Tôi bước nhẹ dọc dãy hành lang Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản T.Ư - Hà Nội). Mùi cồn, mùi thuốc sát trùng đậm đặc hơn các khoa, phòng khác. Nơi này cần một môi trường vô trùng để nuôi dưỡng những hình hài non nớt, mong manh không may mắn vì chào đời trước quy luật của tạo hóa quá sớm.
Kiểm tra nhịp tim cho bé nặng 500g |
Dài hơn cây bút cũng là người
Dừng lại trước cửa căn phòng có tấm biển “Phòng số 1”, tôi thấy một hình hài bé xíu xiu đang ngọ nguậy trong lồng ấp, hai bàn tay với với vào không trung như níu kéo, bám víu một điểm tựa nào đó. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Sơ sinh, giải thích: “Đó chưa phải là em bé nhỏ nhất đâu”.
Bốn buồng bệnh, mỗi buồng đặt gần 20 lồng ấp, theo lời các bác sĩ ở đây, hiện đại nhất Việt Nam. Lồng ấp giống như môi trường trong dạ con bà mẹ, phải điều khiển được nhiệt độ theo tuổi thai và theo ngày của em bé. Đặt làm sao để hài nhi không nóng, không lạnh.
Đây rồi, cậu bé tí hon mà bác sĩ Hà vừa nói. Hình như bé chỉ dài hơn chiếc bút bi vài cm, bàn tay, bàn chân bé như móng tay người lớn, liên tục khua khoắng tay chân, cái miệng nhỏ xíu khóc liên hồi.
Sinh ra chỉ nặng có 500g, đứa trẻ có da mỏng, trong suốt như giấy bóng kính, nhìn rõ những mạch máu nhằng nhịt. Gần hết cơ thể bé được bọc trong miếng giấy giữ ẩm chuyên dụng.
Sinh ra chỉ nặng có 500g, đứa trẻ có da mỏng, trong suốt như giấy bóng kính, nhìn rõ những mạch máu nhằng nhịt.
Gần hết cơ thể bé được bọc trong miếng giấy giữ ẩm chuyên dụng".
Y tá chăm sóc cho biết, nếu độ ẩm không đảm bảo, nước trong cơ thể bé bay hơi sẽ nguy hiểm tới tính mạng, vì thế lồng ấp phải đạt độ ẩm 90-95%. Mỗi lồng ấp có giá 290 triệu đồng, ví như căn hộ mini của trẻ nhẹ cân. Đứa trẻ nằm trong màn khói trắng mù mịt suốt 2- 3 tháng, không hiếm trường hợp tới 5-6 tháng, chỉ khi sức khỏe đảm bảo mới được ra môi trường sống bình thường.
Theo chân y tá tên Oanh vào thăm các phòng bệnh, cuốn sổ trong tay tôi dày lên, chi chít tỉ mẩn ấm nóng sự chăm sóc của y bác sĩ dành cho bệnh nhi siêu nhỏ. Thấy đôi cánh tay nhỏ như ngón tay người lớn với bàn tay gầy guộc giơ lên vẫy vẫy, nữ y tá khẽ hát, âm thanh nhỏ vang lên sau lớp khẩu trang, có cảm giác những lời hát khiến đứa trẻ phấn khích hơn, tay, chân đập loạn xạ hơn.
Như hiểu được cảm giác đó của tôi, y tá Oanh nói khẽ: “Bé chưa biết gì đâu chị ạ, chưa cảm nhận được âm thanh đâu”.
Tôi lặng người đi. Dù đủ hình hài của một con người nhưng những cảm nhận sơ đẳng về âm thanh của những đứa trẻ này vẫn là số không tròn trĩnh.
Tại mỗi ngôi nhà của trẻ, y tá Oanh khẽ khàng lấy một ống truyền nhỏ như que tăm, dài chừng 30cm, rồi dùng xi lanh bơm sữa vào đó. Dòng sữa trắng đục chảy chầm chậm vào cơ thể trẻ qua ống xông. Chừng 5ml sữa là đủ cho một bữa ăn của trẻ.
Trên cơ thể nhỏ bé đến không thể bé hơn ấy là đủ thứ dây nhợ lằng nhằng giúp y tá truyền thuốc, huyết thanh ngọt, muối, điện giải, đạm để từng giây, từng phút giữ đứa trẻ ở lại với cuộc sống này.
Có tới năm thứ máy móc hiện đại với những nút điều khiển phát ra ánh sáng xanh, đỏ, vàng nhấp nháy liên tục, báo hiệu sự sống vẫn duy trì bền bỉ. Một em bé phải được chăm sóc, nuôi dưỡng với gần 20 loại thuốc, vitamin, đường, đạm, mỡ, nguyên tố vi lượng… Chỉ riêng công đoạn đặt đường truyền từ mu bàn tay vào tim đứa trẻ đã tốn từ 150 đến 1.000 USD.
Trung bình, mỗi trẻ có 5 kim tiêm điện, mỗi kim tiêm trị giá 20 triệu đồng, cắm trên người. Phổi trẻ chưa hoàn chỉnh, dễ xẹp. Nếu xẹp phổi lại phải bơm thuốc làm nở. Thuốc nếu bơm theo cân nặng thì tốn 12-20 triệu đồng một lần bơm. Đẻ ra là bơm ngay. Có trẻ phải bơm hai lần.
Tôi tò mò thấy chiếc cân để cạnh trẻ mỗi khi y tá tới thay tã cho bé. Một nữ y tá giải thích: “Tiểu tiện thì phải cân tã. Một ngày tốn bao nhiêu là tã. Cân để biết trẻ đi tiểu bao nhiêu lần, để biết truyền vào bao nhiêu là đủ, để xem trẻ lớn lên bao nhiêu”.
Lồng ấp trị giá gần 300 triệu đồng - căn hộ mini của trẻ nhẹ cân . |
Nửa cân vượt cửa tử
Không có tiếng bước chân, không tiếng nói cười rôm rả, nơi này chỉ có âm thanh của máy móc và tiếng trẻ ré lên từng chặp. Những gương mặt sơ sinh nhăn nheo vì da bị bay hơi nước ám ảnh người lần đầu bước chân vào đây…
Trẻ sinh non ngày càng nhiều. Bao năm nay, Khoa Sơ sinh đều đặn tiếp nhận mỗi ngày gần chục ca sinh non. Nơi đây đang chăm sóc từ 130 đến 160 trẻ sinh non trong khi chỉ có hơn 100 giường bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, những trường hợp dưới 26 tuần, nặng dưới 1kg trước đây bị xem là sảy thai, không thể cứu chữa. Nhưng giờ đây, với trang thiết bị hiện đại, bác sĩ có thể hồi sinh những đứa trẻ này.
Năm 2010, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ cứu sống và nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh nặng 500g. Bác sĩ Hà nhớ lại: “Khi đó, nhân viên Khoa Đẻ đưa xuống Khoa Sơ sinh một đứa trẻ mới chào đời thân hình tím đen, được cha mẹ đặt tên là Bùi Thị Gái. Đáng lẽ còn 15 tuần lễ nữa, bé mới được sinh ra. Nhưng sức khỏe của người mẹ không tốt khiến sản phụ trở dạ quá sớm".
“Kiểm tra kỹ thấy cơ thể bé tím đen nhưng tim vẫn còn đập, tôi quyết định dùng thuốc trợ phổi, máy thở để cứu sống đứa trẻ. Linh cảm của một người mẹ, của 30 năm làm nghề khi đó mách bảo tôi đứa bé sẽ vượt qua cửa tử. Một tiếng rưỡi cứu chữa, sau bao căng thẳng, hồi hộp, giây phút hạnh phúc rồi cũng đến với gia đình đứa trẻ và các bác sĩ. Da đứa trẻ hồng lên, đáp ứng với thở máy, các chỉ số trong máu báo hiệu sự sống”.
Cũng đôi lần hy vọng cứu sống bệnh nhi ấy tưởng như tiêu tan khi đứa trẻ không dung nạp thức ăn, bụng trướng lên. Đây là các bệnh của trẻ sinh non, khi toàn bộ bộ phận trong cơ thể đều chưa hoàn thiện. Một tuần lễ bé Gái có mặt trên cõi đời là một tuần sống nhờ máy thở. Mà thở máy mãi sẽ không ổn cho não của trẻ. Trong khi đó, cai máy thở không hề đơn giản với những bệnh nhi siêu nhẹ.
Bằng kinh nghiệm hàng chục năm chăm sóc trẻ sơ sinh, bác sĩ Hà đã chọn được thời điểm thích hợp để não bé Gái tiếp quản việc điều hành nhịp thở theo cách tự nhiên, thay vì cưỡng bức bằng máy. Lúc này, máy thở được chuyển đi, thay vào đó là máy hỗ trợ thở để giúp bộ não non nớt dần làm quen với việc điều hành cơ thể mà tạo hóa trao cho.
Cũng như những trẻ sinh non tháng, nhẹ cân khác, hệ thống tiêu hóa của bé Gái chưa hoàn thiện, dạ dày nhỏ và nằm ngang, ruột thiếu các men tiêu hóa nên dễ bị hoại tử và không hấp thụ được sữa, bụng trướng. Để duy trì sự sống cho Gái, các y tá phải nuôi qua đường tĩnh mạch suốt hai tuần.
Ban đầu chỉ truyền 1ml rồi dần dần tăng lên thành 2ml sữa. Truyền sữa là cách để làm cho hệ tiêu hóa của bé sinh non nhẹ cân phát triển. Còn truyền đường tĩnh mạch bao gồm huyết thanh ngọt, muối, điện giải, đạm giúp sức khỏe của trẻ được cải thiện và tăng cân.
Khi sinh ra, Gái bị bệnh lý võng mạc. Nhưng may mắn thay là bệnh tự hết. Gái giờ đã được gần một tuổi, mới 7kg nhưng nhanh nhẹn không thua kém bất kỳ trẻ cùng lứa nào.
Lại một ca sinh non. Hai đứa bé vừa chào đời mới nặng 600g sẽ được chuyển tới khoa trong vòng vài phút nữa. Chỉ kịp chào khách bằng nụ cười hồn hậu, bác sĩ Hà lại tất tả bước vào trong phòng, chuẩn bị cho một ca hồi sinh trẻ tí hon. Đằng sau cánh cửa ấy, đã lưu dấu bao nhiêu lặng thầm nụ cười và nước mắt. Những đứa trẻ hồi sinh từ đó, có biết rằng chúng đã được sinh đến lần thứ hai?
Trong 7 ngày đầu mới chào đời, nếu cứu chữa được trẻ sơ sinh nhẹ cân thì tỷ lệ sống rất cao.
Bác sĩ Hà cho biết, sau khi trẻ sinh non được xuất viện, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất vì dễ tiêu hoá và hấp thụ. Sữa mẹ có chứa các chất kháng khuẩn, giúp trẻ có sức đề kháng và miễn dịch với một số bệnh; trẻ bú sữa mẹ ít mắc các bệnh dị ứng.
Phòng trẻ ở phải sạch sẽ, quần áo mẹ và trẻ phải thay hằng ngày. Những người chăm sóc trẻ phải rửa tay trước khi cho trẻ ăn hoặc bú.
Người đang ốm đau, viêm đường hô hấp không được chăm sóc trẻ. Dụng cụ cho trẻ ăn cần được tiệt trùng. Sử dụng nước đun sôi rồi để nguội để tắm cho trẻ, nhiệt độ nước tắm 38 - 40 độ C.