Nhi (10 tuổi) bị trầm cảm phải đến bệnh viện điều trị hằng tuần vì bị bạn bắt nạt, đặc biệt là bị bạn nam trêu ghẹo. Giờ đây, cháu luôn có cảm giác sợ hãi khi thấy bạn nam hoặc đàn ông.
Bạo lực thể xác cũng như tinh thần bủa vây học sinh cả ngoài đời và trên mạng. Minh họa : Khều. Bạo lực thể xác cũng như tinh thần bủa vây học sinh cả ngoài đời và trên mạng. Minh họa : Khều.
Nhi là học sinh lớp 5 của một trường tiểu học ở quận 10, TPHCM. Khi Nhi được mẹ đưa đến khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng I, các bác sỹ nói cháu bị trầm cảm rất nặng. Mỗi khi thấy người lạ là đàn ông, cháu sợ hãi, chạy trốn hoặc khóc rất to. Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Anh, chuyên gia tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng I, cho biết, thời gian đầu, cứ mỗi lần được đưa đến lớp điều trị là cháu lại khóc, không rời mẹ. Phải mất một tháng sau cháu mới quen với mọi người, nhưng vẫn sợ nam giới. Nhiều lần bác sỹ cố gắng hỏi chuyện, Nhi mới kể, do mỗi ngày lên lớp, cháu bị các bạn trêu chọc, nhiều bạn nam cố tình đụng chạm vào người nên cháu sợ. Nhi càng sợ, càng bị trêu chọc và cuối cùng cháu sợ đến lớp. “Cháu thường tìm xuống góc lớp ngồi, không chơi với ai”, bác sỹ Diệu Anh nói.
Chị Trần Thị Mai (32 tuổi, mẹ của Nhi) cho biết, khoảng nửa năm nay, Nhi luôn tỏ ra sợ hãi khi đến trường. Nhiều hôm chị chở con đến cổng trường, nhưng bé không chịu xuống xe vào lớp. “Nhi cũng nhiều lần nói không muốn đi học, nhưng khi hỏi vì sao thì bé không nói. Mỗi ngày cứ đi học về là bé vào phòng đóng cửa, không nói chuyện với ai. Có hôm thấy bố mà bé cũng phát hoảng khóc thét lên”, chị Mai kể.
Cảnh bạo lực học đường bị tung lên mạng ngày càng nhiều.
Tự xa lánh và bị xa lánh
Cũng như Nhi, N.V.Mạnh (học sinh lớp 7) và gần 10 bạn khác đang được điều trị tại khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng I bị trầm cảm do bị bạn ở trường trêu chọc, bắt nạt. Sau hơn hai tháng điều trị, Mạnh mới nói chuyện bình thường với các chuyên viên tâm lý. Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thời gian đầu Mạnh không chịu nói chuyện với ai. Mạnh kể, từ khi lên học lớp 6, cháu thường xuyên bị các bạn học trấn lột tiền, dọa đánh và trêu chọc cháu quá gầy. “Mạnh nói cháu không muốn đi học, đến lớp cũng chỉ vào bàn học ngồi chứ không nói chuyện với ai. Về nhà nhiều lần định nói với bố mẹ nhưng lại sợ bị la mắng. Cháu cảm thấy xấu hổ về cơ thể mình gầy yếu và tính tình nhút nhát, nên không chơi với ai, lâu dần cháu bị trầm cảm”, chị Mai Anh kể.
Chị Nguyễn Thị Thanh (mẹ của Mạnh, ngụ quận 3) cho biết, từ khi bước vào học kỳ hai của năm lớp 6, Mạnh bắt đầu có những biểu hiện lạ thường. Hằng ngày, khi đi học về, cháu chỉ vào phòng đóng cửa, chơi những trò chơi online bạo lực, không nói chuyện với người nhà. Khi chị hỏi chuyện thì Mạnh cáu gắt. Cháu học hành ngày càng sa sút và không muốn đến trường.
Trò chuyện với phụ huynh học sinh ở một số thành phố lớn, phóng viên còn thấy tình trạng bắt nạt bạn cùng lớp, cùng trường qua các trang mạng xã hội. Hình thức bắt nạt, bạo lực tinh thần phổ biến là lập hội trên Facebook, tập trung nói xấu, bêu riếu một bạn nào đó trong lớp. Ở ngoài đời thực, nạn nhân hoặc bị véo tai, cốc đầu, hoặc bị tẩy chay, cô lập, không ai chơi cùng.
Chuyên gia tâm lý tư vấn cho phụ huynh nắm bắt tâm lý để trẻ phòng chống việc bị bắt nạt. Ảnh: Ngô Bình.
Hậu quả nặng nề
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý xã hội Việt Nam, cho biết, những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực về ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh làm thế nào để đối phó những kẻ bắt nạt có thể khiến trẻ bị stress. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành.
Những em bị bắt nạt thường bị cô lập nên không muốn đến trường. Tình trạng bị bắt nạt kéo dài, ngoài ảnh hưởng xấu đến học tập, còn có tác hại rất lớn đến sự phát triển của các em cả về mặt xã hội lẫn cảm xúc. Các em rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, điều sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của các em ngay cả lúc đã trưởng thành.
Tháng 11/2014, Tổ chức Phát triển cộng đồng Plan Việt Nam công bố kết quả khảo sát trên 3.000 học sinh tại 30 trường học tại Hà Nội cho thấy, 78% phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực học đường. Hình thức thường gặp nhất là bạo lực tinh thần như đánh giá về ngoại hình, gia cảnh; gán ghép tên nữ sinh kèm các biệt danh xấu, bị sỉ nhục bằng ngôn ngữ xúc phạm...
Hậu quả bạo lực học đường trực tiếp ảnh hưởng công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời. “Với những ảnh hưởng về mặt sức khỏe cùng với tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, học sinh không thể học tập với kết quả tốt nhất có thể. Thậm chí, sự căng thẳng quá mức về mặt tâm lý có thể buộc học sinh kết thúc việc học của mình, hoặc cũng có thể vì gây ra hành vi bạo lực mà học sinh phải nhận kỷ luật đuổi học. Từ đó, tương lai của các em rẽ sang một bước ngoặt khác không mấy khả quan”, PGS Sơn nói.
Nhiều trẻ bị trầm cảm vì bạo lực học đường phải đến bệnh viện điều trị Ảnh: Ngô Bình.
Chưa chú trọng dạy đạo đức
Mới đây, Trung tâm Giáo dục nghiên cứu phổ thông (ĐH Sư phạm TPHCM) thực hiện cuộc khảo sát về bạo lực học đường tại một số trường THCS, THPT tại TPHCM. Trong số 297 phiếu khảo sát được thu về, 80,3% số học sinh nói từng chứng kiến hành vi trêu chọc bạn qua hình thức bên ngoài; 59,3% từng nhìn thấy bạn bị đánh đập. Có 82,5% nguyên nhân bạo lực do tính hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân; 71,1% do hùa theo các bạn khác; 31% do xem cảnh bạo lực trong phim ảnh, sách báo. Với câu hỏi “Nếu là nạn nhân của bạo lực học đường, em sẽ phản ứng như thế nào?”, 29,6% ý kiến trả lời sẽ đánh lại bạn, 38,8% phản ứng tức thời bằng lời nói và 36,7% về nhà nói với người thân. Có 4% nói sẽ nghỉ học vì sợ và số ít khác cho rằng sẽ im lặng trước tình huống này.
Trong buổi hội thảo về tình trạng bạo lực học đường trong trường học phổ thông được ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức cuối tháng 12/2014, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân một phần do nhà trường chưa chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.
PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM), cho rằng, đã và đang xuất hiện những cách sống xa lạ, trái với những chuẩn mực đạo đức xã hội. Giáo dục đạo đức ở bậc tiểu học, giáo dục công dân ở bậc trung học phổ thông còn trừu tượng, hàn lâm và nặng về lý thuyết.
Bà Lê Thị Thảo, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho rằng, hiện nay, nhiều giáo viên lên lớp chỉ tập trung dạy kiến thức mà chưa quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh. “Nhà trường, giáo viên chỉ tập trung đến các vấn đề về chuyên môn dạy học, thi cử. Dường như các vấn đề về đạo đức, lối sống bị bỏ quên”, bà Thảo nói.
PGS Sơn dẫn chứng một số nghiên cứu ở Mỹ cho thấy trong số những em chứng kiến cảnh bắt nạt mà im lặng, 33% cảm thấy giận dữ nhưng bất lực, cho rằng lẽ ra mình nên làm gì đó nhưng đã không dám làm; 24% cho rằng việc đó chẳng liên quan các em. Điều này nếu kéo dài và lặp đi lặp lại sẽ tạo nên một nhóm người vô cảm trước những bất công hay nỗi đau của người khác.