Dân Việt

Từ sự cố thí sinh bị bỏng axít ở Got Talent: Tài năng thì ít, liều mạng thì nhiều

Mai An 13/01/2015 08:26 GMT+7
Sự cố thí sinh Tấn Phát ở vòng bán kết Vietnam’s Got Talent 2014 bị bỏng nhẹ do uống nhầm phải cốc có chứa dung dịch axít và phải vào bệnh viện cấp cứu cho thấy, các tiết mục ảo thuật kinh dị đã vượt quá mức độ an toàn của một gameshow truyền hình.  

Chỉ là… tai nạn nghề nghiệp

Trong thông cáo báo chí phát đi sáng 12.1, ngay sau khi đêm bán kết thứ 4 của Chương trình Vietnam’s Got Talent (VGT) 2014 diễn ra, Ban tổ chức cho biết: “Đây là một sự cố hi hữu và rất đáng tiếc, lần đầu tiên xảy ra trên sân khấu Got Talent và cũng là tai nạn nghề nghiệp đầu tiên trong suốt những năm Trần Tấn Phát “trốn” gia đình theo đuổi ảo thuật mạo hiểm. May mắn là sau khi sơ cứu và thăm khám, bác sĩ cho biết Tấn Phát chỉ bị bỏng môi và đầu lưỡi ở cấp độ nhẹ, chỉ cần uống thuốc và hạn chế ăn các đồ nóng hoặc đồ không quá mặn để niêm mạc mau lành. Và dù bác sĩ cho Tấn Phát về nhà nghỉ ngơi nhưng Ban tổ chức cũng đã quyết định xin bác sĩ cho anh chàng mạo hiểm này ở lại bệnh viện để tiện chăm sóc và theo dõi”.

img
Tiết mục nuốt rắn và đóng đinh vào miệng của một thí sinh Vietnam’s Got Talent. T.L
Trả lời báo chí, người đại diện truyền thông của chương trình đến từ Công ty BHD (đơn vị phối hợp VTV sản xuất chương trình) cho biết thêm: “Về vấn đề hợp đồng ràng buộc với các tiết mục mạo hiểm, người chơi đều phải ký cam kết rằng tiết mục của họ không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, có phương pháp bảo vệ. Đó là văn bản pháp lý mà BHD sử dụng dựa trên phiên bản gốc”. Như vậy là đã rõ, khi tham gia vào cuộc chơi này, thí sinh phải tự chịu hoàn toàn trách nhiệm về sức khỏe của mình, ngay cả khi lỡ có tai nạn xảy ra thì nhà tổ chức cũng không phải chịu trách nhiệm.

 

Vấn đề vụ tai nạn của thí sinh Tấn Phát đã không dừng lại ở đó, mặc dù Ban tổ chức cho biết anh chỉ bị bỏng nhẹ, thế nhưng theo những diễn biến mới nhất thì trưa ngày 12.1, nạn nhân đã phải chuyển viện vì nghi bị bỏng hệ tiêu hóa do axít ăn mòn từ từ. Khi uống nhầm phải cốc có axít, Tấn Phát đã phun ra, nhưng ngụm nước trắng để súc miệng sau đó, thay vì nhổ ra thì Tấn Phát nuốt luôn.

Sự cố của Tấn Phát trong Chương trình VGT đang làm nóng các diễn đàn, mạng xã hội, có ý kiến cho rằng đây chỉ là một chiêu để “PR” cho chương trình, nhưng cũng có nhiều ý kiến nhận định đó là một tai nạn thật sự xảy ra ngoài mong muốn. Nhưng cho dù là chiêu để PR hay tai nạn thật, thì câu hỏi đặt ra là một chương trình truyền hình phát sóng trên kênh quảng bá của đài truyền hình quốc gia với số lượng khán giả đông đảo và có đủ thành phần lứa tuổi, có cần những tiết mục kinh dị thế này không?

Khi giám khảo và nhà sản xuất đều thích

Quan điểm

Facebook Nguyen Ngoc Dung Anh
  Ở gameshow này, cái gì tạo ra nguy hiểm đến thót tim là vào vòng trong hết, dù vẫn không phải ảo thuật theo cách tôi nghĩ. Sao lại cứ phải đưa ra các thể loại trò nguy hiểm để thể hiện mình là nhà ảo thuật thiên tài nhỉ?” 
Trên mạng xã hội, chủ nhân facebook Nguyen Ngoc Dung Anh- một người có sở thích đặc biệt với các màn ảo thuật, đã lên tiếng phân tích: “Ở gameshow này, cái gì tạo ra nguy hiểm đến thót tim là vào vòng trong hết, dù vẫn không phải ảo thuật theo cách tôi nghĩ. Sao lại cứ phải đưa ra các thể loại trò nguy hiểm để thể hiện mình là nhà ảo thuật thiên tài nhỉ? Cũng phải nói thêm rằng, khi xem China’s Got Talent 2013, tôi thêm yêu quý Triệu Vy, Tô Hữu Bằng và hai giám khảo còn lại, khi họ sẵn sàng nói “Không” với các tiết mục nguy hiểm tới tính mạng người biểu diễn. Lý do họ đưa ra là, chúng tôi trân trọng tài năng nhưng vì trân trọng, chúng tôi không mong người thi tiếp tục gặp nguy hiểm khi biểu diễn”.

 

Nhìn lại quãng thời gian Chương trình VGT diễn ra từ năm 2011 đến nay đã là mùa thứ 4, mức độ kinh dị của các tiết mục ảo thuật mỗi năm lại tiến thêm một bậc và hầu như chưa có điểm dừng. Từ trò móc câu sắt vào mi mắt để nâng xô nước đến nuốt rắn, nuốt kim, nuốt dao lam, đập gạch, đóng đinh vào đầu… tất cả đều đã có. Đơn giản vì các giám khảo chưa bao giờ lên tiếng yêu cầu thí sinh dừng lại vì quá nguy hiểm ngoài phản ứng nhăn mặt hay nhắm tịt mắt vì sợ hãi của giám khảo Thúy Hạnh.

Còn nhớ trong tập phát sóng vào đầu tháng 11.2014, sau khi thí sinh Nguyễn Khánh Tường đem đến phần trình diễn đóng cọc xuyên người gây thót tim, giám khảo Thành Lộc nhận xét: “Đối với tôi ấn tượng mạnh nhất chính là cái tiếng động cây sắt xuyên qua người cô gái một cái bốp, cái đó nó rất là rùng rợn. Tiếng động gây một sự ép phê rất mạnh đối với tôi". Cả 4 giám khảo đều nhất trí trao quyền đi tiếp cho anh chàng “đậm chất kinh dị” này.

Tại sao trong khi với thể loại phim kinh dị, bạo lực, để ra được rạp chiếu, Hội đồng duyệt phim đã phải làm việc hết sức cẩn trọng, cắt xén, phân loại độ tuổi khán giả mà một chương trình gameshow có nhiều tiết mục vừa rùng rợn vừa kinh dị lại được phát sóng rất vô tư thoải mái trên truyền hình như vậy? Đặc biệt với đối tượng khán giả là trẻ em, những tiết mục ảo thuật kinh dị trong chương trình theo kiểu VGT sẽ gây một ấn tượng rất không tốt cho tâm lý các em, đó là còn chưa kể những tai nạn, sự cố trên sóng truyền hình trực tiếp như của Tấn Phát vừa qua.

Về vấn đề này, hôm qua phóng viên NTNN đã liên lạc với ông Nguyễn Hà Nam- Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, tuy nhiên ông Nam yêu cầu phóng viên liên lạc với Công ty BHD vì “vấn đề này đã giao cho BHD trả lời”.

VGT là sân chơi tìm kiếm tài năng, nhưng thực chất những tiết mục ảo thuật kinh dị này, phần tài năng thì ít mà phần liều mạng thì nhiều. Sau đêm bán kết vừa qua, có khán giả đã bức xúc tới mức đổi tên cho chương trình này là “Tìm kiếm tai họa Việt”, bên cạnh đó, rất nhiều người yêu cầu phải kiểm duyệt thật kỹ để loại bỏ các tiết mục gây nguy hiểm cho tính mạng của thí sinh ra khỏi chương trình.