Câu chuyện của Kép Tư Bền gắn liền với cuộc đời nhiều người nghệ sĩ, đặc biệt là những diễn viên hài. Giữa tiếng cười của khán giả và sự thăng hoa của chính mình trên sân khấu, không ít người từng bật khóc khi nghĩ tới cuộc đời truân chuyên, nhiều gian khó của mình.
Nếu như những cái tên gạo cội miền Bắc như Văn Hiệp, Minh Vượng, Phạm Bằng... khiến khán giả đau lòng vì cuộc sống khó khăn, tuổi già cô độc, những nghệ sĩ miền Nam như Hoài Linh, Thuý Nga, Đại Nghĩa... lại khiến người hâm mộ nghẹn ngào vì những tâm sự buồn về chuyện đời, chuyện nghề.
Thuý Nga: "Đời tôi quá nhiều nỗi buồn"
Mới đây, danh hài được khán giả trìu mến gọi với cái tên "Bà già bán khoai" - Thuý Nga - khiến nhiều người ngỡ ngàng khi viết thư đẫm nước mắt gửi cho mẹ từ nước Mỹ xa xôi. Trong thư, Thúy Nga không chia sẻ cụ thể những điều cô đang phải trải qua song cũng đủ để người xem hiểu, nghệ sĩ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng, u uất.
Thuý Nga cho hay, những năm ở nơi đất khách quê người, cô tập cách sống tĩnh lặng để tỉnh thức và khi càng thức tỉnh cô càng nhận ra mình đã làm những điều quá dại dột mà luôn cố giấu mẹ. Cô tâm sự, giờ đây đã thấm thía và hiểu hơn những gì mẹ dạy, về cái gọi là “từ bi vô minh”.
Những dòng chia sẻ của Thúy Nga khiến nhiều bạn bè và fan hâm mộ cảm thấy nhói lòng khi cô ẩn ý, cuộc sống đang gặp nhiều điều không vui, thậm chí là bế tắc và u uất mà không thể nào chia sẻ hay nói với mẹ. Trong một bài phỏng vấn mới đây, Thuý Nga cho biết, cô đã nhìn thấy trong cuộc sống và số phận của mình sự chua chát, đắng cay từ năm bố mẹ ly dị. Mới 10 tuổi, danh hài đã cảm thấy cuộc đời của mình có quá nhiều nỗi buồn rồi.
Tới thời điểm này, tâm trạng của Thúy Nga vẫn chưa ổn định, cô cũng chưa quyết định có chia sẻ hết những đau buồn, u uất của bản thân với người hâm mộ không. Tâm trạng xấu ảnh hưởng tới cả cảm hứng hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Cô chia sẻ: "Bây giờ làm nghệ thuật tôi vẫn còn e dè lắm vì thấy lương tâm mình không thanh thản để làm việc. Mà nghệ sĩ hài mang tiếng cười đến cho mọi người cần yếu tố hồn nhiên, vui vẻ. Mình phải thật sự sảng khoái, mới đến được với nó trong khi nội tâm tôi có quá nhiều ưu tư, nó không cho phép tôi lại gần nghệ thuật dù bản thân nhận được rất nhiều lời mời".
Năm 2013, Thúy Nga từng tâm sự, có lúc muốn tìm tới cái chết vì ngập trong nợ nần do mắc sai lầm trầm trọng khi góp vốn kinh doanh. Danh hài giao cả sổ đỏ căn nhà ở TP.HCM để cầm ngân hàng lấy hơn sáu tỷ đồng đi làm ăn để rồi cuối cùng trắng tay. May thay cô vẫn giữ được căn nhà và lại bắt đầu gầy dựng từ đầu.
Vào thời điểm từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu của nợ nần, cuộc sống riêng tư nhiều xáo trộn, Thúy Nga chọn cuộc sống ẩn dật, ít nhận sô hơn bởi tâm sự: "Tôi vốn sống thật, không thể nào lòng buồn mà đeo mặt nạ cười".
Đại Nghĩa: "Đời tôi rất giống Kép Tư Bền"
Trong một bài phỏng vấn mới đây, Đại Nghĩa khiến những khán giả yêu mến anh nhói lòng khi tâm sự, nỗi buồn cứ lẽo đẽo theo anh không rời. Diễn viên hài bảo, nhìn bề ngoài anh lúc nào cũng vui vẻ vậy nhưng khi xả vai rồi, sẽ quay về với những trăn trở của cuộc sống, mà tính Đại Nghĩa lại rất nội tâm, đa cảm.
Đại Nghĩa kể, ngày ba hấp hối, anh vẫn đang ở phim trường đóng Trâu vàng như ý. Mẹ gọi báo tin cho anh mà từng hơi, từng hơi đứt quãng. Tim Đại Nghĩa như có ai nắm trong tay bóp nghẹt, hụt cả bước chân. Nhưng vì đoàn làm phim từ ngoài Bắc lặn lội vào, anh không thể vì sự bất hạnh của mình mà làm đình trệ cả một dây chuyền đang hồi gấp rút. Thế nên anh rối rít diễn, rối rít làm việc nhưng rồi sự gì cũng không thành. Đến 4 giờ chiều, không chịu nổi nữa, Đại Nghĩa đành phải nói thật và xin đạo diễn cho về thăm ba.
Ngày ba Đại Nghĩa mất, sau khi thi thể ông được quàng ở chùa Vĩnh Nghiêm, người nghệ sĩ lại tháo chiếc khăn xô xếp gọn, thay đồ rồi đi đóng phim.
Anh bảo, thấy mình sao mà giống Kép Tư Bền: "Rời khỏi linh cữu của ba là nước mắt đuổi nhau rớt đều xuống áo nhưng tôi cũng chỉ được khóc trong lúc này thôi, vì chút nữa khi đến phim trường là phải vui, phải hài để chọc cười thiên hạ".
"Thấy nghề nhiều khi khắc nghiệt quá, nhưng chưa bao giờ tôi dám giận nghề. Chỉ không hiểu tại sao, đời lại đẩy đưa mình đến những cảnh ngộ éo le như thế. Nước mắt ráo khô, tôi hoàn thành vai diễn" - anh tâm sự.
Nghệ sĩ Minh Nhí: "Đau, đau lắm, đau đến quắt queo và trống rỗng như vô hồn"
Cũng giống như Đại Nghĩa, nghệ sĩ Minh Nhí từng gạt nước mắt để làm tròn vai trong vở diễn anh thực hiện ngay sau khi hay tin cha mất. Anh từng tâm sự, cảm giác khi đó rất kinh khủng. Anh nhắm mắt lại và không muốn mở mắt ra nữa. Cả người như lơ lửng giữa bóng tối, khoảng trống cùng với nỗi đau đến quá đột ngột.
Nhưng cùng lúc đó, người dẫn chương trình giới thiệu tên Minh Nhí và Hữu Châu và rồi anh gạt nước mắt lên sân khấu. Bởi "đã diễn hài thì phải làm khán giả cười, họ đâu cần biết đêm đó cha mình vừa mất".
Danh hài chia sẻ trong đau xót: "Lúc đó tôi mới thấm thía nỗi đau của Kép Tư Bền vì thấy mình giống quá. Đau, đau lắm, đau đến quắt queo và trống rỗng như vô hồn nhưng vẫn phải chọc cười thiên hạ, trong khi chỉ muốn về ngay để thấy mặt cha lần cuối. Tôi nhớ hồi mới đi làm, mỗi lần cha lên thăm gặp được chút xíu phải về ngay vì không có chỗ ngủ.
Hồi nhỏ tôi hay nói mai mốt giàu sẽ nuôi ba má. Vậy mà tới lúc vừa mua được nhà mấy ngày, tính đón cha lên ở thì cha lại không còn. Tôi nghiệm thấy cuộc đời mình cứ mỗi lần được cái này thì mất cái kia. Hai lần mất người thân đều là lúc tôi vừa mua nhà mới”.
Những vất vả, tủi nhục và mất mát của Minh Nhí đâu chỉ dừng lại ở đó. Luôn là người nghệ sĩ hết lòng vì khán giả và công việc, đã không ít lần, Minh Nhí đánh cược cả sức khoẻ của bản thân để hoàn thành vai diễn. Cái giá để đổi lấy nụ cười của người xem đâu có rẻ khi hiện tại, giọng Minh Nhí lúc nào cũng khàn khàn sau nhiều lần chích thuốc để diễn khi bị tắt tiếng.
Cũng có lần, khi diễn hài ở sân khấu thì đèn bất ngờ tắt, Minh Nhí đang di chuyển sát mép sân khấu nên lỡ đà, ngã dúi dụi xuống bục sân khấu cao gần 3m. Cú ngã mạnh làm chân phải anh rách toạc một đường dài gần 10cm.
Khi đèn bật sáng, cẳng chân đã loang đỏ máu tươi. Vậy mà, người nghệ sĩ ấy vẫn lấy khăn cột tạm vết thương lại và tiếp tục vở diễn. Hơn một giờ sau, khi hoàn thành công việc, anh mới được chuyển tới bệnh viện. Tai nạn nghề nghiệp "tặng" cho Minh Nhí một vết sẹo nhớ đời bên chân phải.
Hoài Linh bế tắc tới nỗi muốn tự tử
Khác với một Hoài Linh đa dạng, góc cạnh và rộn ràng trên sân khấu, ngoài đời, danh hài nổi tiếng như chắt chiu tiếng cười với chính mình. Ngày xưa, mỗi khi có chuyện không vui, Hoài Linh thường tâm sự với mẹ để được chia sẻ.
Lớn lên hiểu chuyện, sợ mẹ buồn nên anh chỉ đốt nhang, ngồi rì rầm tự sự trước bàn thờ tổ. Thêm nữa, mẹ đã già, anh không dám mang thêm cho bà nỗi lo lắng nên cứ âm thầm chịu đựng một mình. Điều này khiến cho sự bế tắc của danh hài mỗi ngày thêm lớn, đến nỗi có lần anh muốn... tự tử.
"Ngoài đời ai gặp cũng hỏi tại sao Hoài Linh trầm chứ không rộn ràng, tưng bừng như trên sân khấu. Khi đã quá thấm chữ nghề và đời, con người ta sẽ như thế" - Hoài Linh chia sẻ - “Đã là diễn viên, diễn bi hay hài đều bạc. Cười đó rồi khóc đó.
Tâm lý không ổn định, cảm xúc cứ bấp bênh. Người diễn viên hài trải lòng với khán giả bằng tiếng cười còn nỗi buồn phải giữ lại, ép lại. Cái hài không giải tỏa được nỗi buồn mà cứ ấp ủ hoài nên nặng nề đầu óc, thành ra trầm cảm, lặng đi, lừ đừ và càng thấm đẫm cái buồn”.
Niềm vui sẻ chia, nỗi buồn giữ lại và bệnh tật giấu cho riêng mình chịu đựng - đó là những gì mà đồng nghiệp nhận xét về anh. Ít ai biết, một trong những người đàn ông được đánh giá là quyền lực nhất showbiz đã âm thầm chống chọi từng ngày với nhiều căn bệnh nguy hiểm: Hở van tim, tụt đường huyết, hạ canxi, đau dạ dày. Lúc nào trong túi của Hoài Linh cũng có máy đo huyết áp, thuốc tim và thuốc huyết áp.
Trong hậu trường của live show Hoài Linh cách đây vài năm, có hẳn một “bệnh viện dã chiến” với xe cứu thương, các loại thuốc, phương tiện, dụng cụ y tế cấp cứu tại chỗ, một bác sĩ túc trực cùng hai bình ôxy. Hoài Linh cứ diễn xong một màn là vào cánh gà để bác sĩ đo huyết áp, đưa bình ôxy cho thở. Một đêm diễn bốn màn là bốn lần anh phải thở ôxy.
Xuân Hương: "Tôi đóng vai bi suốt cuộc đời mình"
Gắn bó với sân khấu hài kịch, mang lại tiếng cười cho không biết bao nhiêu thế kệ khán giả Việt song nghệ sĩ Xuân Hương lại ngậm ngùi ví mình như Kép Tư Bền, ra sân khấu chọc cười khán giả, ăn mặc sặc sỡ nhưng nhìn xuống giật mình thấy móng tay còn bẩn vì dọn dẹp, nấu nướng ở nhà vội quá chưa kịp rửa.
Nghệ sĩ Xuân Hương từng tâm sự: "Nước mắt mới là con người thật của tôi. Từ một con bé được gửi ăn nhờ ở đậu nhà người ta vì ba tôi đi kháng chiến, mẹ tôi chạy loạn, chén cơm của tôi đã chan đầy nước mắt. Lớn lên có chồng sinh con, những năm tháng tất tả kiếm cơm, lặn lội xuống tới tỉnh, bồng con theo, nhìn nó bệnh, nó uống thuốc, nó gầy còm, nước mắt tôi lại phải rơi. Rồi vợ chồng hục hặc, ly hôn, vừa khóc vừa viết kịch bản nuôi con. Cho nên tôi đã đóng vai bi suốt cuộc đời mình".
"Tôi đã đóng vai bi suốt cuộc đời mình".
Dẫu vậy, đúng như câu nói “Phải bỏ đôi giày dơ bẩn của mình ngoài nhà hát”, người nghệ sĩ này luôn biết cách giấu nước mắt vào bên trong để hết mình với những vai diễn trên sân khấu. Chị bộc bạch, vai bi thường được giấu đi, chỉ để vai hài xuất hiện trên sân khấu mà thôi.
Nghệ sĩ Cát Phượng: "Cuộc đời mình đã đủ bi kịch rồi"
Nhắc đến Cát Phượng, khán giả nghĩ ngay đến diễn viên hài có biệt tài chỉ cần nói thôi là người xem đã cười rung ghế. Thế nhưng, chuyện đời của người nghệ sĩ này phía sau sân khấu lại chẳng thể khiến người ta cười nổi.
Cái nghịch lý ấy dường như quấn lại những nghệ sĩ hài, ẩn sau tiếng cười trên sân khấu chính là những giọt nước mắt vất vả và khổ đau. Nhiều người nhận xét, Cát Phượng có đôi mắt buồn nên cuộc đời chị cũng có không ít truân chuyên.
Cát Phượng và con trai.
Cát Phượng từng tâm sự: "Tôi lúc nào cũng thấy buồn, có điều, đứng trước công chúng, mình phải khoả lấp đi. Hơn nữa, lên sân khấu, sống cho nhân vật, mình cũng phải quên đi. Đó là lý do tôi thích diễn hài, rất sợ diễn vai bi như Tám Bính, Phận làm gái... Hồi diễn vở Tám Bính, đêm về tôi khóc hoài. Vì diễn những vai đó, tâm lý nặng nề, bi kịch quá, trong khi cuộc đời mình đã đủ bi kịch rồi".
Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ sống không hạnh phúc, Cát Phương tự học, tự nuôi mình và tự bươn chải với cuộc sống ngoài thành phố sau khi rời quê. Không chỉ lo cho bản thân, chị còn phải chăm sóc và bảo vệ những đứa em của mình.
Trong chuyện tình cảm, may mắn và hạnh phúc dường như cũng là thứ xa xỉ với người phụ nữ này khi chị không ít lần bị lừa gạt tình cảm bởi những người đàn ông tồi. Ngay cả Thái Hoà, người Cát Phương nhận xét tốt, cũng không thể đi cùng chị tới cuối con đường. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với nam diễn viên Để mai tính, Cát Phương chia sẻ, nếu nói không buồn là không đúng, nhưng chỉ là buồn thoáng qua thôi. Còn "cái dằm trong tim" khiến chị luôn đau đáu chính là lo nghĩ cho con trai.
"Tôi có một đứa con mà không biết mình có đem lại cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho nó không? Có phải mình đẻ nó ra là xong đâu, đó là bổn phận, trách nhiệm to lớn nhất. Một điều khiến tôi buồn nữa là, khi chui ra từ bụng mẹ để làm một kiếp con người, tôi khổ lắm.
Cuộc đời mình bị đưa đẩy, bị bầm dập nhiều quá. Xung quanh mình lúc nào cũng là đau khổ, tôi cảm thấy cuộc sống này chẳng có gì để vui. Cảm giác đó đeo đẳng mình từ nhỏ đến giờ" - những lời chia sẻ đầy xót xa của Cát Phượng.