Dân Việt

Rừng nghiến Ba Bể lại bị đốn chặt

12/12/2012 06:29 GMT+7
(Dân Việt) - 15 cây nghiến hàng trăm năm tuổi vừa được Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể phát hiện bị lâm tặc cưa hạ ngày 20.11 tại cánh rừng nghiến núi đá.

15 cây nghiến hàng trăm năm tuổi vừa được Kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Bể phát hiện bị lâm tặc cưa hạ ngày 20.11 tại cánh rừng nghiến núi đá ở bản Lồm, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), thuộc khu vực cột mốc 50, 51 Vườn quốc gia Ba Bể.

Theo Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia, lâm tặc đã sử dụng cưa xăng để triệt hạ 15 cây gỗ nghiến này. Tổng khối lượng số gỗ này ước tính khoảng 40m3. Bước đầu nhận định, 15 cây nghiến trên bị chặt vào 2 ngày (17 và 18.11).

img
Cây gỗ nghiến bị chặt hạ tại địa bàn xã Nam Cường.

Ngày 29.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nông Văn Chí cùng các lực lượng chức năng của Chi cục Kiểm lâm, Công an, lãnh đạo huyện Ba Bể và các lực lượng chức năng của huyện, Vườn quốc gia đã đến hiện trường của vụ phá rừng với quy mô khá lớn này để kiểm tra thực tế, xác định chính xác khối lượng rừng nghiến núi đá bị thiệt hại.

Khu vực 15 cây nghiến lớn hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ nằm rải rác ở khu vực các Trạm Kiểm lâm Quảng Khê và Trạm Kiểm lâm Bản Quá quản lý, trên địa bàn giáp ranh các xã Quảng Khê, Hoàng Trĩ, Nam Cường nằm trong Vườn quốc gia. Gỗ quý hiếm nằm ngổn ngang trên hiện trường, một số ít đã được xẻ thành thớt, thành tấm để chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ. Tại hiện trường, 15 cây nghiến mới bị triệt hạ vẫn còn nguyên, lâm tặc chưa vận chuyển đi được.

Theo nhận định ban đầu của đoàn kiểm tra và lực lượng chức năng, nhiều khả năng thủ phạm là người dân địa phương trong khu vực, có mối liên kết với đầu nậu bên ngoài để phá rừng, xẻ thớt. Địa hình khu vực rừng quý hiếm bị phá đi lại rất khó khăn, hiểm trở. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số đối tượng đã bất chấp pháp luật vẫn lén lút phá hoại rừng. Bởi gỗ nghiến giá trị kinh tế rất cao, nên đây không phải là vụ đầu tiên lâm tặc thâm nhập Vườn quốc gia Ba Bể để thực hiện hành vi phá rừng. Công an tỉnh Bắc Kạn đề nghị lực lượng kiểm lâm xác định rõ thời điểm phá rừng, khoanh vùng để xác định đường vận chuyển gỗ đi tiêu thụ của các đối tượng.

Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn coi đây là vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra vào thời điểm Chỉ thị 08/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường đang được các địa phương triển khai có hiệu quả trong một thời gian dài. Ngày 28.11, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp khẩn để phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan, những người đứng đầu và bàn các giải pháp để ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép tại Vườn quốc gia Ba Bể.