Là dự án đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Rob Marshall với thể loại phim nhạc kịch sau 5 năm kể từ khi làm Nine (2009), đồng thời cũng được chuyển thể từ tác phẩm nhạc kịch cùng tên nổi tiếng của Stephen Sondheim, thế nên Khu rừng cổ tích được rất nhiều khán giả hồi hộp mong đợi khi chuẩn bị ra mắt.
Có thể nói, Khu rừng cổ tích là một tác phẩm đẹp cả về phần nhìn lẫn phần phần nghe, được trau chuốt kỹ lưỡng về cảm xúc cũng như chiều sâu trong cách khai thác kịch bản, dàn dựng. Tác phẩm này không hẳn là dành cho thiếu nhi, cũng như không chỉ làm riêng để cho người lớn mà nó có được được sự dung hòa về cả hai đối tượng.
"Khu rừng cổ tích" ấn tượng bởi phần hình ảnh đầy màu sắc và âm nhạc ấn tượng.
Thế giới cổ tích phong phú và toàn mỹ
Khu rừng cổ tích mở đầu bằng một chuỗi những điều ước của những nhân vật sống ở bìa rừng. Đó là hai vợ chồng người thợ làm bánh khao khát có một mụn con, cậu bé Jack ước cho con bò ra nhiều sữa, cô bé lọ lem ước được cuộc sống bình yên… Mỗi một cá thể xuất hiện trên màn ảnh rộng đều là một sự gợi nhớ chân thực đến những nhân vật cổ tích quen thuộc, và điều ước của họ sắp trở thành hiện thực khi ngày Trăng xanh đang chuẩn bị đến gần.
Khi đang vui vẻ trong căn bếp nhà mình, hai vợ chồng người thợ làm bánh bất ngờ gặp mụ phù thủy già cạnh nhà xông vào và cho biết, sở dĩ họ không thể có con là vì cha của họ đã từng lấy trộm những hạt đậu thần của bà, khiến bà bị mẹ của mình nguyền rủa và trở nên xấu xí. Quá tức giận, mụ phù thủy đã nguyền rủa lại rằng gia đình của họ sẽ không bao giờ có con nối dõi. Cách duy nhất để giải hóa lời nguyền này là trong vòng 3 ngày nữa, vào đúng ngày trăng xanh, người thợ làm bánh phải mang về cho bà 4 món đồ cần thiết. 4 món đồ ấy hóa ra lại thuộc về 4 nhân vật cổ tích khác nhau: chiếc áo choàng đỏ như máu của cô bé quàng khăn đỏ, con bò trắng như sữa của cậu bé Jack, lọn tóc vàng như bắp của nàng Rapunzel và đôi giày sáng như vàng của cô bé lọ lem.
Vai chó sói do Johnny Depp đóng khiến nhiều khán giả rất tò mò, thích thú.
Khu rừng cổ tích đã kết nối nhân vật bằng một cách mở đề lý thú và dễ thương đến thế. Và cũng từ đó cuộc hành trình tìm kiếm nguyên liệu, chiến đấu và khám phá khu rừng của người thợ làm bánh bắt đầu. Cả 4 nhân vật nói trên cũng đang đều có những hành trình của riêng mình, đi vào khu rừng, khám phá, tận hưởng, say me nó và theo đuổi điều ước của mình.
Cái hay của đạo diễn Rob Marshall là đã điều tiết được thời lượng một cách dung hòa giữa nhiều nhân vật, không quá trọng ai cũng không bỏ quên ai. Dù một số người xuất hiện ít nhưng tinh thần và hình ảnh của họ vẫn có ảnh hưởng đến tuyến truyện đáng kể, kể cả hai vị hoàng tử hài hước, người mẹ cáu gắt của Jack hay những cô chị đáng ghét của nàng lọ lem. Sự phong phú của thế giới cổ tích là một mỏ đất vàng giúp cho các biên kịch của bộ phim tha hồ tung hứng, nhào nặn và từ đó mở ra những sự tò mò bất định nơi khán giả.
Trang phục bắt mắt, nhạc phim ấn tượng
Khu rừng cổ tích được hãng phim Walt Disney đầu tư rất mạnh tay về phần trang phục. Mỗi nhân vật đều có một hình ảnh được trau chuốt khác nhau trước mặt khán giả. Người xem hẳn sẽ rất thích thú với tấm áo choàng nhẹ nhàng, bắt mắt của cô bé quàng khăn đỏ, rồi sẽ đó lại đầy ngạc nhiên thú vị khi nhìn thấy tấm áo choàng thứ hai của cô bé ở nửa sau phim, nó vừa dễ thương lại vừa có chút gì đó rất… rùng rợn.
Nhân vật chó sói cũng là một hình tượng có trang phục rất độc đáo, bắt mắt. Kiểu vest lịch lãm phối với lông cùng chiếc nón cổ điển của chú chó soi tạo ra một cảm giác vừa gian manh lại vừa rất… quý ông.
Trong khi đó, hai nhân vật hoàng tử lại có kiểu tạo hình lãng mạn phong trần, quyến rũ một cách quá mức khiến bất cứ cô gái nào cũng phải thấy say mê. Dù vậy, tận sâu bên trong cái vẻ ngoài đó, người ta vẫn có thể cảm nhận được một cái gì… gờn gợn, thật khó diễn tả cho đến tận cuối phim.
Trang phục trong phim được đầu tư đẹp mắt, hoành tráng.
Trang phục của nữ diễn viên gạo cội Meryl Streep trong vai mụ phù thủy già cũng rất kỳ công, vừa xấu xí nhưng cũng vừa rất tinh tế, ma quái, đầy quyền lực. Đặc biệt là bộ trang phục thứ hai lúc mụ phù thủy đã trở về nguyên dạng lại vừa tạo cảm giác hơi buồn cười, vì nó diêm dúa, nhưng vẫn rất chất và mang tinh thần riêng của một mụ phù thủy hơi… khùng mà lại rất thấu hiểu toàn bộ câu chuyện.
Riêng về phần nhạc phim, Khu rừng cổ tích có phần nhạc gần như được lấy lại toàn bộ từ phiên bản nhạc kịch. Một số được viết lại, một số được viết lời mới và một số ca khúc vừa mới sáng tác riêng cũng xuất hiện. Tổng thể bộ phim là một phong cách nhạc kịch vừa rùng rợn, vừa kịch tính lại vừa say mê. Mỗi phân đoạn đều phản ảnh lên được một cái riêng của phần hồn câu chuyện.
Ví dụ như đoạn song ca giữa hai vị hoàng tử bên bờ suối tạo ra một tràng cười tươi tỉnh còn đoạn cãi nhau và đổ lỗi giữa các nhân vật trong phần cuối lại mang đến cao trào, đoạn nhân vật phù thủy hát với nàng Rapunzel trên tòa tháp vừa xúc động lại vừa nghiệt ngã còn đoạn độc thoại của nàng lọ lem thì lại để lại nhiều suy nghĩ cho người xem.
Đoạn ca hát giữa phù thủy và nàng Rapuzel trên tòa tháp rất xúc động.
Vẫn còn nhiều sạn
Dù rất lý thú và được trau chuốt kỹ nhưng khó có thể xem Khu rừng cổ tích là một bộ phim hoàn hảo bởi nó vẫn còn quá nhiều sạn. So với Chicago cách đây 13 năm hay Nine cách đây 5 năm thì đạo diễn Rob Marshall đã tỏ vẻ xuống tay thấy rõ. Có lẽ một phần lý do cũng vì Rob Marhsall đang bị trói buộc vào kịch bản gốc của phiên bản nhạc kịch nên chưa thẳng tay phóng tác hết được. Ông hiếm khi cắt bớt đoạn nào mà hầu như chỉ thêm vào, đó cũng là lý do khiến người xem có cảm giác như Khu rừng cổ tích hơi dài dòng.
Bộ phim cũng có quá nhiều các cảnh hát độc thoại để từng nhân vật giải quyết rốt ráo vấn đề của mình, đặc biệt là ở đoạn cuối, nó phần nào làm chùng cảm xúc của bộ phim, nhất là khi cao trào đã dừng lại trước đó hơn 15 phút. Cách chuyển cảnh và dựng phim của Khu rừng cổ tích cũng chưa đạt được hiệu ứng như mong đợi, nó chỉ dừng ở mức chấp nhận được chứ chưa hẳn là xuất sắc, bởi có quá nhiều luồng cảm xúc cùng ập đến một lúc nên mỗi cảm xúc từ các nhân vật tạo ra lại hơi… nông.
Nàng Rapunzel với mái tóc dài quyến rũ do Mackenzie Mauzy thủ vai.
Diễn xuất của các diễn viên trong phim khá tròn trịa nhưng hầu như không có ai đột phá. Vai diễn của Meryl Streep gây thích thú ở phần đầu bao nhiêu thì lại nhạt nhòa về cuối bấy nhiều. Hai chàng hoàng tử dù đẹp mã nhưng cũng không có đất để thể hiện tài diễn xuất.
Hai diễn viên nhí đóng vai cô bé quàng khăn đỏ và cậu bé Jack cũng rất ấn tượng, nhưng chỉ ấn tượng trong phạm vi bộ phim chứ chưa thực sự lưu lại được cảm giác nhớ lâu cho khán giả về sau.
James Corden trong vai thợ làm bánh và Anna Kendrick trong vai lọ lem là hai diễn viên chủ chốt cũng hoàn thành rất tốt vai trò của mình, nhưng so với những nhân vật khác mà họ từng thể hiện trên màn ảnh thì hai nhân vật trong phim này khó lòng mà vượt qua được.
Xét cho cùng thì Khu rừng cổ tích là một bộ phim giải trí vừa tầm, vừa hài hước vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc vừa có nhiều thông điệp, rất đúng kiểu… Disney. Còn nếu muốn trông đợi nhiều hơn ở đạo diễn Rob Marhsall, có lẽ người xem phải đợi đến lúc ông làm một bộ phim nhạc kịch khác, hoàn toàn nguyên gốc và không bị bó buộc bởi sự chuyển thể nào.