Sinh ra trong một gia đình nề nếp, ngay từ thuở nhỏ nghệ sĩ nghệ sĩ Hồng Chương đã được thấm nhuần cốt cách, gia phong từ cách dạy dỗ của cha mẹ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau cha mẹ nghệ sĩ Hồng Chương mất, bà cô ruột không lấy chồng đón các cháu về nuôi.
Ký ức tuổi thơ ngày ấy trở về như mới hôm qua, cậu bé họ Nguyễn hôm nào giờ đã trở thành ông lão râu tóc bạc phơ với những nếp nhăn của thời gian hằn sâu trên khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Cũng chính bởi cái vẻ tiên phong đạo cốt ấy mà từ lâu nghệ sĩ Hồng Chương được coi là "ông Bụt" của làng Điện ảnh Việt Nam.
Nay đã bước sang tuổi 81, mặc dù niềm đam mê với nghệ thuật vẫn còn đó, nhưng đối với nghệ sĩ Hồng Chương công danh và sự nghiệp chỉ thoảng qua như nước chảy bèo trôi. Từng trải biết bao nhiêu vinh nhục của cuộc đời điều mà ông tâm niệm giờ đây chỉ là cốt sao gìn giữ và phát huy được những tinh hoa của nguồn cội.
Theo nghệ sĩ Hồng Chương, giá trị của một con người chỉ có thể được phát huy khi họ biết trân trọng nguồn cội của mình. Con người không có nguồn cội cũng như một dân tộc không có bản sắc văn hóa, sớm muộn gì cũng đến ngày diệt vong. Bản thân ông luôn khắc ghi và coi đó là đạo lý tiên quyết để giáo dục con cái.
Ngôi nhà mà nghệ sĩ Hồng Chương đang sống cũng mang phong cách hiện đại như bao ngôi nhà Việt Nam khác. Chỉ có điều nó được xây dựng trên khu đất mà vốn xưa kia từng là nơi ghi dấu biết bao kỉ niệm thời thơ ấu của ông. Đó là căn nhà ngói năm gian cổ kính, với lối đi nhỏ nhuốm màu rêu phong, hòn non bộ sơn thủy hữu tình và một khu vườn sum suê cây trái.
Cũng chẳng khó hiểu vì sao sau khi quyết định phá bỏ căn nhà cũ để bán đất lấy tiền xây nhà mới cho các con lòng ông lại sầu muộn đến thế. Ông bùi ngùi tâm sự: "Tôi buồn lắm chứ! Căn nhà các cụ để lại mà mình không giữ được thì thật là có lỗi... Nhưng vì tương lai các con các cháu nên tôi không thể đừng được. Với lại tôi tin sau này đời chúng nó rồi sẽ khá lên thôi".
Căn nhà mới khang trang là nơi người nghệ sĩ già quây quần bên vợ cùng các con cháu. Tại phòng khách ông trang trọng cho đặt bàn thờ gia tiên cùng bức hoành phi cổ có từ thời Bảo Đại và đôi câu đối được một người bạn viết tặng mà ông rất tâm đắc.
Trên bức hoành phi sơn son thiếp vàng ấy là bốn chữ Hán "Nguyễn Thị Bính Phái" được ông giải thích rất tỉ mỉ và cặn kẽ như sau: "Gia tộc tôi họ Nguyễn. Mà họ Nguyễn thì anh biết rồi đấy, đó là dòng họ nhiều nhất Việt Nam, chiếm đến 70% có dư. Còn Bính Phái là vì chi nhà tôi thuộc chi Bính. Các cụ ngày xưa chia chi theo các can Giáp, Ất, Bính, Đinh... như chúng ta ngày nay chia thứ tự A,B,C vậy".
Ông tiếp tục cắt nghĩa về đôi câu đối bên bức hoành phi: "Đôi câu đối này là do một người bạn viết tặng tôi đấy. Này nhé "Bách kế bất như nhân đức thiện" nghĩa là trăm mưu kế không bằng nhân đức thiện. "Thiên kim mạc nhược tử tôn hiền" nghĩa là Ngàn vàng cũng chẳng bằng con cháu thảo hiền. Đối nhau cứ gọi là chan chát".
Ngoài những kỉ vật trên còn phải kể đến một món đồ hay đúng hơn là một khối đồ mà ông vô cùng trân quý đó chính là hòn non bộ có tuổi đời hơn trăm năm được đặt ở một vị trí đẹp ngay khuôn viên trước nhà. Kể về món đồ đặc biệt này ông hoan hỉ: "Tính ra tuổi đời hòn non bộ này còn hơn cả tuổi tôi. Ngót nghét cũng hơn trăm năm rồi đấy. Nhiều người trả giá cả trăm triệu nhưng tôi không bán. Còn mỗi kỉ vật này từ thời các cụ, bán đi thì có lỗi với các cụ lắm".
Lơ lửng phía trên hòn non bộ trăm tuổi là những giỏ lan tươi rói với đủ loại lan... "Chúa chơi lan, quan chơi trà" theo nghệ sĩ Hồng Chương là một nét đẹp văn hóa đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Ngày xưa chỉ vua chúa mới được chơi lan vì nó vừa hiếm lại vừa quý. Không như những loài hoa khác lan đặc biệt ở chỗ mỗi năm nó chỉ ra hoa duy nhất một lần, lại vào đúng dịp Tết nên càng được lòng người hơn.
Ngày bé nghệ sĩ Hồng Chương vẫn thường chơi bi, đánh đáo cùng đám bạn trước cổng nhà. Rồi mỗi lần ngóng mẹ đi chợ về mong sẽ có gói quà nhỏ trong đôi quang gánh mẹ mang cũng là đứng bên cái cổng thân thuộc ấy. Thời gian thấm thoát trôi thật nhanh, cảnh cũ người xưa nay không còn nữa, chỉ còn cái cổng rêu phong vẫn ngày ngày hiên ngang đứng đó. Nó như nhịp cầu nối liền mạch kí ức trong tâm hồn người nghệ sĩ già, giúp ông luôn nhớ về tuổi thơ êm đềm của mình.
Cống hiến hết mình cho gia đình và xã hội, mong ước lớn nhất của nghệ sĩ Hồng Chương cho đến giờ phút này là sẽ lưu giữ được hồn cốt của cha ông còn sót lại qua những kỉ vật mà ông hằng trân quý.
Đó đơn giản chỉ là cái cổng rêu phong, hòn non bộ trăm tuổi hay bức hoành phi của dòng họ nhưng lại mang những giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc, không gì đánh đổi được.