Dân Việt

Vụ QZ8501: Điều tra viên “sởn gai ốc” trước lời cuối của phi công

Phương Đăng 13/01/2015 19:00 GMT+7
Ông Nurcahyo Utomo, điều tra viên thảm kịch máy bay QZ8501 AirAsia đâm xuống biển Java hôm 28.12.2014 chia sẻ, dù đã có thâm niên 20 năm trong nghề, song việc phân tích dữ liệu hộp đen chiếc phi cơ xấu số này là một trong những việc khiến ông "sởn gai ốc" nhất.

img

 Chân dung Iriyanto, phi công máy bay mang số hiệu QZ8501

Ông Nurcahyo Utomo là điều tra viên thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia cho hay, ngoài đời, ông có mối quan hệ cá nhân với Iriyanto, phi công máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia gặp nạn hôm 28.12.2014 khiến 162 người thiệt mạng.

 

Do đó, đối với Utomo, việc tham gia vào cuộc điều tra thảm kịch QZ8501 có nghĩa là ông sẽ phải nghe lại những đoạn ghi âm từ hộp đen trong đó, có những lời cuối cùng của phi công, người bạn ông từng quen biết. Đây là điều có thể khiến điều tra viên này có phần lo lắng, bối rối và đòi hỏi ông phải chuẩn bị cho mình "tinh thần thép".

"Nghe đi nghe lại đoạn ghi âm từ hộp đen của một máy bay gặp nạn không giống như nghe nhạc hay một cuộc thảo luận. Chúng tôi đang nghe đoạn dữ liệu phản ánh những giây phút cuối cùng trước khi máy bay của AirAsia gặp nạn. Nhiều lúc, các điều tra viên trở nên mất bình tĩnh",  ông Nurcahyo chia sẻ.

Ông Utomo cho hay, trong lúc phân tích dữ liệu, những lời cuối cùng như "Allahuakhbar" (Thượng đế chí tôn) lặp lại nhiều lần khiến ông và đồng nghiệp sởn gai ốc.

"Cứ như là chúng tôi có thể cảm thấy họ. Allahuakhbar, Allahuakhbar là từ họ thốt ra trước khi chết", ông Utomo chia sẻ.

img

 Một mảnh vỡ của máy bay QZ8501 AirAsia.

 Tuy nhiên, theo điều tra viên dày dặn kinh nghiệm này, ông phải nén đau xót để hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm. Nghe đoạn hội thoại cuối cùng sẽ là chìa khóa quan trọng tiết lộ nguyên nhân chuyến bay mang số hiệu QZ8501 gặp nạn.

"Dù trái tim đau xót, chúng tôi cũng không thể thoái thác trách nhiệm. Nghe cuộc đối thoại cuối cùng trong buồng lái giữa cơ trưởng và cơ phó trước khi máy bay rơi xuống biển, chúng tôi sẽ biết điều gì thực sự đã xảy", ông Nurcahyo nói.

Với ông Nurcahyo, nhiệm vụ phân tích các hộp đen máy bay QZ8501 AirAsia càng khó khăn hơn bởi ông và phi công Iriyanto có mối giao tình.

"Anh ấy là tiền bối của tôi và là người dạy tôi cách bay. Tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ nghe những lời cuối của anh ấy như thế nào", ông Nurcahyo chia sẻ.

Hôm nay, đội thợ lặn thuộc Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn Indonesia đã trục vớt được chiếc hộp đen thứ hai ghi lại âm thanh đàm thoại của phi công và phi hành đoàn máy bay QZ8501.

img

 Hộp đen thứ nhất ghi hành trình chuyến bay được vớt hôm 12.1

Chiếc hộp đen thứ 2 được đưa lên một chiếc tàu hải quân Indonesia để chuyển về thủ đô Jakarta phân tích cùng với chiếc hộp đen thứ nhất ghi hành trình chuyến bay.

Chiếc hộp đen này được phát hiện nằm cách vị trí hộp đen thứ nhất chỉ khoảng 20m. Nhờ tín hiệu “ping” từ thiết bị dò tìm, lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng xác định được vị trí của nó cùng thời điểm với chiếc hộp đen thứ nhất, nhưng do bị các mảnh vỡ nằm đè lên khiến công tác trục vớt gặp khó khăn hơn.

Trước đó, hôm 12.1, chiếc hộp đen thứ nhất cũng đã được lực lượng cứu hộ Indonesia trục vớt thành công từ bên dưới mảnh vỡ cánh máy bay và hiện đã được đưa về phòng thí nghiệm của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia ở thủ đô Jakarta để phân tích.

Chiếc hộp đen thứ nhấtđược cho là vẫn đang hoạt động tốt. Các hộp đen máy bay sẽ là căn cứ quan trọng giúp các nhà điều tra biết thêm về những gì đã xảy ra trong buồng lái máy bay QZ8501 trước khi gặp nạn.

Các nhà điều tra Indonesia cho rằng, việc tiếp cận thông tin trong các hộp đen này có thể chỉ mất khoảng 2 ngày nếu thiết bị không bị hư hại nặng. Tuy nhiên, việc tải và phân tích dữ liệu trong cả hai hộp đen sẽ khó khăn hơn và có thể phải mất từ 2 tuần đến một tháng.

Trước đó, giới chức thời tiết Indonesia trong một báo cáo kết luận, thời tiết là nguyên nhân "khởi phát" vụ tai nạn mang tên QZ8501 do chiếc máy đã thực hiện hành trình trong điều kiện có bão.

Máy bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia đã mất liên lạc với kiểm soát không lưu vào hôm 28.12 khi đang trên đường từ Surabaya (Indonesia) tới Singapore.

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (Basarnas) tiết lộ trên trang web chính thức rằng vụ tai nạn máy bay đã tạo thành một hố sâu dưới đáy biển.

Cho tới nay, mới chỉ có 48 nạn nhân của chiếc máy bay QZ8501 được vớt lên và 27 người được nhận dạng.

Người đứng đầu Basarnas Marsekal Madya TNI FH Bambang cho biết công tác tìm kiếm trong hôm nay sẽ tập trung xung quanh khu vực phát hiện đuôi máy bay để tìm những mảnh vỡ còn lại và thi thể các nạn nhân còn lại.

Theo một quan chức Indonesia, vẫn còn khoảng một nửa các nạn nhân được cho là vẫn đang kẹt ở phần thân máy bay.

Hôm nay, hãng thông tấn Sputnik của Nga đưa tin, trong ngày thứ 17 tìm kiếm, lực lượng cứu hộ Indonesia phát hiện thân máy bay gặp nạn cách địa điểm trục vớt đuôi máy bay khoảng khoảng 3km.

Dự kiến, Indonesia cũng sẽ sử dụng nhiều khinh khí cầu để tiến hành trục vớt phần thân, như từng tiến hành thành công với phần đuôi của chiếc máy bay AirAsia dưới đáy biển.