Có ít nhất 5 chương trình hài nối nhau lên sóng truyền hình ngay từ những tháng đầu năm 2015. Giữa lúc các chương trình ca hát, nhảy múa, thời trang… rơi vào cảnh eo sèo thì chương trình hài thi nhau chiếm sóng các kênh truyền hình đông người xem là điều dễ hiểu. Nhất là sau thành công ngoài dự kiến của Người bí ẩn và Ơn giời cậu đây rồi (chỉ số người xem và doanh thu quảng cáo đều ở mức kỷ lục), hàng loạt nhà sản xuất đổ xô mua bản quyền chương trình hài của nước ngoài về sản xuất để cạnh tranh khán giả.
Có đất dụng nghề
Chương trình Hội ngộ danh hài 2015 (Công ty Đông Tây Promotion sản xuất) trở lại vào lúc 21 giờ tối thứ bảy và chủ nhật trên sóng HTV7 từ ngày 10.1. Bộ ba ăn khách Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành sẽ hội ngộ cùng các diễn viên hài quen thuộc. Ngoài việc tăng thời lượng phát sóng lên 2 tập mỗi tuần (thay vì 1 tập/tuần như trước), ở chương trình năm nay, các nghệ sĩ sẽ diễn xuất trên sân khấu nghiêng 21 độ và trình diễn ca nhạc bên cạnh hài kịch. Trong khi đó, chương trình Người bí ẩn phần 2 cũng của công ty này sẽ trở lại vào tháng 3 năm nay.
Một chương trình hoàn toàn mới là Gặp nhau để cười sẽ lên sóng VTV9 vào lúc 19 giờ từ thứ hai đến thứ sáu, bắt đầu từ ngày 12.1, quy tụ nhiều nghệ sĩ như: NSND Hồng Vân, Minh Nhí, Bảo Chung, Anh Vũ, Thu Trang, Trường Giang… Với thời lượng 30 phút, chương trình sẽ có phần talk show mở đầu, kết thúc và tương tác khán giả truyền hình bên cạnh tiểu phẩm hài.
Chương trình Chết cười (phiên bản Việt của Anything Goes có nguồn gốc đầu tiên từ đài TF1 - Pháp, do Đài Truyền hình Việt Nam và BHD sản xuất) cũng sẽ lên sóng VTV3 vào lúc 20 giờ thứ bảy từ ngày 17.1. Mỗi tập phát sóng, các khách mời (gồm nghệ sĩ hài, ca sĩ, vũ công) sẽ tham gia 6 trò chơi để vượt qua những thử thách.
Một chương trình hài khác dự kiến phát sóng vào giữa năm nay trên HTV7 là Thách thức danh hài (Việt hóa từ game show Crack them up). Các thí sinh tham gia chương trình sẽ thể hiện năng khiếu hài qua các phần thi khác nhau để khiến 2 giám khảo Việt Hương và Trấn Thành cười. Ngoài ra, chương trình Nghiêng ngả cười (phiên bản Việt của Make us laughing, được mua bản quyền của Time Symphony, Anh) cũng dự kiến phát sóng trên VTV3 vào tháng 10 tới.
Hài là một món giải trí mà khán giả rất thích. Việc “nở nồi” các chương trình hài lên sóng đã đáp ứng được nhu cầu giải trí, quyền lựa chọn của khán giả và giúp những diễn viên hài có đất dụng nghề. Nghệ sĩ hài Việt Hương phấn khởi: “Các chương trình hài bùng nổ đồng nghĩa với việc khán giả đã bắt đầu quan tâm đến hài kịch. Không chỉ những nghệ sĩ có tên tuổi duy trì được sức nóng mà các nghệ sĩ trẻ cũng có cơ hội học hỏi”.
Theo một diễn viên hài, những sân chơi này thật sự rất cần thiết với những người trẻ. “Diễn tấu hài ở các tụ điểm, sân khấu, khán giả ít quan tâm nhưng kể từ khi tham gia các chương trình hài trên truyền hình, tên tuổi tôi được biết đến đông đảo hơn” - diễn viên này cho biết.
Cái “chết” được báo trước
Theo thạc sĩ Cù Thị Thanh Huyền, khi nắm chắc những yếu tố đảm bảo rating (chỉ số người xem), doanh thu quảng cáo thì vấn đề chất lượng không được các nhà sản xuất quan tâm. Vậy nên nhiều người cảm thấy lo ngại về những tiếng cười đã và đang có dấu hiệu phản cảm. Chương trình Ơn giời cậu đây rồi đã vấp phải không ít chỉ trích về những tình huống lố bịch, phản cảm.
“Một số diễn viên không có năng khiếu dẫn đến những tiếng cười gượng gạo. Hơn nữa, vì thời lượng quá dài nên đã xảy ra việc khai thác quá đà những tiếng cười nhảm nhí, tục tĩu” - TS Huỳnh Văn Thông nhận xét.
Đỉnh điểm là chương trình Cười là thua, đầy rẫy những tình huống chọc cười mà nhiều người cho là thô thiển, phản cảm của nghệ sĩ. Chương trình Thách thức danh hài sắp lên sóng khiến nhiều người quan ngại là sẽ tiếp tục lặp lại những kiểu khai thác tiếng cười lố bịch tương tự vì nội dung của 2 chương trình này không khác nhau nhiều, vẫn là tìm mọi cách để chọc cười, một bên là khán giả, một bên là nghệ sĩ.
“Các chiêu hài đều có giới hạn nên diễn hoài ắt sẽ lặp lại. Hài ở Việt Nam dựa nhiều vào đối thoại hoạt ngôn nên sẽ không tránh khỏi những lời nói quá lố, nhạy cảm, dễ dẫn đến tục tĩu. Nếu lâu lâu phá cách một chút còn được chứ lạm dụng thường xuyên thì phản cảm, thậm chí bị khán giả bắt bài, cười hết nổi” - TS Huỳnh Văn Thông phân tích.
Chương trình hài tăng nhanh số lượng nhưng lực lượng nghệ sĩ hài có hạn, quanh đi quẩn lại cũng những gương mặt quen thuộc nên rất nhiều nghệ sĩ trở nên nhẵn mặt trên sóng truyền hình. Việc các danh hài chạy sô quá nhiều, vắt kiệt sức khiến tiếng cười không còn duyên dáng. Nghệ sĩ hài Việt Hương thừa nhận: “Tôi cảm thấy rất áp lực, lo lắng vì mình xuất hiện nhiều quá, dễ làm khán giả chán. Dù có duyên hài đi nữa thì nghệ sĩ cũng cần thời gian nghỉ ngơi, sáng tạo chứ không phải quăng ra sân khấu là làm khán giả cười ngay được”.
Nhận thấy nhu cầu người xem hài vẫn không ngừng tăng lên và sự “béo bở” về lợi nhuận của thị trường này nên các nhà sản xuất luôn có tham vọng khai thác. Nói như một nhà chuyên môn, tâm lý các nhà sản xuất Việt Nam cứ thấy cái gì “làm ra tiền là bám vào”. “Chương trình dù ban đầu mới lạ đến mấy mà nhiều quá cũng gây nhàm chán” - TS Huỳnh Văn Thông nhìn nhận. MC Hồng Phượng cho rằng khán giả ngày nay rất thông minh. Họ không chỉ đòi hỏi chương trình có nghệ sĩ nổi tiếng mà còn phải mới mẻ, tiếng cười duyên dáng, có chiều sâu, trí tuệ. Nếu không đáp ứng được, khán giả sẽ quay lưng.
Chúng ta đã từng chứng kiến các chương trình truyền hình thực tế ca hát một thời oanh liệt rồi cũng đến ngày lụi tàn. Những chương trình hài cũng sẽ không nằm ngoài quy luật này.