được 2 tuần thì chồng bà, bởi đau buồn, bởi quá sức chịu đựng cũng bỏ đời mà về nơi thiên cổ.

Nước mắt giàn giụa, bà Thủy kể, hai đứa con của bà vướng vào ma túy chính xác từ khi nào bà cũng không rõ. Chỉ biết từ hơn chục năm nay, chúng nổi cơn phá phách, khoắng sạch của nả trong nhà, rồi đày đọa bà đến cạn khô nước mắt, tiều tụy xác thân. Khi căn nhà đã trống huơ trống hoác, không có bất cứ vật gì đáng giá thì chúng kéo nhau đi. Chúng vượt biên sang Hongkong để tìm bến đỗ mới cho cuộc đời bỏ đi của mình.

Ngô Văn Giang, con cả của bà, sau 3 lần tìm sang đất ấy, khi trở về thì thân tàn ma dại. Sống vật vã với những cơn nghiện, với căn bệnh thế kỷ hành hạ mỗi ngày một dữ dội, Giang phải bán lẻ ma túy để "mỡ nó rán nó". Vừa rồi, bởi tội tàng trữ ma túy, Giang bị công an bắt. Đi trại, bệnh trong người phát mạnh, kiệt khô sức lực, Giang đã lìa bỏ cõi đời.

Em Giang, Nguyễn Văn Dương cũng đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Anh mất rồi bố mất, bởi đang ở tù trên đất Hongkong, Dương cũng chẳng thể về chịu tang. Nghe mọi người ở bên đó báo tin về thì sức khỏe của Dương bây giờ cũng chẳng khác gì đèn treo trước gió.

Như anh mình, Dương cũng lần thứ ba trú chân nơi đất khách. Bà Thủy bảo, nếu căn cứ vào những thông tin mà bà nhận được thì bà chẳng có hy vọng gì được gặp lại Dương nữa. Và nếu có phép màu nhiệm gì xảy ra thì chắc chắn bà cũng chỉ thấy con khi con bà đã nằm yên trong chiếc quan tài.

Giang bập sâu vào ma túy, chán nản, vợ Giang đã bỏ nhà đi biệt xứ. Nghe đâu chị ta lấy chồng nước ngoài. Giang chết, bỏ lại cho bà 2 đứa cháu thơ dại. Nỗi đau chưa nguôi thì nỗi lo đã ập tới. Làm gì để nuôi cháu khôn lớn? Câu hỏi ấy khiến bà phờ phạc, hốc hác mặt mày.

Kỷ lục không ai muốn nhận

Đại Hợp có hơn 3.000 người xuất cảnh. Trong số ấy, nhiều người đã ra nước ngoài đến vài lần. Thế nhưng, kỷ lục về số lần tha hương, bỏ xứ cho tới giờ vẫn chẳng ai có thể vượt qua được Nguyễn Ngọc Sáng, sinh năm 1968, với 9 lần khăn gói đi về. Nơi Sáng đến, như nhiều người khác, vẫn là mảnh đất Hongkong nhộn nhịp, phồn hoa.

Lần xuất cảnh thứ 10 vào năm 2006 thì Sáng bị Công an Việt Nam bắt vì tội tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, ngồi tù được vài hôm thì phải thả gã về vì bệnh AIDS của gã đã ở giai đoạn cuối. Về nhà được vài hôm thì Sáng chết.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Núi - vợ Sáng, ở thôn Quần Mục 2 bảo, với chị, cái chết của chồng mình khi ấy chỉ là cái chết… thủ tục, cái chết của thể xác mà thôi. Với chị, từ nhiều năm nay, khái niệm "người chồng" đã không còn tồn tại. Chẳng phải chị bạc tình, ruồng rẫy gì mà bởi, từ khi dính vào ma túy, chồng chị cứ xa nhà biền biệt. Nhắc đến những tháng ngày một mình vò võ nuôi con, vò võ đợi chồng, chị lại nước mắt sụt sùi.

Năm 1990, Đại Hợp nổi lên phong trào xuất ngoại trái phép sang Hongkong, ông chồng "máu ngựa" của chị Núi cũng nổi hứng lôi cả vợ con đi. Khi đó, thằng con lớn tên Minh mới được 1 tuổi, đã phải theo bố mẹ lênh đênh trên biển nửa tháng trời mới sang đến nơi. Sang đất bạn, như nhiều trường hợp khác, gia đình chị được đưa đến… trại tị nạn. Ngày ấy, những người trong trại tị nạn không được quan tâm nhiều. Khổ quá, không chịu được, nên vợ chồng Núi tính đường về.

Ngoài "kỷ lục gia" Nguyễn Ngọc Sáng, thì "ông kễnh" Nguyễn Văn Thước cũng đã 7 lần “xuất ngoại”. "Ông kễnh" Bùi Văn Kỳ cũng đã đi về 5 lần. Hiện Thước và Kỳ đang ở Việt Nam, nhưng nghe nói họ cũng đang rục rịch chuẩn bị xuất ngoại tiếp.

Về nhà một thời gian, Sáng thấy sức khỏe sa sút nên đi khám bệnh và phát hiện có HIV. Trong thời gian ở trại tị nạn, rồi trốn trại sống chui lủi ngoài đường đi làm thuê làm mướn, tiếp xúc với kẻ xấu, nên Sáng dính nghiện, rồi chích choác và rước bệnh vào người.

Dính bệnh, ở nhà bị xa lánh, không có cửa kiếm cả cơm trắng lẫn “cơm đen”, Sáng đánh bài liều trở lại miền đất cũ. Lúc đầu là đi làm, sau rồi thấy đi làm không hiệu quả bằng đi… tù, Sáng đã liên tục tìm cách gây án để được ăn cơm phần, mặc áo số.

Lần nào cũng vậy, cứ được trả về vài tháng, Sáng lại tìm đường sang. Đến đất bạn, việc đầu tiên là tìm con mồi để gây án. Bị bắt, Sáng khai tuốt tuột, thậm chí khai thêm động cơ của mình để được ngồi tù càng lâu càng tốt. Cứ sống mòn mỏi, lay lắt vậy suốt mười mấy năm trời.

Bấm ngón tay chị Núi nhẩm tính chồng mình đã có đến 9 lần "xuất ngoại". "Người ta xuất ngoại thì cả nhà mừng vui, nhà em thì… Nghĩ chỉ thêm tủi hổ" - chị Núi sụt sùi.

(Còn nữa)