Năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh tay hơn trước những sai phạm trong lĩnh vực xuất bản, xử phạt hàng trăm xuất bản phẩm. Ở cương vị người quản lý, ông nghĩ gì về thực trạng trên?
- Những sai phạm trong lĩnh vực xuất bản không phải đến bây giờ mới có. Tuy nhiên, sau khi Luật Xuất bản ban hành năm 2012, cuối năm 2013, hành lang pháp lý với đầy đủ cơ chế xử phạt mới được hoàn thiện cùng Nghị định 159. Đây là yếu tố quan trọng, là căn cứ để Cục Xuất bản xử phạt các đơn vị vi phạm, giống như "lưới được vá thì cá mới nổi".
Tính đến 31/12/2014, chúng tôi đã xử phạt 399 vụ vi phạm lớn nhỏ. Những ấn phẩm sai phạm nghiêm trọng như sách in hình minh họa không phù hợp, sách xúc phạm uy tín cá nhân và tổ chức; hoặc tác phẩm sai nhiều về nội dung như Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất... khi bị phát hiện đều nhanh chóng bị thu hồi và xử phạt.
Còn nhiều sai sót nhưng cũng phải ghi nhận sự đóng góp và phát triển của ngành xuất bản trong những năm qua. Năm 2014, số lượng sách xuất bản đạt 350 triệu, tăng 50 triệu bản so với năm 2013. Số lượng ấn phẩm nhập khẩu là 15 triệu.
Cục trưởng Chu Hòa chia sẻ, phải kiên quyết xử lý những sai phạm để đưa ngành xuất bản phát triển lên tầm cao mới và giành lại lòng tin của xã hội. Ảnh: Đức Hiệp. |
Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các sai phạm nói trên?
- Nguyên nhân chính là đối tác liên kết của các nhà xuất bản luôn tìm cách lợi dụng kẽ hở quản lý, lách luật để đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng và thu lợi. Họ lợi dụng sự suy yếu của nhà xuất bản để thao túng, đối tác từ chỗ không có quyền, đến chỗ dùng tiền để đánh đổi quyền quyết định của các nhà xuất bản. Khi nhà xuất bản kinh doanh không có lãi và thiếu sự đầu tư, họ dần thoả hiệp và "đánh rơi" vị trí, vai trò được giao phó. Các đơn vị càng khó khăn, càng dễ bị thao túng. Đây là một thực trạng hết sức đau xót.
Nguyên nhân tiếp theo là một số nhà xuất bản có bộ máy lãnh đạo cọc cạch, thiếu trình độ nên công tác quản lý yếu kém, lỏng lẻo. Vì thế họ thực hiện không nghiêm túc Luật Xuất bản, cũng như không kiểm duyệt kỹ càng nội dung trước khi phát hành.
Việc cơ quan chủ quản thiếu quan tâm cũng là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm nói trên. Ngoài ra, hệ thống quản lý nhà nước tại nhiều địa phương chưa chặt chẽ, nên sách lậu, sách giả, sách nhảm bày bán tràn lan.
Trong hoạt động liên kết, việc nhà xuất bản bị đối tác thao túng quyền "định đoạt" xuất bản phẩm đã dẫn đến không ít sai phạm. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý như thế nào về vấn đề này?
- Luật Xuất bản quy định rõ giám đốc, tổng biên tập, những người ra quyết định xuất bản và phát hành, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung sách, về thời điểm và số lượng phát hành. Hiện nay pháp luật đã cho phép xử phạt cả nhà xuất bản và đối tác liên kết như nhau khi có sai phạm nên chúng tôi có cơ sở để xử lý mạnh tay hơn.
Công việc quản lý nhà nước cũng là một phần không thể thiếu trong hoạt động của ngành xuất bản. Cục sẽ tăng cường thanh kiểm tra để phát hiện sai sót trong quy trình, nhằm giành lại lòng tin của xã hội với ngành xuất bản. Nhưng để xử lý triệt để những sai phạm vẫn cần sự chung tay của chính quyền, ban ngành các cấp và nhân dân.
Thời gian tới việc sắp xếp, tổ chức, quy hoạch lại các nhà xuất bản sẽ được tiến hành thế nào?
- Đầu năm 2015 sẽ là thời điểm cấp đổi lại giấy phép hoạt động của các nhà xuất bản. Đây cũng là dịp để Cục Xuất bản rà soát lại. Nhà xuất bản nào không đảm bảo được những quy định hiện hành sẽ bị đóng cửa.
Vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất Chính phủ và Quốc hội thông qua một số vấn đề nhằm kiện toàn các nhà xuất bản, chẳng hạn mỗi tỉnh chỉ nên có không quá một nhà xuất bản, trừ Hà Nội và TP HCM; các nhà xuất bản tự điều tiết hoạt động theo cơ chế thị trường; mỗi nhà xuất bản chỉ bảo đảm một nhiệm vụ cụ thể.
Mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn đề nghị 14 cơ quan chủ quản phải sớm kiện toàn đội ngũ tổng biên tập và giám đốc của 15 nhà xuất bản trước ngày 31/3/2015.
Ông có thể chia sẻ về hành động cụ thể của Cục Xuất bản trong việc nâng cao chất lượng ngành xuất bản, giành lại lòng tin của nhân dân?
- Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Chính phủ và các bộ ngành xây dựng các dự án, chương trình như: Chương trình sách quốc gia, dự án khôi phục mạng lưới phát hành sách ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Ngoài ra, Cục Xuất bản đã và đang là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông kết hợp với các ban, ngành để xây dựng chính sách thuận lợi cho ngành xuất bản.
Mặt khác, Cục sẽ tổ chức lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ hoạt động cho học viên. Đẩy mạnh quản lý nhân lực, khi có sai sót tuỳ mức độ mà cơ quan quản lý có thể xử phạt hành hoặc tạm dừng hoạt động, thậm chí thu chứng chỉ của các biên tập viên. Tất cả những tiền đề, yếu tố cần và đủ đã có, Cục hy vọng 2015 là năm bản lề để xoay chuyển diện mạo của ngành xuất bản.