Dân Việt

Phúc thẩm nhân vật hình mẫu phim “Đường đời”: Hình sự hóa quan hệ dân sự?

Lương Kết 15/01/2015 07:11 GMT+7
Theo dự kiến hôm nay (15.1), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Nguyễn Hữu Khai (SN 1952) - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long (Sơn Tây, Hà Nội).

Hai lần vướng vòng lao lý

Ông Nguyễn Hữu Khai là người khá nổi tiếng trong hoạt động y học, võ thuật và quá trình xây dựng Tập đoàn Bảo Long. Ông là nhân vật hình mẫu trong bộ phim truyền hình dài tập “Đường đời” phát sóng trên VTV3 với kịch bản phim được chuyển thể từ tiểu thuyết “Nợ đời”.

img
Ông Nguyễn Hữu Khai lần thứ hai vướng vào lao lý. Ảnh: Baolong

Cuộc đời ông Khai có khá nhiều thăng trầm. Năm 1979, ông từng bị xử phạt 4 năm tù về tội “giả mạo giấy tờ”. Sau khi ra tù ông bắt tay vào xây dựng sự nghiệp với những bước khởi đầu đầy gian khó. Vượt qua những sóng gió, ông Khai xây dựng Tập đoàn Bảo Long với những bước phát triển đáng kinh ngạc khi có hàng nghìn nhân viên, sản phẩm thuốc được xuất đi nhiều nước. Bên cạnh đó, ông cũng rất quan tâm tới những hoạt động từ thiện.

Nhưng rồi điều bất ngờ đã xảy ra khi vào tháng 6.2013, ông Khai lại bị cơ quan điều tra bắt giữ để điều tra về hành vi sử dụng trái phép tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (Tập đoàn Bảo Sơn).

Ngày 22.4.2014, ông Nguyễn Hữu Khai bị tòa sơ thẩm TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên phạt 3 năm tù về tội “sử dụng trái phép tài sản”. Bản án sơ thẩm cho rằng: Vào tháng 3 và 4.2011, ông Nguyễn Hữu Khai với tư cách là đại diện của Tập đoàn Bảo Long đã ký hợp đồng với Tập đoàn Bảo Sơn, nhận số tiền 10 tỷ đồng từ Bảo Sơn để mua nguyên liệu phục vụ sản xuất trong thời hạn 1 năm.

Tuy nhiên, sau khi nhận được 10 tỷ đồng, ông Khai không sử dụng để mua nguyên vật liệu như đã thỏa thuận mà lại dùng để trả các khoản nợ cũ, và không trả lãi cho Tập đoàn Bảo Sơn từ tháng 6.2011. Khi hết thời hạn hợp đồng, ông Khai không trả được cả tiền gốc và lãi cho Tập đoàn Bảo Sơn, tổng cộng lên tới hơn 12,5 tỷ đồng.

Hình sự hóa quan hệ dân sự?

Sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù, ông Nguyễn Hữu Khai đã làm đơn kháng cáo, kêu oan. Trong đơn kháng cáo, ông Khai cho rằng hợp đồng giữa Tập đoàn Bảo Long và Tập đoàn Bảo Sơn là quan hệ hợp đồng dân sự thuần túy. Trong hợp đồng có nội dung: Nếu có tranh chấp, hai bên không tự giải quyết được thì có quyền khởi kiện ra tòa.

Cũng trong đơn kháng cáo, ông Khai lập luận, người bị kết tội “sử dụng trái phép tài sản” phải là người sử dụng trái phép tài sản của người khác. Còn trong vụ việc trên, số tiền 10 tỷ đồng Tập đoàn Bảo Sơn đã chuyển cho Tập đoàn Bảo Long một cách hợp pháp thì số tiền đó thuộc sở hữu của Tập đoàn Bảo Long như Điều 472 Bộ luật Dân sự quy định: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”.

Sau khi ông Khai bị bắt vào tháng 6.2013, đến tháng 11.2013, khoản tiền cả gốc lẫn lãi trên đã được Tập đoàn Bảo Long thanh toán cho Tập đoàn Bảo Sơn.

Về việc này, ông Khai lập luận: Thời điểm đó Tập đoàn Bảo Long đang trong tình trạng khó khăn, thua lỗ nên không thể trả Tập đoàn Bảo Sơn đúng hẹn. Sau đó, chúng tôi đã thực hiện trả đầy đủ cả gốc và lãi số tiền này. Việc chậm trả tiền vay không phải là quan hệ nhân quả với việc sử dụng sai mục đích số tiền này nên không thể quy cho tôi tội sử dụng trái phép tài sản.

Ông Nguyễn Hữu Khai được biết đến như một võ sư nổi tiếng, người sáng lập ra Bảo Long Y Võ. Ông Khai từng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao Động hạng Ba, Huy chương vì Sức khoẻ cộng đồng; Thầy thuốc Ưu tú; Vào năm 2002, ông được Viện Hàn lâm khoa học Nga phong tặng học vị tiến sĩ danh dự bởi luận án khoa học nghiên cứu sản phẩm đông dược đặc hiệu.