Dân Việt

Lạm dụng trò chơi mạo hiểm trên truyền hình: Phản cảm, thiếu giáo dục

14/01/2015 09:57 GMT+7
Việc phát sóng trực tiếp trên truyền hình mà không kiểm soát được các chương trình mạo hiểm, để xảy ra tai nạn đáng tiếc cho thí sinh được quy về “lỗi” của nhà đài, trong khi người thực hiện lại khoán cho tư nhân. Sự cố nuốt nhầm axít của thí sinh trong chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt” trên truyền hình vừa qua cũng chỉ là giọt nước tràn ly...

Càng mạo hiểm, càng... ăn khách

Về sự cố uống nhầm axít, BTC cho biết: “Tấn Phát bị bỏng môi và khoang miệng phía trước dưới lưỡi ở cấp độ nhẹ”. Còn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán Tấn Phát bị bỏng miệng, họng độ 2. Tranh thủ lúc nằm viện, Tấn Phát làm clip xin lỗi chương trình và khán giả, còn BTC thì chưa thấy lên tiếng nhận trách nhiệm.

img

 

Cộng đồng mạng đã phản ứng trước sự “vô tâm” của cả BTC, cũng như ban giám khảo và cả MC - tất cả dường như không hề có ứng phó nào kịp thời khi thí sinh uống nhầm ly axít, thậm chí, còn kéo dài phần hỏi, thay vì đưa đi cấp cứu ngay. Câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu tiết mục nguy hiểm tương tự, mà vẫn được phát sóng trực tiếp? Trong chuyện này, ai chịu trách nhiệm khi đưa lên những trò gay cấn không đảm bảo cho tính mạng người chơi, và đâu là tính giáo dục trong những trò chơi này?

Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt” không hiếm những màn trình diễn rùng rợn. Khán giả nhiều lần thót tim khi xem màn nuốt kim, nuốt rắn, nuốt kéo, cầm thương nhọn đâm vào yết hầu, dùng lò xo, dao sắt xuyên qua mũi, dùng đầu đập đinh vào ván... 

Kinh khủng hơn, còn có trò nuốt lưỡi cưa 20cm vào cổ họng, cắm chiếc ốc vít được nối với nguồn điện vào mũi, nuốt cây kéo sắt dài hơn 50cm được nối với nguồn điện cho dòng điện chạy qua tim và vẫn rút ra thản nhiên như trường hợp “người điện” Hoàng Nhựt. Hay trò may rủi dùng máy bắn ghim bắn thẳng vào đầu.

Chương trình “Vietnam’s Next Top Model” qua từng mùa giải cũng có những pha mạo hiểm như cho thí sinh chụp ảnh cùng rắn lục, trăn, các loài bò sát, côn trùng, treo người trên cần cẩu cao 15m, lơ lửng giữa không trung, đứng thẳng góc trên vách nhà cao tầng cách mặt đất 20m để tạo dáng... Còn sân chơi “Cuộc đua kỳ thú” cũng buộc thí sinh nhảy dù, đu dây mạo hiểm ở độ cao 60m.
img
Thí sinh Tấn Phát phải nhập viện sau khi uống nhầm ly axít.

Đâm lao, phải theo lao

Những màn diễn kiểu trên từng bị nhiều khán giả cho là phi giáo dục. Ca sĩ Ánh Tuyết nhìn nhận: “Làm gì thì làm, nhưng phải nghĩ đến vấn đề con người, xã hội và giáo dục. Ở nước ngoài, người ta kiểm soát rất kỹ trước khi cho diễn các show mạo hiểm. Nếu có sự cố, tổ chức, nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại cho người đó, nói chung là chịu trách nhiệm rất nặng. Còn ở ta, không những không kiểm tra trước, xem có nguy hiểm đến tính mạng không, mà còn bỏ qua chuyện giới trẻ sẽ “học hỏi”, bắt chước làm những trò nguy hiểm như vậy. Dường như ở đây, người ta khuyến khích tính liều mạng!

TS - nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ phân tích: “Một số chương trình như vậy đang được đẩy lên thành cao trào. Không ít đài, nhất là khu vực phía nam và TPHCM có phong trào khai thác văn hóa đại chúng, hướng về giới trẻ. Giới trẻ cần trực quan sinh động, mang yếu tố mạo hiểm, kích thích sự chú ý. Nhà đài đâm lao phải theo lao mà không tính thiệt hơn, cũng như xem nhẹ tính giáo dục. Cho nên, một số chương trình hơi quá đà”.

Cũng theo TS Thơ, chất nghệ thuật của các chương trình dần biến mất. Giới trẻ thiếu trang bị hiểu biết, chưa đủ năng lực cảm thụ nghệ thuật, lại không đủ thời gian… nên nhà đài đánh vào những gì chớp nhoáng, như ảo thuật, kịch hài, miễn qua rồi thôi. “Tôi không ủng hộ những trò “Sơn Đông mãi võ” đó. Rõ ràng, người ta hy sinh quá nhiều, để đánh đổi số lượng người xem đông” - ông chia sẻ.


PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Đấy không phải là tài năng!”

 

“Tôi cho rằng những trò nuốt rắn, nuốt dao… trên game show kia chưa phải là tài năng để mà phải cổ vũ. Đúng hơn, đó mới chỉ là những kỹ năng, năng khiếu nhất định, đủ để gợi tò mò hơn là hướng người xem vào một ý nghĩa tích cực như đúng nghĩa của tài năng.

Vẫn biết rằng trong sự cạnh tranh giữa các game show, người thực hiện cũng cần phải có những cách thức nào đấy để lôi kéo khán giả cũng như thu hút quảng cáo. Nhưng giải trí gì thì giải trí, một khi đã lên sóng truyền hình quốc gia, là nơi “quan trên trông xuống, người ta trông vào”, tôi nghĩ cũng cần có tính định hướng giáo dục thẩm mỹ. Đã gọi là “trò chơi” thì nên là bổ ích, vui tươi…

Đừng quên rằng ngồi trước máy thu hình gồm rất đông đối tượng khán giả. Trong đó, không phải ai cũng có khả năng “tự vệ”, biết chọn lọc và thu nhận cái gì đáng xem, đáng giữ lại trong đầu. Đáng lo nhất là các em nhỏ, vốn hay có hành vi bắt chước, vậy thử nghĩ xem nếu các em cũng có lúc tìm cách bắt chước những trò mạo hiểm, thiếu tính giáo dục đó, thì sao? Nếu như trong khuôn khổ một rạp hát với lượng khán giả hạn chế, thì còn có thể chấp nhận. Nhưng truyền hình, thì khác. Do đó, theo tôi, nhà đài cần có sự chọn lọc cẩn trọng hơn.

Tất nhiên, lãnh đạo Đài Truyền hình VN thì khó mà kiểm soát hết được một khối lượng chương trình lên sóng khổng lồ trong ngày, nên cần thiết phải tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm của các ban biên tập. Các chương trình, nhất là các chương trình được sản xuất theo phương thức xã hội hóa, cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa ngay từ khâu sản xuất. Mục đích của xã hội hóa là để tranh thủ mọi nguồn lực trong xã hội, nhưng về nguyên tắc, Nhà nước vẫn phải nắm quyền quản lý, làm chủ, kiểm soát chặt chẽ nội dung, chứ không thể thả nổi cho các bên liên kết. Để rồi khi gặp sự cố, lại đá bóng trách nhiệm hay nói một lời xin lỗi với khán giả, là xong.

Đừng để khán giả nghĩ rằng lúc này lên sóng truyền hình quốc gia dễ quá, từ Lệ Rơi, Bà Tưng cho đến mấy trò tương tự màn quảng cáo bán thuốc dạo “Sơn Đông mãi võ” một thời…”.

NSƯT Thành Lộc - thành viên BGK “Vietnam’s Got Talent”: “Chiêu trò khiến BGK cảm thấy bị tổn thương”

“Chiêu trò trong game show thì quả là một câu chuyện dài. Nên ở đây tôi chỉ có thể nói rằng: Tất cả mọi sự mạo hiểm trong các trò diễn đều phải là một sự mạo hiểm có tính toán, để cuối cùng phải đưa đến một kết thúc có hậu (về mặt hiệu quả diễn xuất) thì mới đáng được gọi là nghệ thuật. Chiêu trò trong nghệ thuật khác với chiêu trò tạo sự kiện, gây chú ý. Vì thế, không phải bất kỳ sự bất chấp hiểm nguy nào cũng đáng được coi là hành động hy sinh vì nghệ thuật, mà chính xác ra, phải gọi đó là “bá đạo”.

Hồi giờ, mỗi khi game show nào gặp chuyện, công chúng nhà mình cũng nghĩ ngay đến đó là chiêu trò của BTC, mà không biết cho là, ngay chính BTC đôi khi cũng chỉ là một nạn nhân của thí sinh mà thôi, một khi họ không có ý định thi thố một cách lương thiện. Tôi tin chắc là không có một BTC nào lại dại dột tạo ra những chiêu trò chỉ tổ gây ác cảm cho khán giả và khiến họ mất uy tín như vậy. Rồi ngay cả BGK cũng bị liên lụy nữa, dù họ hoàn toàn không được biết trước.

Có khá nhiều lý do để tôi ngờ rằng vụ Tấn Phát uống nhầm axit vừa qua tại Vietnam’s Got Talent là do thí sinh cố ý tạo chiêu trò hòng gây chú ý. Nếu vậy, cá nhân tôi cũng bị tổn thương vì cảm thấy không được tôn trọng, bị xúc phạm và cả bị lợi dụng nữa…”.