Dân Việt

Bỗng nhiên bị điếc

Pháp luật TP.HCM 11/01/2015 09:00 GMT+7
Bệnh mang tính thời đại, gia tăng theo nhịp sống công nghiệp.

Đang bình thường bỗng nhiên tai nghe ù ù hoặc như tiếng ve kêu, sau đó không còn nghe rõ. Đó là các triệu chứng của bệnh điếc đột ngột. Bệnh có xu hướng gia tăng cùng nhịp sống nhanh của các đô thị lớn và ngày càng trẻ hóa đến tuổi học trò. Hằng năm, BV Tai Mũi Họng TP.HCM tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân điếc đột ngột, trong đó nhiều trường hợp bị điếc vĩnh viễn do phát hiện và điều trị trễ.

img

Điếc đột ngột gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, công việc của người bệnh sau này. Ảnh: CTV

 

Bác sĩ cũng chẩn đoán sai

Bệnh nhân LTM (40 tuổi, giáo viên, ngụ Tiền Giang) vừa nhập BV Tai Mũi Họng TP.HCM với một bên tai bị ù, nghe không rõ. Cô M. kể cách đây hơn 10 ngày, ngủ dậy cô nghe tai trái bị ù và không nghe rõ. Đồng nghiệp nói “ù tai là chuyện bình thường” nên cô cũng chủ quan không đi bệnh viện (BV). Đến khi dạy học, học sinh nói cô không nghe mới giật mình. “Tôi đi khám nhiều bác sĩ, họ nói tôi bị viêm tai giữa nhưng uống thuốc hoài không hết, đành xin nghỉ dạy lên TP.HCM. Bác sĩ nói tôi bị điếc đột ngột và nhập viện quá trễ, bệnh khó hồi phục” - cô M. lo lắng.

Một bệnh nhân bị điếc đột ngột khác là LVH (26 tuổi, nhân viên âm thanh của một công ty tổ chức ca nhạc, ngụ Đồng Nai). Anh kể một hôm đi làm về rất mệt, anh đang tắm thì nghe tai trái kêu “ve ve”, từ đó tai trái anh không nghe gì nữa. “Đến trung tâm y tế huyện khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị ù tai bình thường và cho mấy viên thuốc. Sau năm ngày uống hết 10 viên thuốc mà bệnh không thấy giảm, tôi thấy lo và về TP.HCM. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị điếc đột ngột giai đoạn muộn vì sau tám ngày mới phát hiện” - anh H. nói trong lo âu.

Chị NHD (25 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) có phần may mắn hơn khi nhập viện ngay trong ngày bị ù tai. Chị D. kể sau một đêm ngủ dậy chị nghe ù một tai, sau đó là cả hai tai. Chị vội đến một phòng khám tư, nơi này soi tai không thấy dị vật nên đề nghị chị đến BV Tai Mũi Họng ngay. Tại đây chị được chẩn đoán bị điếc đột ngột. Hầu hết bệnh nhân bị điếc đột ngột đều cho rằng đây là bệnh quá lạ, lần đầu tiên nghe và tỏ ra lo lắng vì có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm và tương lai. Điều đáng lưu ý, các bệnh nhân này có một điểm chung giống nhau là có cuộc sống với cường độ làm việc cao hoặc đang có chuyện lo lắng.

Chín tuổi cũng bị điếc đột ngột

Tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM, số bệnh nhân bị điếc đột ngột có xu hướng ngày càng tăng. Theo thống kê của BV, năm 2012, trung bình mỗi tháng BV tiếp nhận khoảng 67 bệnh nhân bị điếc đột ngột, năm 2013 là 73 ca/tháng và năm 2014 lên 93 ca/tháng, bình quân khoảng ba ca/ngày. Tần suất nam, nữ ngang nhau. Bệnh thường tăng vào mùa lạnh và cuối năm.

BS CKII Nguyễn Thành Lợi, Trưởng khoa Tai - Đầu - Mặt - Cổ BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết điếc đột ngột là một tình trạng tai biến lỗ tai. Nguyên nhân là do lượng máu vì một lý do nào đó chưa biết đến nuôi tai giảm nên gây nên thiếu máu đột ngột, làm giảm thính lực và điếc đột ngột. Người bị tổn thương hai tai (chiếm 30%-40%) thì khả năng sẽ khó phục hồi hơn tổn thương một bên.

Theo BS Lợi, bệnh nhân điếc đột ngột cũng đang có xu hướng trẻ hóa. Ngày trước, những người từ 40 tuổi trở lên mới có nguy cơ bị điếc đột ngột do mắc kèm các bệnh nội khoa như tiểu đường, cao huyết áp, suy giảm thần kinh, mạch máu… Nhưng 10 năm trở lại đây, bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, ca bệnh trẻ nhất đến nay được ghi nhận là một học sinh chín tuổi.

Chủ yếu do stress

Giải thích vì sao máu bỗng dưng giảm đến nuôi tai, BS Lợi cho biết: Có thể do môi trường sống, môi trường làm việc căng thẳng, nhiều stress làm co thắt mạch máu và gây điếc. Đối với học sinh, áp lực học hành nhiều cũng gây stress.

BS Lợi cho biết điếc đột ngột là bệnh cấp cứu nên bệnh nhân vào thì điều trị theo phương châm “còn nước còn tát”, tức tích cực dùng thuốc giãn mạch máu để máu cung cấp, có thể kết hợp ôxy cao áp nhằm cải thiện thính giác cho bệnh nhân được phần nào hay phần đó. “Tế bào thần kinh thính giác trong lỗ tai ví như một đám mạ, vì lý do nào đó bị thiếu nước thì gốc mạ sẽ bị chết. Cây mạ nào chết thì phục hồi không được, còn những cây mạ héo héo thì cố gắng phục hồi bằng việc tưới nước. Tế bào thần kinh thính giác cũng vậy, vì lý do nào đó mạch máu bị co thắt gây thiếu máu thì tế bào đó bị tổn thương” - BS Lợi nói. Tuy nhiên, việc điều trị hiện nay còn nhiều khó khăn do chưa có phác đồ điều trị thống nhất.

BS CKII NGUYỄN THÀNH LỢI, Trưởng khoa Tai - Đầu - Mặt - Cổ BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết: Điều đáng lo ngại là bệnh điếc đột ngột không có triệu chứng ban đầu. Đến khi xảy ra cũng chưa chắc chẩn đoán đúng. Trong khi đó việc phát hiện sớm và đến BV điều trị là rất quan trọng. Sớm là sau vài giờ, sau điều trị tỉ lệ nghe lại được đạt hơn 90% so với ban đầu. Chậm là một tuần trở lên, các tế bào thính giác sẽ không phục hồi được và để lại di chứng ù tai giống như ve kêu và trường hợp nặng hơn là điếc vĩnh viễn. Hầu hết mọi người đều có thể mắc nhưng tập trung nhiều nhất là giới trí thức, cán bộ, công chức làm việc trí óc nhiều; những người làm ở các ngành nghề liên quan đến con số, tiền bạc như tài chính, ngân hàng, kiểm toán, thủ quỹ... Để phòng bệnh, mọi người cần phải biết cân đối cuộc sống; đó là sống lành mạnh, môi trường trong sạch, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Khi nghe “o o, ù ù” trong tai và bị choáng nhẹ mà không trả về bình thường thì nên há miệng ngáp dài và nuốt nước miếng để máu tưới đều giúp cho tai hoạt động trở lại. Nếu tiếng “o o, u u” vẫn còn sau khi lặp lại việc nuốt nước miếng vài lần thì nên nghĩ ngay đến bệnh điếc đột ngột và tìm đến BV điều trị càng sớm càng tốt.

BS CKII NGUYỄN THÀNH LỢI, Trưởng khoa Tai - Đầu - Mặt - Cổ BV Tai Mũi Họng TP.HCM