Một ngày mùa đông rét mướt, chúng tôi ghé thăm mẹ con chị Cúc theo lời giới thiệu của một cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội huyện Cam Lộ: “Hai mẹ con chị Cúc sống cực khổ nhưng yêu thương nhau. Chúng tôi coi chị Cúc là tấm gương mẫu mực của tình mẫu tử dù hai mẹ con không phải máu mủ ruột rà gì với nhau”.
Nhắc đến Thảo, chị Cúc rươm rướm nước mắt kể rằng, vào năm 1993, trong lúc đi cùng người bạn đến một bệnh viện tư nhân ở TP.Đông Hà thì chị nghe nói về một đứa bé vừa mới sinh ra chân tay teo tóp nên bị bỏ rơi. Nhìn ánh mắt tròn xoe vô tội của bé, chị Cúc như vướng vào một thứ tình cảm thiêng liêng không thể nào quay bước đi nên đã nhận bé làm con nuôi.
Ngày nhận con về nuôi, chị Cúc không một xu dính túi. Căn lều tranh lụp xụp dựng ngoài bờ đê sông Hiếu cùng mấy cái xoong là tài sản duy nhất của chị. Những khi Thảo lên cơn đau, co giật, vật vã... chị phải thức trắng đêm lo lắng, nước mắt lăn dài.
Thời điểm đó chị vẫn chưa chồng, nhiều người đến tỏ ý thăm hỏi, lấy chị làm vợ nhưng không nhận Thảo làm con nên chị không đồng ý. “Tui thà đói rách chứ không bao giờ bỏ con bỏ cái, dù gì cũng phải nuôi, chăm sóc con đàng hoàng bù đắp phận đời cơ cực của nó” – chị Cúc sụt sùi.
21 năm qua, dù nghèo khó nhưng mẹ con chị Cúc vẫn vui cười bên nhau. Chứng kiến cảnh chị Cúc bón từng thìa cháo cho con, và đứa con đáp lại bằng một câu nói gắng gượng từ cổ họng “mẹ ơi đừng khóc” khiến tôi không thể cầm lòng. “Bây giờ tui chỉ cầu mong có sức khỏe để ngày ngày chăm sóc cho con, hai mẹ con sống vui vẻ bên nhau là tui mãn nguyện lắm rồi” – chị Cúc nói.