Người nhà của 2 liệt sĩ Nguyễn Chí Hối và Đỗ Thế Đồng ở cụm 2, xã Liên Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) đã nhiều lần làm đơn đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 liệt sĩ, nhưng đã 6 năm trôi qua, đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Tiểu sử ghi bằng máu
Ông Giang Phú Sĩ - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Liên Hiệp - người viết tiểu sử cho liệt sĩ Nguyễn Chí Hối và Đỗ Thế Đồng cho biết: 2 liệt sĩ đều sinh năm 1922 trong một gia đình làm nông nghiệp nghèo khó, ở thôn Hiếu Hiệp, xã Liên Hiệp (Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ). Hai ông cùng tham gia kháng chiến chống Pháp vào tháng 2.1944, trong đội du kích xã Tứ Hiệp, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.
Ông Đỗ Thế Trùy (bên trái) và ông Nguyễn Chí Trọng xem lại giấy tờ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng cho 2 liệt sĩ. |
Cách mạng tháng 8.1945 thành công, ông Nguyễn Chí Hối đảm nhận vai trò Đội trưởng đội du kích xã, còn ông Đỗ Thế Đồng làm đội phó. Đến quý I năm 1948, 2 ông vinh dự được chi bộ kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Giang Phú Sĩ kể: “Đêm 3.11.1949, 2 ông tổ chức họp đội, triển khai Chỉ thị 69 của Tỉnh ủy Sơn Tây về việc du kích xã tạm thời rút vào bí mật tại nhà thờ họ Nguyễn Phú. Tờ mờ sáng do có kẻ gian báo tin, bọn Pháp ở bốt Phùng cùng bọn Hương Dũng ở bốt Hiệp Lộc kéo quân đến bao vây đền thờ, đặt súng máy ở ngoài đê bắn xối xả. 2 ông chống trả quyết liệt, cuộc chiến đấu kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.
Khi biết không thể chống cự lại được, ông Hối đã lấy máu viết lên tường khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm” rồi hủy bỏ hết tài liệu và 2 khẩu súng, chỉ để lại 1 quả lựu đạn, 2 ông ôm nhau tự tử chứ quyết không chịu rơi vào tay giặc”.
Hai ông đã được nhà nước ghi nhận là liệt sĩ và trao bằng Tổ quốc ghi công vào ngày 23.4.1957. Ông Sĩ cho biết: “Năm 2002, tôi viết tiểu sử 2 ông và được các du kích cùng thời, trong đó có cụ Từ Tất Cảnh - người năm xưa cùng tham gia vào tổ du kích và ông Vương Tá Thích - Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp lúc bấy giờ ký xác nhận, đóng dấu đỏ và được đọc trên loa cho toàn dân xã Liên Hiệp nghe”.
Mỏi mòn chờ danh hiệu
Chiến công và cái chết oanh liệt của 2 liệt sĩ cứ trôi đi trong lịch sử Đảng bộ xã Liên Hiệp. Cho tới tận năm 2006, các du kích cùng thời mới đặt vấn đề đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho 2 ông.
Giấy đề nghị và chiến công của 2 ông được 9 cụ cao tuổi từng là du kích thôn và cán bộ lão thành cùng công tác với 2 liệt sĩ Đồng và Hối năm 1949 xác nhận chứng thực. Ngoài ra, hồ sơ còn được UBND xã Liên Hiệp xác nhận và đóng dấu.
Có được các giấy tờ trên, cộng với bảng thành tích chiến đấu, cháu liệt sĩ Nguyễn Chí Hối là bà Nguyễn Thị Chỉ, ông Nguyễn Chí Trọng và cháu liệt sĩ Đỗ Thế Đồng là ông Đỗ Thế Trùy đã nộp cho cơ quan chức năng. Nhưng không hiểu sao các cấp có thẩm quyền vẫn chưa xem xét giải quyết và cũng không có văn bản, quyết định gì hồi âm.
Ông Nguyễn Chí Trọng cho biết: “Chúng tôi đã nộp hồ sơ lên UBND xã, lên Phòng Nội vụ huyện, nhưng họ chỉ trả lời chung chung là không đủ điều kiện”.
Được biết, trong gia đình liệt sĩ Nguyễn Chí Hối còn có 3 liệt sĩ chống Pháp nữa là: Nguyễn Chí Huấn, Nguyễn Chí Nghị, Nguyễn Chí Ký, và 1 liệt sĩ chống Mỹ là Nguyễn Chí Giáp. Vì vậy, không chỉ cán bộ lão thành cách mạng ở địa phương mà cả người dân cũng mong mỏi 2 liệt sĩ được truy tặng danh hiệu anh hùng, để thể hiện lòng biết ơn và tri ân sâu sắc đến những liệt sĩ đã có công với cách mạng.
Đỗ Đức