Trong căn hộ 75 m2 trên tầng 1 chung cư đường Trần Đình Xu, quận 1, TP HCM bề bộn đồ đạc phủ bụi, người đạo diễn lừng lẫy một thời của sân khấu đang sống chật vật với những chuỗi ngày bệnh tật, ốm đau.
NSND Huỳnh Nga lâm bệnh nặng từ cuối năm 2014, căn bệnh ung thư trực tràng đã khiến ông hao gầy thể xác. Dù đôi mắt đã mờ, giọng nói đã run nhưng gương mặt ông vẫn còn vẻ tinh anh. Mọi sinh hoạt của ông hiện nay đều phải nhờ sự hỗ trợ của vợ. Bà đã ngoài 70 tuổi vẫn ngày đêm chăm sóc ông. Với 13 nhân khẩu sống chung trong căn hộ, nơi ông ngủ cũng là nơi đặt những khung giá phơi quần áo. Trong không gian chật hẹp đó, các cháu của ông không có chỗ để học tập.
Gần 90 tuổi, những gì còn lại với NSND Huỳnh Nga là bằng khen, những tấm ảnh chân dung và một số kịch bản đã phai màu thời gian. Ông rơi nước mắt nhiều lần khi nói về hoàn cảnh hiện tại. Ông cho biết căn hộ mình và con cháu đang ở được nhà nước cấp từ năm 1976. Có lần ông làm đơn xin chuyển đổi và được lãnh đạo UBND TP lúc đó chấp thuận, thế nhưng khi tìm đến căn nhà được cấp mới thì địa phương bảo có người khác nhận rồi. “Cho đến hôm nay, tôi và gia đình vẫn sống trong căn hộ chật hẹp này. Các cháu của tôi lớn lên trong căn nhà quá chật. Phía sau, nhà hàng xóm đã xây lên nên che kín các lỗ thông gió khiến căn nhà nóng bức như một lò than. Tôi và vợ đều bị bệnh nặng nhưng vẫn phải chấp nhận sống trong hoàn cảnh chật hẹp như thế này” - NSND Huỳnh Nga buồn rầu nói.
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì ông phải ăn cháo để uống thuốc đúng giờ. Nhìn đứa cháu nhỏ bưng nước mời ông, NSND Huỳnh Nga ngậm ngùi: “Cả đời tôi dành cho sân khấu, không chăm lo cho gia đình trọn vẹn, tôi tủi thân lắm”. Bà Đỗ Thị Minh Nguyệt - vợ của ông - tiếp lời: “Bao nhiêu tiền dành dụm khi ông đi dàn dựng vở diễn cho các đoàn thời bao cấp không đủ mua thuốc điều trị căn bệnh của ông. Tôi về già cũng đau yếu, các con làm công nhân không thể nào tích cóp mua nổi căn nhà.”.
Với sự nghiệp sân khấu, NSND Huỳnh Nga đã dàn dựng hơn 300 tác phẩm, trong đó đa số là những tác phẩm để đời mà đến nay nó đã trở thành khuôn mẫu đối với sân khấu cải lương, như: Đời cô Lựu, Tấm Cám, Người giữ mộ, Tiếng sáo đêm trăng, Hoa độc trong vườn, Tanhia, Khách sạn hào hoa, Tìm lại cuộc đời, Muôn dặm vì chồng…
Ông đã từng tham gia cướp chính quyền tại huyện Thủ Thừa - Long An khi dấn thân theo con đường cách mạng. Hoạt động tại khu Đồng Tháp Mười với công việc văn thư và giao liên tại Ban Tuyên truyền chính trị Quân khu 8, ông đã có thời gian bồi giấy, pha màu cho NSND - họa sĩ Hoàng Tuyển. Quá trình đó đã giúp ông làm quen với sân khấu cách mạng và gia nhập Đoàn kịch Khu 8. Ông chính là một trong những diễn viên tham gia vở kịch cách mạng đầu tiên Đồng xanh máu đỏ của nhà thơ Bảo Định Giang, viết về vụ án đồng Nọc Nạn. Ông xung phong vào bộ đội và đến năm 1954 tập kết ra Bắc theo Tiểu đoàn 311.
NSND Huỳnh Nga là 1 trong 8 nghệ sĩ đã thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ năm 1957, hình thành chiếc nôi của kịch nói Nam Bộ trên đất Bắc. Không chỉ làm công tác dàn dựng, ông còn tham gia trực tiếp đào tạo, dìu dắt nhiều đạo diễn trẻ, diễn viên trẻ đến với nghề một cách tự tin. Ông đã dàn dựng nhiều tác phẩm cho các đoàn cải lương ĐBSCL, đưa cải lương vùng miền sánh kịp với phong cách dàn dựng, diễn xuất của sân khấu chuyên nghiệp TP HCM.
“Nguyện vọng cuối đời của tôi là xin được chuyển đổi căn hộ đang sinh sống này để con cháu có mái nhà cho đúng nghĩa là nhà” - NSND Huỳnh Nga nói.