Áp lực một chốn, bốn quê
Những gia đình một chốn bốn quê Tết nào cũng phải tất tả ngược xuôi lo tàu xe, quà biếu Tết, sắm Tết… và rất nhiều việc phải làm, cần tốn thời gian, sức lực, tiền bạc và phải vận dụng cả trí thông minh, sự khéo léo để có bữa cơm sum vầy hoặc bên nội, hoặc bên ngoại.
Ảnh minh họa
Chị Hạnh là bác sĩ ở một bệnh viện lớn ở Hà Nội vẫn sợ cảnh ăn Tết một chốn bốn quê năm đầu làm dâu mới. Tết đó chị tất bật mua sắm, dọn dẹp bên nhà chồng, rồi theo chồng đi chúc Tết, ra mắt họ hàng từ nhà này sang nhà khác, hết làng này đến làng khác. Về Tết quê ngoại cũng đi chúc Tết ra mắt họ hàng hai bên. Mấy ngày Tết hai vợ chồng ở ngoài đường suốt, không được nghỉ ngơi, ăn uống thì qua loa... mệt rũ cả người.
Năm sau 29 Tết vợ chồng mới về đến quê, mới vào cửa mẹ chồng đã mát mẻ: “Ở quê Tết rất nhiều việc. Dâu mới chờ mẹ lo hết rồi mới về à?”. Nhìn giỏ quà mẹ chồng trách tiếp: “Con dâu về quê chỉ xách được giỏ quà thế này ư, còn bao nhiêu bác, rồi các cậu quanh đây nữa?”. Mẹ chồng không thông cảm là tàu xe ngày Tết đi lại chật chội, khó khăn, nên ngoài vali quần áo và giỏ quà, chồng bảo sẽ biếu bố mẹ tiền cho gọn nhẹ. Mấy ngày Tết ở quê chồng chị quanh quẩn trong bếp và đón khách liên tục cho cả nhà đi chơi, còn mình chẳng được nghỉ ngơi, dạo chơi cùng chồng.
Năm sau mẹ chồng xằng sặc bắt con dâu đưa cháu nội về quê. Thương vợ con anh đành thuê xe tự lái về. Tiền thuê thì cao, đem xe về để mấy ngày chẳng đi đâu. Đã thế mẹ chồng còn đón cô em chồng mới sinh về nhà chăm sóc. Nhà có hai trẻ mới sinh, mẹ chồng hớn hở, còn nàng dâu mệt mỏi, buồn phiền: Sao mẹ chồng đón con gái về nhà ăn tết, còn “bắt” con gái người về nhà chồng bằng được?
Hãi vì nấu nướng, tiếp khách
Xưa nàng dâu về nhà chồng phải biết làm cơm, nấu cỗ. Ngày nay việc bếp núc nhẹ hơn, nên Tết đến nhiều nàng dâu hiện đại “khiếp sợ” nếu phải lo cơm nước cho cả nhà chồng, hầu Tết mấy ngày liền không được nghỉ ngơi, không được về nhà ngoại.
Vợ chồng chị Phương ở Nam Định sống cùng bố mẹ chồng. Nhà bố mẹ đẻ chị xa khoảng 30 km, thi thoảng có thể về ngoại ăn uống, ngủ qua đêm. Nhưng Tết nào chị cũng phải ở nhà chồng, vì mẹ chồng kiêng không cho về ông bà ngoại ngủ dịp Tết, sợ mất lộc. Hóa vàng xong mới được về ngoại. Mấy năm nay hai đứa em chồng học trên Hà Nội về nghỉ nửa tháng trời, mẹ chồng sợ con mệt, không cho hai đứa làm gì. Thế là chị cứ nai lưng ra hầu cả nhà chồng, chờ hóa vàng để về nhà ngoại, bức bối như bị giam lỏng trong nhà chồng.
Tết trước cô em gái ở Đức đưa chồng con về nhà ngoại ăn Tết. Chị xin phép được về sum vầy đón giao thừa ở nhà bố mẹ đẻ. Mẹ chồng không đồng ý, chồng thì mắng vợ trẻ con. Chiều mồng một anh đưa vợ về chúc Tết ông bà ngoại, được nửa tiếng đã giục chị về. Mẹ chồng năm ấy mãi mồng 5 mới hóa vàng, làm chị tủi thân mãi, chẳng lẽ con gái đi lấy chồng là chỉ có nhà chồng thôi ư?
Chị Xuân (Lạc Long Quân, Hà Nội) kể, Tết này chị tính trả osin 20 triệu đồng dịp Tết để không “mất điểm” với nhà chồng. Tết quê chồng suốt ngày ăn uống vì bố mẹ chồng là trưởng họ, ngày Tết là phải chén chú chén anh, riêng cỗ bàn đã là nỗi kinh hoàng, chưa kể phải chịu nhiều ức chế khác. Năm nào về quê chồng, thì từ sớm 30 chị đã phải lo gói nem, chuẩn bị đồ cúng 30 và sáng mùng 1. Đến tối cả nhà quây quần xem Gặp nhau cuối năm thì chị phải tranh thủ mổ 4-5 con gà và làm cơm cúng, dọn dẹp lần nữa để đón giao thừa. 3 ngày Tết mới cực, bởi hết tốp khách này đến đoàn khách khác tới, chị cứ cuống lên pha trà nước, lấy bánh kẹo đón khách. Tốp nào bố mẹ chồng cũng co kéo mời ăn uống, chỉ làm phép thôi, nhưng ăn một miếng thì chị cũng khổ vì dọn rửa, cứ cuống cả lên.
Năm ngoái chị đi công tác nước ngoài dịp Tết nên thoát. Năm nay mẹ chồng giắng từ tháng trước là Tết này muốn chị về phục vụ cả Tết để mừng thọ. Chị “hãi” quá, bởi mọi năm chỉ làm mâm cỗ cúng và nấu ăn gia đình đã mệt… Mừng thọ ăn tới 3 ngày, mỗi ngày nấu chục mâm cỗ chắc… là “mất điểm” người phụ nữ mẫu mực. Cứ nghĩ mấy ngày Tết phải nai lưng, hoa mắt vì giết gà vịt, làm cỗ bàn, bếp núc mà sợ. “Trốn” không được, mà làm thì… không xong. Chị nảy ý định đưa cô giúp việc về quê cùng, với mức thuê 20 triệu đồng tháng đó. Người giúp việc gật đầu, nhưng chồng chị thì cau có. Chị Xuân gọi điện về quê xin phép mẹ chồng, với lý do tế nhị là nhà cô ấy ở quá, không mua được vé tàu về Tết, nên sẽ đưa cô ấy về ăn Tết cùng. Mẹ chồng không thích, nhưng vẫn phải đồng ý. Chị thì mừng rỡ, chỉ có chồng là xót ruột vì tiếc tiền.
Đau đầu tìm quà biếu
Chuyện biếu xén quà Tết cũng làm nàng dâu khiếp vía…Chị Lê Thị Mát (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, giáp Tết nào chị phải sấp ngửa mua quần áo, giày dép mới cho hai bên bố mẹ. Quà Tết phải sắm sửa đủ nội, ngoại bốn bên. Mẹ chồng được cái nhớ dai, thiếu một suất là mấy năm sau vẫn bị trách.
Chị Trâm ở Hưng Yên chia sẻ, từ ngày lấy chồng Tết nào chị cũng đau đầu vì phải tính toán sắm Tết thế nào, bao nhiêu tiền, và xoay sao để đủ tiền sắm Tết. Tết nào về quê chồng cũng phải sắm quà biếu, biếu ít quá thì không ổn, biếu nhiều thì ngoài khả năng. Chưa kể phải mừng tuổi con cháu bốn quê mà dè sẻn thì cũng… khó coi. Vợ chồng chị rất sợ Tết, và cứ Tết xong là chồng gầy xọp, chị sụt hẳn 4kg. Năm nay thưởng Tết ít, nghĩa là không đủ tiền lo Tết cho nhà mình và hai bên bố mẹ, chưa kể tiền biếu xén, quà cáp họ hàng hai bên. Chị tính vay mượn mấy chỗ, nhưng bạn bè cũng khó khăn. Những khoản có thể cắt giảm thì không thể, như con còn nhỏ, đi xe khách thì chật chội, lại khó chen lấn, xô đẩy… nên dù thiếu thốn vẫn cần an toàn cho con đã. Riêng tiền đi taxi đã hết hơn 1 triệu đồng. Khoản mua quà biếu xén cũng… khó cắt, bởi mỗi năm có một cái Tết mà biếu xén không ra gì sẽ mất mặt lắm. Áp lực Tết từ phía nhà chồng không biết làm sao cho vẹn tròn. Trong khi nhà đi thuê, con cái còn nhỏ, tiền lương thì có hạn.
Cái khó là ở lòng người với cái TÂM một chốn quê để về
Theo Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, Công ty Tâm lý trẻ: Ngày Tết mới có dịp được ăn ngon, mới có thời gian nghỉ ngơi và thăm hỏi nhau. Ngày nay Tết đến nhiều nhà đã giảm bớt những thủ tục bếp núc rườm rà, ăn uống đơn giản để dành thời gian đi chơi, du lịch. Tết truyền thống thì phải duy trì, giữ gìn nét Việt riêng, nhưng nên chọn lọc những điều tốt đẹp để phát huy. Giảm bớt những điều phiền hà, khó chịu, mệt mỏi không còn phù hợp.
Giữ không khí gia đình vui vẻ ngày Tết rất quan trọng, trong khi chọn nơi ăn Tết của những cặp vợ chồng hai, ba, bốn quê là quyết định nhạy cảm, bởi ai cũng muốn ăn Tết ở quê mình. Không ít mẹ chồng nặng tư tưởng cũ hay đòi hỏi nàng dâu phải "trực chiến" 100% tại nhà chồng, đã gây áp lực lớn cho nàng dâu. Thậm chí nhiều nàng dâu có dâu còn chịu áp lực bị chỉ trích vì không được lòng mẹ chồng, người nhà chồng. Bố mẹ vợ thì ý thức con gái là con người ta… đã vô tình làm "lệch cán cân" sum vầy, hiếu đạo khi Tết đến, xuân về, khiến nhiều nàng dâu “sợ” Tết quê chồng.
Dâu nào cũng muốn thể hiện trách nhiệm để cả nhà vui vẻ sum vầy, có đủ con trai, con dâu và cháu “đích tôn” nữa. Nếu quê không xa, đường sá dễ đi và có điều kiện hay cố gắng thuê tắc xi về ăn Tết sẽ vui vẻ, ấm áp hơn. Ở quê không đầy đủ như ở phố, có thể thiếu thốn vất vả chút ít, song các nàng dâu, và đặc biệt là con cái sẽ được dành những điều kiện tốt nhất để vui Tết. Mọi người sống trong sự yêu thương, đùm bọc của cả đại gia đình.
Nếu giá lạnh quá, nàng dâu hãy khéo gọi điện tâm sự với ông bà nội rằng muốn đưa cháu về ăn Tết, nhưng giá lạnh quá, cháu lại bé, tàu xe khó khăn… Biết đâu ông bà tới ăn Tết cùng các con. Hoặc ông bà xót cháu, cho phép nàng dâu để ra giêng ấm áp hãy đưa con về.
Cái khó là ở lòng người, và quan trọng là tâm tốt, biết nghĩ về cha mẹ hai bên. Cha mẹ cũng nên thông cảm với khó khăn, đừng chấp nê con dâu thì khó khăn mấy cũng vượt qua. Chẳng thế dù quê xa, ra nhà ga, bến xe ngày giáp Tết sẽ thấy khối cặp vợ chồng trẻ tay xách nách mang từ miền Nam ra Bắc ăn Tết, hoặc từ Bắc về Nam đón Tết cùng gia đình, gương mặt ai cũng rạng ngời vì còn có quê để đi về.