Nếu phải định nghĩa về xã hội loài người ở thế kỷ 21, hẳn không thể bỏ qua mạng xã hội và ảnh “tự sướng”. Hiện tượng “tự sướng” đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới đến mức từ điển tiếng Anh Oxford - cuốn từ điển tiếng Anh nổi tiếng hàng đầu - đã phải đưa thêm thuật ngữ “selfie” (tự sướng) vào từ điển và gọi đó là “từ khóa của năm 2013”.
Lần về quá khứ, có một vị danh họa dường như đã “đi tắt đón đầu” xu hướng “tự sướng” từ hàng thế kỷ trước, ông là danh họa người Hà Lan Rembrandt van Rijn (1606-1669). Trong lịch sử hội họa, chưa có họa sĩ nào vẽ nhiều tranh tự họa nhiều như Rembrandt.
Trong sự nghiệp của mình, Rembrandt có một hứng thú đặc biệt đối với những bức tranh tự họa. Trong hơn 4 thập kỷ cầm cọ, ông vẽ khoảng 80 bức tự họa. Khi nghiên cứu về những bước chuyển trong phong cách của Rembrandt, mọi thứ được phản ánh rõ nét qua những bức chân dung tự họa của ông. Những bức tự họa chiếm tới 20% tổng số tranh Rembrandt từng thực hiện.
Các học giả thường phân chia những bức tự họa của Rembrandt thành 3 nhóm, phản ánh 3 chặng trong sự nghiệp của Rembrandt.
Giai đoạn đầu, những bức chân dung sống động, mang đầy tính thử nghiệm, được thực hiện khi Rembrandt còn trẻ. Lúc này, Rembrandt say mê khám phá những hiệu ứng của ánh sáng, cũng như những biểu cảm kỳ lạ trên gương mặt. Lúc này, Rembrandt thường xuất hiện trong tranh của mình với mớ tóc lòa xòa, xù bông, khá rối, có thể coi là biểu tượng cho sức sáng tạo dồi dào của chàng thanh niên.
Hai bức chân dung tự họa của Rembrandt thời trẻ.
Tiếp theo tới thập niên 1630-1640, khi Rembrandt đã ở tuổi trung niên, thường mặc những trang phục đắt tiền như áo nhung và áo lông thú. Trong những bức tranh này ít sự táo bạo và tính thử nghiệm hơn, Rembrandt lúc này đã trở nên chững chạc, đường hoàng và đã ở vào giai đoạn có những tích lũy của cải để có thể khoe sự giàu có của mình. Những bức tranh lúc này phản ánh một sự nghiệp thành công mà ông đang tận hưởng ở Amsterdam. So với những bức tự họa ở giai đoạn 1 và 3, giai đoạn 2 này như một bước chững lại.
Rembrandt ở tuổi trung niên khi đã giàu có
Cuối cùng, sau khoảng 7 năm không vẽ một bức tự họa nào, Rembrandt lúc này đã già, bắt đầu lại tự họa chân dung. Ở giai đoạn cuối đời, ông chỉ vẽ 15 bức tự họa, bắt đầu từ năm 1652. Đây chính là giai đoạn Rembrandt sáng tạo ra những bức họa xuất sắc nhất trong sự nghiệp. Những trang phục và trang sức đã không còn là điểm nhấn, thay vào đó, danh họa nhấn vào chân dung mình với sự giản dị và chân thực cao độ. Chính những bức họa này đã đưa lại một phong cách mới mẻ và hiện đại cho tranh của Rembrandt, thể hiện sự suy xét nội tâm sâu sắc.
Rembrandt ở giai đoạn đỉnh cao của vẽ chân dung tự họa.
Một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất của Rembrandt ở giai đoạn này là bức “Tự họa với hai vòng tròn” (1665 - ảnh trên), bức chân dung phản ánh một giai đoạn buồn bã trong cuộc đời vị danh họa khi ông bị phá sản, người vợ trẻ sớm qua đời, bản thân ông lại đang vướng vào một vụ kiện tụng với tình nhân. Hai vòng tròn nằm trên tường ở phía hậu cảnh vẫn luôn là một điều bí ẩn. Không ai biết chính xác Rembrandt muốn ám chỉ điều gì với hai vòng tròn này.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu hội họa nhận định chính những bức tự họa đã khiến tên tuổi Rembrandt nổi tiếng hơn những gì mà nghệ thuật của ông có thể đạt tới. Những bức tự họa của Rembrandt xuất hiện nhiều, nên những người quan tâm tới hội họa đều biết mặt ông dù họ có thể chưa tìm hiểu về những bức tranh của Rembrandt.
Ở thời đại của Rembrandt, nhiều danh họa duy trì sự ổn định cuộc sống bằng việc thường xuyên vẽ tranh cho những gia đình quý tộc. Công việc này đưa lại cho họa sĩ danh tiếng cũng như nguồn tài chính ổn định. Riêng Rembrandt là một họa sĩ tự do, không gắn bó với một gia đình quý tộc nào, vì vậy, ông buộc phải tìm cách để mọi người biết tới mình. Vẽ thật nhiều chân dung tự họa khiến ông được biết tới nhiều hơn, được mọi người quen mặt ngay cả khi chưa từng gặp mặt.
Khác với phong cách chụp ảnh “tự sướng” hiện tại, khi chúng ta luôn cố tìm ra những góc đẹp nhất và sử dụng các ứng dụng để “cải thiện” dung mạo, thì Rrembrandt phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng cả những nét chưa hoàn hảo của mình và phải khắc họa thật chân thực, như một cách để quảng cáo khả năng vẽ chân dung của mình tới những khách hàng tiềm năng. Chính việc phải thể hiện bản thân thật chân thực đã giúp Rembrandt sáng tạo nên phong cách vẽ chân dung rất riêng.