“Em ở nhà ráng chờ anh!”
“Hết chiến tranh, anh sẽ về để cùng em tổ chức đám cưới nhé” - lời nói của người yêu với cô giáo Lê Thị Hồng Vân ngày ấy mãi mãi không bao giờ thành hiện thực.
Nhớ lại những năm tháng gửi gắm tất cả tuổi trẻ cho mối tình đầu với liệt sĩ Phạm Văn Quý - người chồng chưa một lần tổ chức đám cưới với mình, bất giác hai dòng nước mắt của bà Vân cứ tuôn rơi. Giờ đây, thứ còn lại làm ấm lòng bà giáo về hưu lúc tuổi già là những trang giấy đã úa vàng ăm ắp những kỉ niệm mà bà cẩn thận xếp trong chiếc cặp cũ kĩ. Mỗi lần giở ra là kí ức lại chan chứa ùa về. Đó là những dòng nhật kí, những lá thư ân tình mộc mạc của ông gửi cho bà, bà giữ gìn như báu vật. Chẳng kể nhiều với tôi, nhưng bằng sự im lặng và bàn tay run run lật từng trang thư đã ố màu, tôi phần nào cảm nhận được ký ức đẹp đẽ về những tháng ngày ấy trong bà Vân.
Bà giáo già cầm lên một trang thư có dán tấm ảnh đã ép nhựa cẩn thận, nghẹn ngào chia sẻ: “50 năm đó tôi vẫn ở vậy thờ anh, coi như người vợ thờ chồng. Nhiều người nghĩ hạnh phúc phải có nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn. Tôi cũng mong như thế lắm, nhưng mỗi người có một tình yêu, quan niệm hạnh phúc khác nhau. Với tôi, hạnh phúc có khi chỉ đơn giản là được yêu và giữ trọn nó trong tim mình”.
Bà đưa tôi quyển album, trong đó vẻn vẹn có 2 tấm ảnh chụp ông và bà ngày còn trẻ. Cẩn thận lau những vết bụi mờ trên di ảnh của liệt sĩ Phạm Văn Quý, người đàn bà đã ngót nghét tuổi 75 hồi tưởng lại. Năm 21 tuổi, bà là người phụ nữ đầu tiên của vùng quê nghèo xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) này trở thành giáo viên của trường cấp I. Suốt hai năm dạy học tại quê nhà, cô gái trẻ Lê Thị Hồng Vân nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, tình cảm chân thành của anh Phạm Văn Quý- một thầy giáo trẻ cùng trường.
“Những ngày ở trường, sau mỗi buổi học, tôi và anh vẫn thường trò chuyện, đôi khi đàn hát cho nhau nghe để quên đi mệt mỏi. Thời buổi đó yêu nhau không công khai như bây giờ nên gia đình hai bên chưa biết, chúng tôi bảo nhau, gắng giữ vài năm nữa hãy tính chuyện lâu dài”, bà Vân nhớ lại.
Hạnh phúc như ngọn lửa vừa nhen nhóm, thì vào năm 1963 ông Quý nhận được giấy tòng quân, bà bịn rịn tiễn ông vào chiến trường, gửi thương nhớ qua từng cánh thư. Hai người chỉ kịp trao nhau lời hẹn ước: “Em ở nhà ráng chờ anh! Đất nước im tiếng súng, đôi ta sẽ xây dựng hạnh phúc”. Giấu nước mắt sau nụ cười, bà Vân động viên người yêu: “Anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Em sẽ chờ anh về”.
Ba năm trôi qua, khi bà đang từng ngày ngóng chờ người yêu trở về để được tay trong tay làm đám cưới thì bà Vân nghe tin người yêu hy sinh. “Hôm nhận giấy báo tử, tôi mang những tấm hình của anh và của chúng tôi chụp chung ra xem mà nghẹn đắng không thốt thành lời”, bà Vân nghẹn ngào.
Sẽ mãi đợi anh về…
Bàn tay run run, lật giở những trang thư đã cũ, bà Vân bảo, đến giờ dù đã nửa thế kỷ trôi qua, mỗi cánh thư là những lời động viên chứa chan tình cảm mà ông Quý dành cho bà, bà vẫn nhớ như in từng câu, từng từ.
“Ông ấy viết thư hay lắm! Chữ đẹp như in, lời lẽ bay bổng và ông ấy còn làm thơ động viên tôi. Những vần thơ đó như là nguồn động viên lớn giúp tôi vượt qua chuỗi ngày chờ đợi dài dằng dặc. Bức thư đầu tiên ông viết gửi bà là những câu thơ: “Anh đi bảo vệ nước non/Tóc xanh em đợi, lòng son anh chờ!”. Và những dòng lục bát mộc mạc rất đỗi thân thương: “Em ơi! Anh chỉ ước mong/Bao giờ thống nhất non sông nước nhà/Toàn dân ta khải hoàn ca/Mai anh còn sống về nhà bên em…”. Bà biết người yêu hết lòng động viên mình, nên cũng viết thư gửi cho ông Quý bằng thơ: “Hoa đào chờ đợi gió đông/3 năm nghĩa vụ thành công huy hoàng/Bấy giờ phượng mới cùng loan/ Chung xây tổ ấm dưới ngàn trời xuân…”.
Rồi bà Vân tâm sự: “Tôi nâng niu những lá thư ông ấy viết cho tôi ngày còn trẻ, có những lá thư tôi đọc cả trăm lần. Sự thương nhớ và đau xót khiến mỗi ngày tôi đều viết thư cho ông, nhưng tôi đem chôn những cánh thư vào lòng đất, như một lời hứa với người đã khuất giữ trọn lời thề hẹn. Tôi đã giữ chiếc áo tím ngày ấy, màu tím đó là thủy chung son sắt”.
Ánh mắt xa xăm, bà Vân bảo, không biết có phải vì lời hứa "đợi anh về" năm xưa vận vào người không, mà những mối duyên đến sau này đều không thành, tình cảm cứ chớm nở rồi lại tàn. Bà quyết định giữ lại tình cảm cho riêng mình, lòng vẫn chưa bao giờ thôi hi vọng một điều kỳ diệu xảy ra để một ngày ông sẽ trở về thực hiện lời hẹn ước. Chỉ đến khi gia đình tìm được hài cốt của ông Quý, bà mới tin là thật. Ngày đưa tang ông, bà khóc ngất đi bên mộ. Trân trọng tình cảm của bà Vân, mẹ ông Quý cũng thầm coi bà như con dâu trong nhà. Cô con dâu chưa một lần lên xe hoa trong đám cưới, chưa sinh cho bà một đứa cháu nội nhưng bà Vân chính là chỗ dựa tinh thần của mẹ liệt sĩ Phạm Văn Quý.
Từ đó đến nay, suốt 50 năm, hàng ngày bà Vân vẫn cần mẫn lau dọn và thắp hương cho ông Quý. Cứ đến ngày giỗ, ngày tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ, sau phần hương khói ở nhà, bà lại đạp xe lên nhà ông Quý để thắp hương cho ông. Mỗi năm, cứ đến ngày 30.4, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày thống nhất đất nước, bà lại dọn dẹp bàn thờ thật sạch đốt nén nhang, như muốn nói với người chồng chưa kịp cưới rằng: “Em sẽ mãi đợi anh về...”.