Đi là đến, nói là làm
Đó là câu khẩu hiệu quen thuộc của những tuyên truyền viên trong Câu lạc bộ “Nông dân phát hiện lao sớm” của người Sơn Lôi. Không một nơi nào ở Vĩnh Phúc người dân lại “thấu hiểu” về bệnh lao như ở đây.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Bí thư Đảng uỷ, nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân - người đã từng gắn bó nhiều năm với Câu lạc bộ “Nông dân phát hiện lao sớm” của xã tự hào: “Sau 4 năm triển khai, giờ đây xã đã có một đội ngũ tuyên truyền viên là chính các bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh. Công tác tuyên truyền bệnh lao cũng đã được “xã hội hoá”. Theo đó, ai ai cũng hiểu về bệnh, tự giác đi khám phát hiện và điều trị lao sớm”.
Tuyên truyền, tư vấn phát hiện bệnh lao ở xã Sơn Lôi. |
Hiện nay, xã đã xây dựng được 2 Câu lạc bộ “Nông dân phát hiện lao sớm” tại 2/6 thôn của Sơn Lôi, thu hút 270 người tham gia, mở được hàng chục lớp tập huấn, hàng trăm buổi tuyên truyền trong cộng đồng để giới thiệu về bệnh lao.
Hoạt động này đã làm thay đổi hẳn nhận thức của người dân về căn bệnh một thời được cho là căn bệnh xã hội này. Thế mới có chuyện, khi xưa người ta thường cấm kỵ và không muốn nhắc tới bệnh lao, nhưng nay ngay trong bữa cơm, người Sơn Lôi cũng mang bệnh lao để thảo luận.
“Có bệnh là chữa”
Ông Nguyễn Văn Thiện, 70 tuổi (thôn Ngọc Bảo, Sơn Lôi, Bình Xuyên) cho biết: “Nhờ các cô chú trong câu lạc bộ tới tuyên truyền, tôi đã đi khám và phát hiện mắc bệnh lao. Nhưng lao không nguy hiểm như ung thư, xơ gan… mà có thể chữa khỏi. Vì thế có bệnh là chữa thôi”. Sau gần 1 năm trời điều trị và theo dõi, sức khoẻ ông Thiện đã ổn định. Cơ thể béo khoẻ hơn xưa, gia đình cũng có điều kiện để làm ăn phát triển kinh tế, xây được nhà tầng, con cái học hành tử tế.
Không như ông Thiện, trước đây người dân Sơn Lôi, vẫn có tâm lý giấu bệnh, mặc cảm nên không dám đi khám hay điều trị bệnh lao. Cũng vì thế mà nhiều người mắc kể cả là thanh niên đang trong độ tuổi lao động cũng nằm chờ chết. Trong khi đó, gia đình thì khó khăn, kinh tế khánh kiệt, lúc nào cũng quanh quẩn trong vòng đói nghèo và lạc hậu.
Nhờ sự tham gia tích cực của Hội Nông dân xã, và sự ủng hộ của người dân, sau 4 năm thành lập và phát triển Câu lạc bộ “Nông dân phát hiện lao sớm”, toàn xã đã phát hiện được 20 bệnh nhân mắc lao. 100% số nguời mắc lao là nông dân, hiện 15/20 người đã điều trị khỏi bệnh.
Giờ đây, chính những bệnh nhân cũ lại trở thành những người “bắt” bệnh lao. Chính họ, chỉ cần bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được những triệu chứng ban đầu của bệnh lao như: Sút cân, ho dai dẳng, cơ thể mệt mỏi, ra mồ hôi trộm… hay nói vanh vách về điều trị lao bằng phương pháp DOTS.
Ông Nguyễn Duy Tài- Phó Trưởng ban Xã hội Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá: “Hiệu quả mà chương trình mang lại không chỉ góp phần cải thiện chăm sóc sức khoẻ toàn dân, phát triển kinh tế, mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với chính quyền địa phương”.
Minh Nguyệt