Dân Việt

Ô Quan Chưởng

13/11/2010 06:21 GMT+7
(Dân Việt) – Đấy là cửa ô duy nhất còn sót lại giữa chốn ba sáu phố phường cho dân chúng ngày nay còn thấy, còn qua lại. Cửa ô này xây từ đời Lê, được tu bổ ở thời Nguyễn, và giữ nguyên kiểu dáng từ hồi ấy đến nay.

Tên chính thức của cửa ô là "Đông Hà môn" như tấm bảng khắc bằng chữ Hán còn rành rành, nhưng theo tương truyền cửa ô mang tên thường gọi như hiện nay là để kỷ niệm một ông quan chưởng cơ đã chỉ huy đội lính ở đây cầm cự với giặc Pháp từ những ngày đầu chúng đánh thành Hà Nội. Dân chúng ghi công người anh hùng, lấy tên ông đặt cho cửa ô, và truyền nhau tên gọi ấy qua tháng năm lịch sử.

Và cửa ô còn đó một dấu tích văn hóa vật thể kèm theo tên gọi là một dấu tích văn hóa tinh thần. Ô Quan Chưởng đã được xếp hạng di tích quốc gia. Nó đã trở thành một biểu tượng của Hà Nội, như Khuê Văn Các, chùa Một Cột...

Cho nên dễ hiểu khi cửa ô này được trùng tu thì dư luận đặc biệt quan tâm với nhiều lo ngại. Vẫn biết trải bao mưa nắng thời gian, cửa ô xây bằng gạch đã có phần bị hư hỏng, bào mòn, cần được gia cố, sửa chữa. Vẫn biết giữ cho cửa ô duy nhất còn lại được tồn tại lâu dài cùng thủ đô là một việc quan trọng, cần kíp.

Nhưng cũng lại đã biết, đã thấy nhãn tiền, là rất nhiều di tích ở cả Hà Nội và ở nhiều nơi trong nước sau khi trùng tu thì thành như mới, dấu tích xưa bị phai mờ, tệ hơn nữa là cái xưa bị mất, bị biến dạng. Thế là một yếu tố quan trọng nhất của di tích là dấu vết thời gian đã bị xóa mất, khiến người xem ngẩn ngơ, bàng hoàng khi đối diện với di tích, biết là nó hay không còn là nó.

Ngành bảo tồn di tích của chúng ta đã có nhiều công sức nghiên cứu để phục dựng và giữ lại cho con cháu các di tích của dân tộc. Nhưng lo thì vẫn lo, và mối lo là có thật. Bởi di tích ta đâu có nhiều, và cũng bởi ta chưa ý thức cao lắm về hưởng thụ và bảo vệ di tích.

Những ngày này qua lại Ô Quan Chưởng, người quen mắt nhìn thấy có phần khác lạ vì lớp vôi vữa mới, lớp sơn phủ mới. Rêu phong bám tường đã được bóc sạch. Cửa ô như khoác một bộ cánh mới trông sáng sủa và lạ lẫm.

Ngày đêm người người ngược xuôi vẫn đi về qua cửa ô như dòng chảy bất tận bao đời của lịch sử, chính họ làm ra cửa ô và sống với cửa ô. Mong sao Ô Quan Chưởng sau đợt trùng tu này sẽ bền vững hơn với thời gian và vẫn là thân thuộc một cửa ô của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi.