Chuẩn bị hàng cho một chuyến bán rong (Ảnh: Hồng Liên)
Phố phường Hà Nội vẫn tấp nập, ồn ào, thấp thoáng đâu đó có những dáng người phụ nữ gầy gò, ốm yếu với những gánh hàng rong đang lặng lẽ dạo qua từng con phố. Gặp chị vào một đêm gió mùa ùa về tại chân cầu Long Biên khi chị đang ngồi nghỉ ở bên đường, hằn lên trên khuôn mặt phúc hậu của chị là những nỗi niềm, những trăn trở.
Ba mươi năm bôn ba với nghề bán hàng rong, chị đã nuôi hai đứa con mình ăn học, khôn lớn nên người. “Con gái chị sinh năm 1981, thi đỗ đại học Luật và hiện tại đã có gia đình, anh con trai sinh năm 1979 sau khi học xong đại học cũng đã có công ăn việc làm ổn định. Anh có người yêu ở Quảng Ninh đã hơn ba năm nay nhưng bên nhà gái chưa ưng thuận", lời chị Xuân tâm sự.
Thương con, lo cho con, sợ con bị người ta chê nghèo, người mẹ 55 tuổi này vẫn phải lăn lội kiếm sống. Những năm trước khi còn trẻ khỏe, khi hàng không bán được thì chị đi phụ hồ, thu ve chai, bốc vác hàng đêm tại chợ Long Biên, … nhưng giờ có tuổi, sức khỏe kém nên chị chỉ đi bán được hàng rong.
Đi cùng chị từ chợ hoa quả Long Biên vào không xa khoảng 600m là nơi chị và những người phụ nữ cùng bán hàng rong chung sống. Ngôi nhà trọ tồi tàn, nền nhà là nền đất được phủ lên bởi những mảnh gạch xi măng vứt đi xếp lại vẫn còn hở. Ngôi nhà trọ ấy chỉ vẻn vẹn 10m2, hai mươi người phụ nữ ở chung với nhau với mức giá là mười sáu nghìn đồng một ngày.
Phòng trọ được dựng lên bằng đủ thứ vật liệu, tường xây kết hợp các tấm prôximăng, bạt, bao tải… (Ảnh: Hồng Liên)
Chị tâm sự “Ở nhà trọ đắt lắm nhưng cũng còn rẻ hơn so với nhiều nơi khác ở cái đất Hà Nội này”. Khi hỏi tại sao chị không ở cùng cậu con trai đang đi làm tại Hà Nội thì giọng chị nghèn nghẹn: “Mình ở đây ăn uống tạm bợ với ở tạm bợ thì được thì để con nó nhìn thấy mình như thế này làm sao được…”.
Chị kể về công việc thường ngày của mình: “Chị bán hàng bất kể cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày chị bán được hơn chục cân hạt. Ai có nhu cầu thì gọi điện đặt liên hệ với chị, cứ hết hàng thì chị làm hàng rồi mang đến tận nơi. Cứ thế mà đã thấm thoát ba mươi năm, hai đứa con chị lớn lên cũng nhờ cái chảo rang ấy…”.
Một tháng chị để dành được khoảng hơn một triệu đồng. Khi chị còn khỏe mạnh, mỗi ngày kiếm được nhiều tiền hơn nhưng nuôi hai con ăn học nên tháng nào chị kiếm coi như hết tháng đấy.
Bắt đầu một ngày mới, bàn tay chị lại run run chuẩn bị làm hàng mang đi bán khắp các phố phường Hà Nội. Bàn tay chai sạm, cứng cáp vì sự nhọc nhằn của cuộc sống. Đó cũng là bàn tay yêu thương từng vuốt ve che chở cho những đứa con chìm vào những giấc ngủ say với những câu ca dài…
Cùng với bóng dáng của chị Xuân, có biết bao bà mẹ khác đã sớm hôm tần tảo, không ngại vất vả sớm tối thân cò lặn lội nơi xa mong cho con mình có cái chữ, cho con bằng bạn bằng bè, thoát khỏi cái kiếp nghèo đói. Và chính những người mẹ ấy đã làm nên vẻ đẹp của cuộc đời.
Bởi gánh con, mẹ gánh cả cuộc đời…