Di dời thì dễ...
Sau 5 tháng thực hiện Công văn số 2662 của Bộ VHTTDL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, đại diện bộ này cho biết, bộ đã thành lập thành lập 3 đoàn và tiến hành kiểm tra tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên với 35 di tích xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Qua kiểm tra, có 22 di tích sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật lạ trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Các loại sản phẩm, biểu tượng, linh vật lạ không rõ nguồn gốc xuất xứ như: Sư tử đá, nghê đá, đèn đá, lọ hoa, đèn thờ, tượng Quan Âm Bạch Y, lọ lục bình, cá chép nhả ngọc... Tại tỉnh Hà Nam, đoàn rà soát 163 di tích và đã di dời trên 50 biểu tượng linh vật lạ không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Hà Nội là thành phố có số lượng lớn về di tích, với trên 5.000 di tích và trên 2.500 di tích cấp thành phố và quốc gia nên con số sư tử đá cũng rất lớn, việc di dời và xử lý những con sư tử đá gặp nhiều khó khăn. Nhiều quận huyện không biết chuyển đi đâu các linh vật bị di dời, vì thành phố chưa có định hướng. Nhiều nơi đưa ra sáng kiến cho vào kho và có nơi thì tính bàn chuyện đem chôn xuống đất“- ông Tiến cho hay.
Đại diện TP.Đà Nẵng cho hay, qua kiểm tra thống kê tại làng nghề đá Non Nước, một khó khăn được đặt ra, với 4.500 tượng sư tử đá vẫn còn nguyên tại làng nghề và hiện tại 1.000 lao động đang không có công ăn việc làm vì không bán được sản phẩm.
Xuất khẩu hay tiêu hủy?
Rất nhiều khó khăn và lúng túng trong cách xử lý các linh vật lạ sau khi di dời ra khỏi di tích được nêu ra trong cuộc họp tổng kết. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Để giải quyết được vấn đề này, tôi nghĩ nếu chúng ta giải quyết được lợi ích giữa hai bên, đồng thời vẫn tiếp tục thúc đẩy vai trò của nhà nghiên cứu, nhà mỹ thuật, sự sáng tạo của các làng nghề thì sẽ tạo ra thị trường của những linh vật Việt. Chúng ta nên đi từng bước và có cách xử lý hài hòa, chứ không nên bài trừ cực đoan văn hóa nước ngoài”.
Ông Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam thì cho rằng, cần có cách tuyên truyền hợp lý để di dời. Nên có ý kiến với nhiều cơ quan khác nhau, yêu cầu biểu tượng, linh vật lạ không phù hợp trong các trụ sở được di dời. Đồng thời xử lý sư tử đá hậu di dời bằng cách xuất khẩu cho các thị trường như Đài Loan hay Singapore.
Giáo sư Trần Lâm Biền thì cho rằng, để tránh tình trạng vừa tốn kinh phí di dời, vừa trừ hậu họa trong việc sau này các linh vật lạ vì nhiều lý do lại quay ngược trở lại di tích, đình, đền, chùa, doanh nghiệp, công sở… thì nên tiêu hủy toàn bộ biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Ông Biền cũng cho hay, tất cả những linh vật ngoại lai được đưa vào khu di tích, đình, đền, chùa, miếu của Việt Nam bởi sự thiếu hiểu biết, bởi trí tuệ còn non kém. Chính vì vậy, theo giáo sư, ngành văn hóa cần có tuyên truyền, giải thích giá trị, ý nghĩa của biểu tượng thì người dân, người quản lý tại cơ sở di tích, người cung tiến không ấm ức.