"Những bậc yếu nhân nổi tiếng của gia tộc chúng tôi là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí kiên cường của người Mông trên cao nguyên đá; dấu son của các thế hệ họ Vương: "Tận trung báo quốc/Bất thụ nô lệ" như lời Bác Hồ đề tặng trên thanh gươm Người trao cho cụ tôi- cụ Vương Chí Thành”- Vương Thị Chở, cô cháu đời thứ 4 của dòng họ Vương, hướng dẫn viên của khu di tích Nhà Vương chia sẻ.
Cô bé Vương Thị Quỳnh, hậu duệ đời thứ 5 của Vua Mèo. |
Dấu son trên cao nguyên đá
Giữa một vùng núi đá xám xịt, quanh năm khô hạn, mây mù phủ kín là một công trình kiến trúc nguy nga theo lối cung điện, lâu đài, thành quách của vương triều phong kiến. Đó là dinh thự của gia tộc họ Vương - Vua của người Mông một thời trấn giữ miền biên ải phía bắc Tổ quốc.
Dinh thự bề thế, uy nghi hình chữ "Vương" tọa lạc trên mỏm đồi rộng chừng 1.000m2 có hình mai rùa vững chắc cùng với những dãy sa mộc vươn cao là sự phối hợp hài hoà đến tinh xảo giữa các nguyên liệu được chế tác ngay tại địa phương như đá xanh, gỗ sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm - dương.
Vương Mý Sèo, Vương Mý Via, Vương Mý Cho... những hậu duệ của họ Vương bảo, điều họ tự hào đâu chỉ là cuộc sống vàng son, quyền lực lẫy lừng của tổ tiên trong quá khứ mà là những cống hiến cho quê hương, dân tộc của những cá nhân xuất sắc trong tộc họ.
Đó là bang tá Vương Chính Đức với tấm lòng yêu nước tha thiết đã bí mật tổ chức quân đội chống Pháp, chống Nhật từ những năm đầu thế kỷ XX; là người anh em kết nghĩa với Chủ tịch Hồ Chí Minh - ông Vương Chí Thành (tức Vương Chí Sình) ủng hộ 22 triệu đồng bạc trắng hoa xòe và 9kg vàng cho Chính phủ cách mạng ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.
Ông đã chỉ huy người Mông và cộng đồng các dân tộc vùng cao nguyên đá kiên cường bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, từng giữ trọng trách đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I và khóa II.
Đại diện của thế hệ thứ 3 làm vẻ vang cho truyền thống của dòng họ Vương phải kể đến ông Vương Quỳnh Sơn, người con ưu tú của dân tộc Mông ở Đồng Văn từng được Đảng và Nhà nước giao cho giữ những trọng trách đặc biệt quan trọng như Trợ lý Hành chính Quân khu Việt Bắc, cố vấn cao cấp của Ủy ban Dân tộc-Miền núi...
Tương lai sáng
Hà Giang nổi tiếng hơn nhờ Công viên địa chất - cao nguyên đá Đồng Văn. Sà Phìn nổi tiếng nhờ có khu quần thể Nhà Vương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Con cháu họ Vương vẫn nhớ như in ngày khánh thành khu di tích trùng tu, khôi phục gần như nguyên vẹn, cả thung lũng đá này như mở hội, người từ khắp nước và khách quốc tế về chiêm ngưỡng nhà họ Vương, say lâng lâng rượu ngô, cùng chợ phiên Sà Phìn.
Chục gia đình hậu duệ "Vua Mông" một thuở nay không sống chung trong dinh của cha ông nữa mà đã tách ra từng hộ, được đầu tư xây nhà mới, được hỗ trợ vốn mở cửa hàng làm dịch vụ. Cái khiếu kinh doanh bấy lâu nay có cơ hội trỗi dậy. Những Vương Mý Qua, Vương Chá Lĩnh, Vương Mý Do... nhanh chóng trở thành những chủ sạp vải, đầu mối phân phối lương thực, thức ăn gia súc có tiếng ở Đồng Văn và các huyện lân cận.
"Người có điều kiện giúp người thiếu thốn vươn lên. Anh em họ Vương chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải gìn giữ, phát huy truyền thống của dòng tộc. Xã Sà Phìn có 2.264 nhân khẩu là người Mông thì riêng họ Vương là gần 700 người. Dù kinh tế zmỗi hộ có khác, nhưng ai cũng rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Họ Vương luôn dẫn đầu đất này về số lượng con cháu học trung cấp, cao đẳng và đại học đấy! Phải học để các thế hệ kế tiếp của Nhà Vương xứng đáng với cha ông..." - ông Vương Mý Quản, chi trưởng đời thứ 3 khẳng định chắc nịch.
Trong số những hậu duệ họ Vương được gặp, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với Vương Thị Chở, hướng dẫn viên cho du khách tại khu di tích. Chở bảo” “Em là chắt đời thứ 4 của dòng họ, đã tốt nghiệp đại học, khoa Du lịch, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), biết tiếng Anh và tiếng Trung. Em từng được một số công ty du lịch mời về làm với lương khá cao, nhưng em từ chối, bởi phải đem những kiến thức được học về thung lũng đá để giới thiệu truyền thống của gia đình, quê hương với du khách".
Công việc hướng dẫn viên trong khu di tích của gia tộc tuy thu nhập không cao, nhưng Chở bảo, em rất tự hào bởi một đoàn khách đến nơi này là thêm một niềm hy vọng trong tương lai không xa, cuộc sống của bà con cao nguyên đá này sẽ no ấm nhờ du lịch, dịch vụ.
Hải Minh - Nguyễn Trường